Cảnh đổ nát sau cuộc không kích của Israel tại Khan Younis, Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN
Qatar là địa điểm đặc biệt khi vừa là nơi tọa lạc căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông vừa là nơi hiện diện văn phòng chính trị của Hamas. Văn phòng của Hamas được thiết lập tại thủ đô Qatar từ năm 2012. Quốc gia Vùng Vịnh giàu có này cũng đóng vai trò then chốt trong các cuộc đàm phán gián tiếp kể từ ngày 7/10/2023 khi xung đột Israel-Hamas bùng phát.
Trong 3 quốc gia đóng vai trò trung gian hòa giải, Qatar có một vị trí đặc biệt. Trong khi Ai Cập có chung biên giới với Gaza, Mỹ là đồng minh của Israel thì Qatar là nước duy nhất có thể tự coi là mang lập trường trung lập.
Đáng chú ý, Qatar cũng đóng vai trò trung gian hòa giải trong nhiều cuộc khủng hoảng quốc tế, như xung đột tại Ukraine, nội chiến Syria và Afghanistan.
Các cuộc đàm phán được coi là hy vọng duy nhất để trả tự do cho các con tin Israel hiện vẫn ở Gaza và chấm dứt xung đột đã khiến 43.603 người Palestine tại dải đất này phải bỏ mạng.
Nhưng vào ngày 9/11, Qatar bất ngờ thông báo quyết định ngưng vai trò trung gian hòa giải cho đến khi Israel và Hamas thể hiện “thiện chí và nghiêm túc” trong chấm dứt xung đột.
Tháng 11/2023, giữa Israel và phong trào Hamas đã có một tuần ngừng bắn ngắn ngủi với 105 con tin bao gồm 81 người Israel và 24 công dân nước ngoài đã được thả tự do để đổi lấy 240 tù nhân người Palestine. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán sau đó đều đi vào ngõ cụt. Trong tháng 11 này, Hamas đã khước từ đề xuất của Ai Cập và Qatar về ngừng bắn ngắn hạn.
Về phần mình, Israel nhiều lần cảnh cáo sẽ không ngừng chiến dịch quân sự cho đến khi đạt được các mục tiêu là tiêu diệt Hamas và đưa con tin trở về nhà.
Ông Andreas Krieg tại Đại học King's College London (Anh) đánh giá các cuộc đàm phán hiện ở tình thế không còn tiến trình thương lượng.
Ông Krieg nhận định rằng Hamas đã giảm sức mạnh đáng kể sau khi các nhân vật cấp cao là Yahya Sinwar và Ismail Haniyeh bị tiêu diệt, khiến phong trào này trở nên mơ hồ về việc duy trì một quá trình đàm phán trong bối cảnh những nhân vật đàm phán chủ chốt đều đã sang thế giới bên kia.
Cũng theo ông Krieg, Thổ Nhĩ Kỳ là một ứng viên cho vai trò trung gian đàm phán. Nhiều khả năng Thổ Nhĩ Kỳ cũng hưởng ứng vai trò này bởi Ankara chủ trương giữ vị trí trung gian giữa Đông và Tây. Vào tháng 4 năm ngoái, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gặp gỡ thủ lĩnh chính trị của Hamas khi đó Ismail Haniyeh tại Istanbul. Ông Erdogan và ông Haniyeh đã thảo luận về "những điều cần thiết để đảm bảo vận chuyển không gián đoạn và đầy đủ hỗ trợ nhân đạo tới Gaza cũng như tiến trình hòa bình lâu dài và công bằng trong khu vực". Tuy nhiên, ông Krieg dự đoán rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không muốn làm phật lòng Mỹ.
Đài BBC (Anh) đánh giá hiện chưa rõ chính xác đường lối của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đối với khu vực Trung Đông, nhưng có khả năng ông sẽ để Israel tự hành động. Ông Trump từng nói rằng Israel nên "kết thúc điều họ đã khởi xướng" tại Gaza. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump cũng thực hiện một số biện pháp khá ưu ái đối với Israel, bao gồm chuyển đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem.
Do đó, các chuyên gia nhận định rằng cách tốt nhất để đạt được thỏa thuận là gây áp lực lên Hamas. Và liệu điều này có hiệu quả hay không sẽ phụ thuộc và quyết định tham gia của Qatar.
Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Qatar Majed Al-Ansari vào ngày 9/11 đã bác bỏ các thông tin cho rằng Hamas bị trục xuất khỏi nước này.
Ông chia sẻ rằng mục đích chính của văn phòng Hamas tại Qatar là một kênh liên lạc và nó đã đóng góp nhiều cho việc đạt được một thỏa thuận ngừng bắn trong các giai đoạn trước.
Một thành viên cấp cao Hamas nói với hãng thông tấn AFP (Pháp) rằng Qatar chưa đề nghị nhóm rời đi.
Hà Linh/Báo Tin tức (Theo CNA, BBC)