Thuốc giảm đau OxyContin của Purdue Pharma. (Nguồn: nbcnews)
Ngày 23/1, Gia đình Sackler, chủ sở hữu công ty dược phẩm Purdue Pharma, đã đạt được thỏa thuận trị giá 7,4 tỷ USD với nhiều bang của Mỹ để giải quyết hàng nghìn vụ kiện liên quan đến bê bối thuốc giảm đau gây nghiện opioid.
Thuốc giảm đau OxyContin của công ty được xem là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng nghiện opioid lan rộng, khiến 700.000 người tử vong do dùng thuốc quá liều tại Mỹ trong hai thập kỷ qua.
Thỏa thuận được công bố gần 7 tháng sau khi Tòa án Tối cao Mỹ đảo ngược nỗ lực trước đó của công ty nhằm giải quyết các vụ kiện. Theo thỏa thuận, gia đình Sackler sẽ phải bồi thường 6,5 tỷ USD, trong khi đó công ty Purdue phải trả 900 triệu USD, nâng tổng số tiền đền bù lên tới 7,4 tỷ USD.
Các khoản tiền này sẽ được dùng để hỗ trợ các chương trình điều trị, phòng ngừa và phục hồi chứng nghiện tại các cộng đồng bị ảnh hưởng trên khắp cả nước trong 15 năm tới. Ngoài ra, Sacklers sẽ mất quyền kiểm soát Purdue và sẽ không còn được phép bán thuốc opioid tại Mỹ.
Tuy nhiên, thỏa thuận này không đồng nghĩa với việc đảm bảo việc chấm dứt hoàn toàn các vụ kiện từ các bang, chính quyền địa phương hoặc các cá nhân là nạn nhân của cuộc khủng hoảng opioid. Những người không muốn tham gia thỏa thuận vẫn có quyền tự do theo đuổi các vụ kiện chống lại gia đình Sackler.
Tham gia đàm phán thỏa thuận có đại diện 15 bang của nước Mỹ, trong đó có New York, California, Connecticut, Oregon, Texas, Florida và West Virginia. Thỏa thuận cần được một thẩm phán chuyên về phá sản chấp thuận để có hiệu lực.
Ngoài các khoản thanh toán cho chính quyền bang và địa phương, thỏa thuận sẽ dành ra khoảng 800 triệu USD để trả cho các nạn nhân cá nhân của cuộc khủng hoảng opioid.
Về phần mình, Purdue cho biết đang nỗ lực để đưa thỏa thuận vào kế hoạch phá sản mới. Purdue cũng là một trong nhiều công ty dược đã đồng ý trả khoảng 50 tỷ USD trong những năm qua để giải quyết các vụ kiện và cuộc điều tra liên quan đến cuộc khủng hoảng nghiện opioid gây chết người tại Mỹ.
Purdue đã nộp đơn xin phá sản vào năm 2019, khi phải đối mặt với hàng nghìn vụ kiện cáo buộc công ty và gia đình Sackler tiếp tay cho "đại dịch" opioid thông qua chiến dịch tiếp thị không đúng sự thật về thuốc giảm đau OxyContin.
Công ty đã thừa nhận các cáo buộc liên quan đến việc dán nhãn sai và gian lận trong chiến lược tiếp thị OxyContin vào các năm 2007 và 2020. Mặc dù vậy, các thành viên gia đình Sackler phủ nhận hành vi sai trái, dù bày tỏ lấy làm tiếc về vai trò của OxyContin trong cuộc khủng hoảng opioid./.
(TTXVN/Vietnam+)