PVOil vẫn chưa thể thu hồi hàng trăm tỷ đồng 'mắc kẹt' tại MBV

PVOil vẫn chưa thể thu hồi hàng trăm tỷ đồng 'mắc kẹt' tại MBV
5 giờ trướcBài gốc
Diễn biến mới các khoản tiền gửi “kẹt” tại MBV
Theo thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOil), tính đến ngày 31/3/2025, số dư tiền gửi không kỳ hạn của công ty gửi tại OceanBank - nay là MBV đã giảm khoảng một tỷ đồng so với cuối năm 2024. Các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới ba tháng cũng có mức giảm tương tự.
Trước đó, tính tới cuối năm 2024, số dư tiền gửi mà PVOil nhận được vẫn liên tục gia tăng giá trị qua các năm chủ yếu tới từ phần lãi tiền gửi.
Số tiền này đã bị hạn chế chi trả theo chỉ thị số 600/2015/CT-TGD ngày 13 tháng 02 năm 2015 của MBV về việc tạm dừng cung cấp dịch vụ thanh toán cho các tổ chức kinh tế thuộc PVN để tiến hành rà soát, thẩm định hồ sơ thanh toán của khách hàng. Điều này khiến khoản tiền gửi của PVOil gần như bị “đóng băng” trong cả thập kỷ qua.
Đến nay, PVOil vẫn còn hơn 1,9 tỷ đồng và gần 3,8 triệu USD tiền gửi không kỳ hạn, cùng 2,1 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn gốc dưới ba tháng tại OceanBank, nay là MBV.
Ngoài ra, khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn lên tới hơn 275 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 6-12 tháng.
Câu chuyện về khoản tiền gửi của PVOil tại OceanBank bắt nguồn từ giai đoạn 2009-2014, khi PVOil thực hiện chỉ đạo của PVN về việc ưu tiên sử dụng dịch vụ tài chính của OceanBank – ngân hàng mà PVN góp 20% vốn điều lệ.
PVOil đã mở hai tài khoản thanh toán không kỳ hạn và ký bảy hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn tại OceanBank chi nhánh TP.HCM, với tổng giá trị giao dịch gần 3.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khoản tiền này bị “kẹt” do những sai phạm tại OceanBank. Theo cáo trạng liên quan đến vụ án các lãnh đạo PVOil nhận chi lãi ngoài từ OceanBank, từ năm 2010-2014, OceanBank đã chi 1.576 tỷ đồng lãi ngoài cho hơn 51.000 cá nhân và gần 400 tổ chức, trong đó có PVOil.
Năm 2018, khi PVOil tiến hành IPO, ban lãnh đạo công ty lúc đó đã cho biết hai khoản tiền gửi này được đảm bảo bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước, bảo vệ mọi quyền lợi của PVOil.
Với động thái chuyển biến tích cực gần đây, ban lãnh đạo PVOil kỳ vọng sẽ sớm thu về khoản tiền gửi bị "mắc kẹt" tại MBV nhiều năm qua.
Trong các báo cáo tài chính gần đây, ban tổng giám đốc PVOil bày tỏ niềm tin rằng các khoản tiền gửi tại MBV sẽ sớm được giao dịch trở lại, dù chưa nêu mốc thời gian cụ thể.
Động thái tái cơ cấu của MBV, cùng sự hỗ trợ từ MB, được xem là chìa khóa để khơi thông dòng tiền, giúp MBV có thêm nguồn lực có thể hoàn trả cho các chủ nợ như PVOil.
Kỳ vọng từ sự tham gia của MB
Động thái mới này diễn ra sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố chuyển giao bắt buộc OceanBank cho Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vào ngày 17/10/2024.
OceanBank, nay là MBV, trở thành ngân hàng TNHH MTV do MB sở hữu 100% vốn điều lệ. Quá trình tái cơ cấu được NHNN định hướng nhằm bảo vệ quyền lợi các chủ nợ và phục hồi hoạt động của ngân hàng yếu kém.
Sau khi được chuyển giao, MBV đang cho thấy những tín hiệu phục hồi tích cực. Theo báo cáo tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của MBV đạt 46.230 tỷ đồng, tăng 16,1%. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 34.800 tỷ đồng, tăng 5,6%, trong khi huy động vốn tăng 5,3%, đạt 46.960 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lỗ lũy kế của MBV giảm mạnh từ thời điểm chuyển giao, còn 15.688 tỷ đồng, giảm 3.940 tỷ đồng. Công ty chứng khoán BIDV (BSC) nhận định MB có thể đưa MBV thoát lỗ ngay trong năm 2025, hoàn thành đề án tái cơ cấu trong vòng 10 năm.
MB cam kết bơm tới 5.000 tỷ đồng vào MBV trong 7-8 năm tới, đồng thời đề xuất các biện pháp như xin ý kiến cổ đông về các giao dịch lớn với MBV và tìm kiếm nhà đầu tư tiềm năng.
“Chúng tôi đã đưa nhân sự sang MBV để vực dậy ngân hàng này,” ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB, chia sẻ tại hội nghị nhà đầu tư gần đây.
Sự phục hồi của MBV mang lại hy vọng rằng PVOil có thể sớm thu hồi khoản tiền gửi hơn 300 tỷ đồng, giúp giải phóng nguồn vốn quan trọng cho hoạt động kinh doanh.
Dũng Phạm
Nguồn Nhà Quản Trị : https://theleader.vn/pvoil-ky-vong-som-thu-ve-hang-tram-ty-dong-dang-mac-ket-tai-mbv-d40327.html