Ảnh minh họa. (Nguồn: iStock)
Nợ công là một vấn đề phổ biến và quan trọng đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Nợ công được hình thành khi chính phủ vay tiền để phục vụ các chương trình phát triển kinh tế và những kế hoạch chi tiêu khác.
Mức độ nợ công có thể ảnh hưởng đến sức khỏe kinh tế của một quốc gia, gây ra các vấn đề như cản trở tăng trưởng kinh tế, tăng lãi suất và giảm khả năng chi tiêu cho các chương trình quan trọng khác.
Hiện nay, nhiều quốc gia, dù là nước phát triển và quốc gia đang phát triển, đang phải đối mặt với nợ công tăng cao, tác động tiêu cực tới triển vọng phát triển kinh tế.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva, hồi tháng 4/2025 đã thông báo kế hoạch xây dựng một sách lược mới dành cho các quốc gia đang cân nhắc tái cấu trúc nợ, đồng thời kêu gọi những nước mắc nợ lớn có các bước đi chủ động nhằm khôi phục tính bền vững.
Tại Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent gần đây đã kêu gọi lãnh đạo Quốc hội nước này nâng trần nợ công trước giữa tháng 7/2025. Nếu không Chính phủ liên bang có thể đạt đến giới hạn nợ hiện tại vào tháng 8/2025.
Nợ công của nước Mỹ hiện đã lên tới 36.000 tỷ USD. (Ảnh: iStock)
Hồi giữa tháng 5/2025, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã hạ một bậc tín nhiệm quốc gia của Mỹ, trở thành hãng xếp hạng lớn cuối cùng thực hiện động thái này, viện dẫn lo ngại về khoản nợ quốc gia ngày càng tăng, hiện đã lên tới 36.000 tỷ USD.
Phó Tổng Giám đốc Thứ nhất của IMF, bà Gita Gopinath, cảnh báo rằng thâm hụt tài khóa của Mỹ hiện quá cao và Washington cần sớm giải quyết gánh nặng nợ công ngày càng gia tăng.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times được công bố ngày 21/5, bà nhấn mạnh rằng tình hình tài khóa của Mỹ đang đặt ra nhiều rủi ro đối với tăng trưởng dài hạn.
Bà Gopinath cho biết, mặc dù có một số tín hiệu tích cực như việc chính quyền Tổng thống Donald Trump dỡ bỏ thuế quan đối với Trung Quốc và ký kết thỏa thuận kinh tế với Anh, song Mỹ vẫn đang đối mặt với mức độ bất ổn chính sách thương mại "rất cao."
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Italy giữa tháng 5/2025 thông báo nợ công của nước này trong tháng 3/2025 đã ở mức cao nhất từ trước đến nay, lên tới 3.034 tỷ euro (3.380 tỷ USD), tăng thêm 9,5 tỷ euro so với tháng trước đó.
Trong bối cảnh đồng USD cũng có xu hướng suy yếu, tổng nợ công của Italy cũng ghi nhận mức cao kỷ lục tính theo USD.
Tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ nợ công của Italy tương đương 135,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) – thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Với tốc độ gia tăng nợ công hiện nay vượt tốc độ tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia dự báo tỷ lệ này sẽ còn tiếp tục tăng trong năm 2025.
Theo Ngân hàng Trung ương Italy, nguyên nhân chính khiến nợ công tăng trong tháng Ba là do nhu cầu vay vốn từ khu vực công tăng mạnh, lên tới 23,7 tỷ euro (26,5 tỷ USD) chỉ trong vòng 1 tháng.
Nợ công cũng là vấn đề gây đau đầu đối với giới chức Vương quốc Anh. Theo số liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) công bố ngày 22/5, nợ công của Vương quốc Anh trong tháng 4/2025, tháng đầu tiên của năm tài chính 2025-2026, là 20,2 tỷ bảng (27,11 tỷ USD), tăng so với mức thâm hụt 19,1 tỷ bảng vào tháng 4/2024.
Người dân mua sắm tại siêu thị ở London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)
ONS cho biết nợ công tăng trong tháng 4/2025, vượt mức dự báo 17,9 tỷ bảng của giới chuyên gia tài chính, là do chính phủ tăng chi tiêu cho dịch vụ và phúc lợi công.
Số liệu kinh tế cập nhật cũng cho thấy, trong năm tài chính 2024-2025, vay nợ của Chính phủ Anh là 148,3 tỷ bảng, mặc dù đã giảm so với ước tính trước đó của ONS là 151,9 tỷ bảng, nhưng vẫn cao hơn 11 tỷ bảng so với dự báo 137,3 tỷ bảng của Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR), cơ quan giám sát tài chính của Anh.
Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2025, Anh đã bội chi ngân sách 70,3 tỷ bảng, tăng 8,4 tỷ bảng so với năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2024 và cao hơn mức dự báo 60,7 tỷ bảng của OBR.
Trong khi đó, Viện Lowy của Australia ngày 27/5 đã chia sẻ những nhận định đáng chú ý về tình hình nợ công của một số quốc gia đang phát triển, khi các khoản thanh toán nợ cho Trung Quốc dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm 2025.
Phân tích dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), Viện Lowy ước tính rằng trong năm 2025, 75 quốc gia có thu nhập thấp sẽ cần thanh toán tổng cộng khoảng 22 tỷ USD nợ vay từ Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Riley Duke cũng cho biết vị thế của Trung Quốc trong vai trò cho vay quốc tế đã có những thay đổi đáng kể.
Trung Quốc hiện đã chuyển từ vị thế là nhà cung cấp vốn ròng - cho vay nhiều hơn số tiền thu về - sang trạng thái thu hồi vốn ròng, với các khoản hoàn trả hiện vượt quá số tiền cho vay mới.
Theo khuyến nghị của Viện Lowy, áp lực từ các khoản vay của Trung Quốc, cùng với sự gia tăng hoàn trả nợ cho các chủ nợ tư nhân quốc tế, có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của nhiều nền kinh tế đang phát triển trong thời gian tới./.
(TTXVN/Vietnam+)