Từ quả dại bị “xa lánh” đến “cây tiền”
Vốn tỏa ra mùi khó chịu, quả bời lời từng bị nhiều người “xa lánh”, dù rụng đầy gốc cũng không ai nhặt về. Ít ai biết loại cây này là một “báu vật” trong Đông y.
Ở nước ta, loại cây dược liệu này chưa được trồng nhiều mà chủ yếu mọc hoang, nhiều nhất là ở vùng Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa. Một số ít có thể mọc ở vùng Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc.
Ngoài ra, cây bời lời còn được tìm thấy ở Campuchia, Indonesia, miền nam Ấn Độ, Malaysia và Trung Quốc.
Bời lời có vị cay và trông giống hạt tiêu nên có còn có tên gọi khác là “gừng gỗ”, “tiêu núi”, “tiêu rừng”. Cây thường mọc ở bụi rậm, ven suối hoặc ven đường. Ưu điểm của bời lời là rất dễ thích nghi với nhiều điều kiện môi trường khác nhau.
Từ quả, hoa cho đến lá của bời lời đều có thể ăn được. Ở Trung Quốc, quả bời lời có thể được nghiền trực tiếp để ăn với cơm. Ngoài ra, quả bời lời có thể dùng để chiết xuất dầu.
Đặc biệt trong Đông y, bời lời mang lại rất nhiều giá trị về mặt sức khỏe. Cây bời lời có tính hàn, vị đắng nhẹ, giúp giảm viêm, tiêu độc, cầm máu, giảm đau. Vỏ bời lời cùng vỏ quýt, gừng tươi… được sắc thuốc để trị tiêu chảy. Trong quả bời lời còn chứa nhiều vitamin C và chất chống oxy hóa, rất có lợi cho chị em phụ nữ.
Với nhiều công dụng đặc biệt như vậy, quả bời lời ở Trung Quốc có giá bán khá cao, lên đến 80 NDT (273.000đ)/kg. Dầu được ép từ quả bời lời cũng rất có giá, một chai nhỏ có thể bán được hàng trăm NDT (từ vài trăm nghìn đồng).
Tại Việt Nam có 3 loại bời lời, trong đó cây bời lời nhớt chứa nhiều thành phần hóa học quý giá, khiến nó trở thành một vị thuốc quan trọng trong Đông y. Mọi bộ phận của cây đều có thể được sử dụng làm dược liệu, đặc biệt là vỏ thân, nơi chứa chất nhầy dính thường dùng trong sản xuất giấy và hương thắp.
Hương Nguyễn (Theo baijiahao)