Chủ động tích lũy nguồn lực tài chính, kiểm soát dòng tiền
Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans, mã cổ phiếu PVT - sàn HoSE) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 tại TP.Hồ Chí Minh và đồng kết hợp họp trực tuyến vào ngày 15/4.
Tại Đại hội, tờ trình về kế hoạch kinh doanh năm 2025 của HĐQT PV Trans đã được cổ đông thông qua với tỷ lệ đồng thuận cao. Theo đó, PV Trans đặt mục tiêu kinh doanh năm nay ở mức 10.300 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 960 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 12% về doanh thu và 35% về lợi nhuận so với mức cao kỷ lục của năm 2024.
Ông Phạm Việt Anh - Chủ tịch HĐQT PV Trans.
Thông tin đến cổ đông, ông Phạm Việt Anh - Chủ tịch HĐQT PV Trans cho biết doanh thu hợp nhất trong quý 1/2025 ước tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2024, đạt khoảng 2.800 tỷ đồng, và lợi nhuận trước thuế đạt 370 tỷ, tương đương với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng theo ông Phạm Việt Anh, Tổng công ty đã có những dự báo, đánh giá từ trước về khả năng các biến động địa chính trị có thể làm xáo trộn mạnh thị trường vận tải. Từ góc nhìn ngành, sau giai đoạn tăng trưởng nóng từ năm 2020 đến 2023, ngành vận tải đã bắt đầu bước vào chu kỳ điều chỉnh.
“Chúng tôi đã dự báo từ trước 2024 -2025 sẽ là giai đoạn suy giảm, và đã chủ động thận trọng trong đầu tư, đánh giá cung cầu, và phân tích các yếu tố rủi ro từ bất ổn địa chính trị đến sự mất cân đối giữa cung và cầu”, Chủ tịch PV Trans cho biết.
Tuy nhiên, PV Trans đánh giá thị trường vận tải tuy có suy giảm nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng. Tổng công ty đã chủ động tích lũy nguồn lực tài chính, kiểm soát dòng tiền, cắt giảm chi phí.
Ví dụ, khi thị trường tốt, sẽ đẩy nhanh khấu hao tàu, từ 10 năm rút xuống 7 năm để tối ưu chi phí đầu tư. Khi thị trường khó khăn, PV Trans có thể điều chỉnh khấu hao theo mức độ hao mòn thực tế nhằm cân bằng chi phí. Ngoài ra, chi phí sửa chữa, đặc biệt là chi phí lên đốc tàu - thường dao động 1,5 - 2 triệu USD/lần, cũng được tính toán hợp lý.
Hiện tại, toàn hệ thống đã trích trước khoảng hơn 300 tỷ đồng, tạo nguồn dự phòng tốt cho giai đoạn khó khăn. Đồng thời, Tổng công ty tiếp tục giảm chi phí tài chính và tối ưu hiệu quả vận hành, ông Phạm Việt Anh cho biết.
Giá thuê tàu vẫn duy trì ở mức cao
Chia sẻ thêm về chiến lược kinh doanh năm nay, ông Nguyễn Duyên Hiếu - Tổng giám đốc PV Trans cho biết Tổng công ty định hướng sẽ giữ vững thị phần vận tải nội địa cho các nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn và các đơn vị thành viên khác thuộc Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia (Petrovietnam). Đồng thời, bám sát tình hình biến động của thị trường để mở rộng quy mô trên các tuyến vận chuyển quốc tế.
Trong trường hợp Nhà máy lọc dầu Dung Quất mua được tối đa dầu thô nội địa (40-42 triệu thùng) thì dầu nội địa sẽ chiếm tỷ lệ khoảng 70-75%, còn lại nhập khẩu khoảng 25-30% thì PV Trans sẽ hưởng lợi từ việc tăng số lượt vận chuyển nội địa cho nhà máy. Bên cạnh đó, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn kỳ vọng tiếp tục hoạt động ổn định, tạo nguồn việc cho PV Trans, ông Nguyễn Duyên Hiếu phân tích.
Ông Nguyễn Duyên Hiếu - Tổng giám đốc PV Trans.
Ban lãnh đạo PV Trans cũng cho biết, trước các biến động địa chính trị hiện tại thì phân khúc tàu hàng rời chịu ảnh hưởng nặng nhất, trong khi tàu dầu thô, tàu khí và tàu hóa chất có mức suy giảm nhẹ hơn.
Tuy nhiên, mặt bằng giá cước vận tải hiện vẫn duy trì ở mức cao dù đã có phần hạ nhiệt so với giai đoạn đỉnh điểm. Trong đó, giá thuê tàu dầu thô cỡ lớn vẫn đạt khoảng 30.000 USD/ngày, so với mức chỉ khoảng dưới 20.000 USD/ngày của giai đoạn cách đây 7-8 năm. Qua đó, cho thấy thị trường vẫn có tiềm năng trong thời gian tới.
Về tàu hàng rời của PV Trans, đặc điểm chi phí vận hành không cao, giá mua tàu cũng khá thấp nhưng cước lại biến động rất mạnh và rất nhanh, trong khi các tàu hàng lỏng lại chậm. Do đó, làm tàu hàng rời có thời điểm đỉnh cao làm 5 năm chỉ cần 1 năm tốt là có thể "cứu" được các năm còn lại, ông Phạm Việt Anh nói.
Dự kiến đón thêm 7 - 8 tàu mới trong năm nay
Cũng tại Đại hội, cổ đông PV Trans đã thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 32% nhằm tăng mạnh vốn điều lệ từ mức 3.560 tỷ đồng lên 4.699 tỷ đồng, giúp Tổng công ty bổ sung vốn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển.
Trong năm nay, PV Trans dự kiến chi 3.525 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư đội tàu, bao gồm đầu tư 01 tàu dầu sản phẩm MR (chủng loại tàu vận chuyển hóa chất) hoặc 01 tàu hàng rời; đầu tư 02 tàu dầu sản phẩm MR hoặc 01 tàu dầu thô Aframax; đầu tư 01 tàu vận chuyển khí size lớn LNG/VLGC hoặc từ 01 đến 03 tàu (tàu dầu thô, tàu dầu sản phẩm, hoặc 01 tàu dầu thô Aframax).
Ban lãnh đạo PV Trans nhấn mạnh việc đầu tư, “trẻ hóa” đội tàu là chiến lược cốt lõi để nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng kinh doanh. Trong năm 2024, Tổng công ty đã đầu tư 8 tàu mới; bao gồm 2 tàu dầu sản phẩm, 4 tàu hàng rời, 1 tàu hóa chất và 1 tàu LPG với tổng mức đầu tư đạt 153 triệu USD. Ngược lại, Tổng công ty hoàn thành việc nhượng bán 1 tàu hóa chất cũ.
Cuối tháng 12/2024, PV Trans đã tiếp nhận tàu hàng rời PVT Peridot được đóng vào tháng 1/2013 tại Nhật Bản, có trọng tải 57.300 DWT.
Ông Phạm Việt Anh cho biết, đinh hướng của Tổng công ty mẹ và các công ty thành viên thuộc PV Trans là hướng tới đầu tư các tàu lớn. Theo thứ tự ưu tiên của HĐQT PV Trans, trong năm nay, Tổng công ty mẹ sẽ đầu tư trước 1 - 2 tàu dầu thô và các công ty con sẽ đầu tư thêm tàu dầu thô Aframax, tàu vận chuyển khí VLGC, theo sau là tàu hóa chất và tàu dầu sản phẩm MR. Qua đó, PV Trans dự kiến đội tàu toàn hệ thống sẽ có thêm 7 - 8 tàu mới.
Về tiến độ đầu tư, Chủ tịch PV Trans nhấn mạnh: “Hiện nay tình hình đang khá thay đổi. Giá cước giảm, giá tàu cũng đã giảm nhưng chậm hơn. Chúng tôi đang chờ đợi vì nếu vội vàng bây giờ sẽ rất nguy hiểm. Do thời điểm này đang là giai đoạn bất định”.
Ban lãnh đạo PV Trans cho biết thêm, một điểm đáng chú ý là sau biến động địa chính trị, ngành đóng tàu toàn cầu bắt đầu tăng tốc trở lại. Tính đến cuối năm 2024, tổng lượng đơn hàng đóng tàu đạt khoảng 364 triệu DWT, tương đương khoảng 15% tổng công suất đội tàu hiện tại. Việc này nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt và thay thế tàu cũ bị loại bỏ, tạo thế cân bằng cung cầu mới.
Đặc biệt, lượng tàu đóng mới tập trung vào hai nhóm là tàu container và tàu LNG. Nhu cầu tàu LNG tăng mạnh do thay đổi từ việc vận chuyển khí đốt bằng đường ống sang đường biển, chủ yếu do các yếu tố từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Trong khi đó, lượng đơn đóng tàu container tăng vì ảnh hưởng từ các sự cố tại kênh đào Panama, kênh đào Suez… khiến hàng hóa phải chuyển hướng qua các tuyến xa hơn như mũi Hảo Vọng.
Hiện nay, tàu LNG chiếm khoảng 50% tổng đơn hàng đóng mới, tạo áp lực lên thị trường vận tải khí. Ngược lại, tàu dầu (bao gồm dầu thô, dầu sản phẩm) chỉ chiếm khoảng 12,9% đơn hàng, tàu hàng rời khoảng 10,3% đơn hàng. Những con số này phản ánh sự mất cân đối tạm thời giữa các phân khúc và sẽ còn tác động lên thị trường trong thời gian tới, ban lãnh đạo PV Trans chia sẻ.
Kết thúc Đại hội, toàn bộ các tờ trình của HĐQT PV Trans đã được cổ đông thông qua.
Duy Quang