Đột phá tháo gỡ các nút thắt thể chế
Nhìn lại, 4/5 chặng đường đã qua trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 ghi nhận tăng trưởng GDP bình quân chỉ ở mức 5,81%/năm (tốc độ tăng GDP các năm 2021-2024 lần lượt ở các mức: 2,55%; 8,54%; 5,07% và 7,09%). Giả thiết năm 2025 tốc độ tăng GDP đạt 10% thì bình quân cả giai đoạn đạt 6,65%; còn nếu GDP 2025 đạt 9% thì cả giai đoạn 2021-2025 bình quân đạt 6,45%; và nếu GDP 2025 đạt 8% thì cả giai đoạn 2021-2025 bình quân đạt 6,25%. Như vậy xét về mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 đạt ở mức nào giờ đây hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả thực hiện của năm 2025. Từ số liệu trên, có lẽ mong muốn nhất của chúng ta là tăng trưởng GDP năm nay sẽ ở mức 10% để bình quân cả giai đoạn 5 năm đạt 6,65% - tức vượt nhẹ cận thấp trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 (mục tiêu GDP bình quân 5 năm từ 6,5-7%).
Dẫu biết mỗi % tăng trưởng thêm của năm nay sẽ giúp cải thiện rất nhiều chỉ số cho cả giai đoạn, nhưng mục tiêu này sẽ không dễ dàng. Do đó, kịch bản khả dĩ nhất là tăng trưởng quanh mức 8%, đồng thời củng cố các nguồn lực, nền tảng cho giai đoạn thực sự bứt phá trong 5 năm tiếp theo. Cũng vì vậy, việc thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (trong đó phấn đấu tăng trưởng đạt ít nhất 8%), tạo đà thuận lợi, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, cũng là trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025 nói riêng, tạo đà cho bứt phá và phát triển bền vững nói chung trong giai đoạn tới, tháo gỡ các nút thắt thể chế được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần khẳng định, ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực; trong đó, thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong các chỉ đạo điều hành cũng liên tục nhắc đến vấn đề này, nhấn mạnh giải quyết thể chế là “đột phá của đột phá”. Mới đây nhất tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, Chính phủ xác định đột phá về thể chế là “đột phá của đột phá”, phải đi sớm, đi trước mở đường cho phát triển.
Theo Phó Tổng Thư ký VCCI, ông Đậu Anh Tuấn, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao thì chắc chắn những giải pháp từ thể chế rất là quan trọng. Trong đó, ba nhóm vấn đề chính cần quan tâm giải quyết, cải cách bao gồm: Chất lượng hệ thống văn bản pháp luật; Vướng mắc trong thủ tục hành chính (TTHC); Chất lượng thực thi ở các cấp, đặc biệt là cấp địa phương. Và xuyên suốt ba nhóm vấn đề này, sự phối hợp chưa tốt giữa các bộ, ngành, địa phương vẫn là yếu tố gốc rễ.
“Cách đây không lâu, chúng tôi phối hợp với một tỉnh đi khảo sát 30 dự án vừa kết thúc đầu tư và vẽ lại quy trình các dự án phải trải qua trên thực tế. Quy trình này khác xa các quy định trên văn bản (quy trình trên văn bản chúng ta nhìn thấy rất thuận lợi), bởi vì cần có sự phối hợp giữa các sở, bộ, ngành. Nhiều khi chỉ cần vướng 1 đầu mối, dự án đã bị tắc”, ông Tuấn nói và cho rằng, hệ thống văn bản pháp luật thời gian tới cần có những thay đổi quan trọng; gắn với đó là rà soát, sửa quy trình chính sách, TTHC cho “gọn gàng”, rút ngắn thời gian tuân thủ TTHC thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành…
Xuất khẩu là một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng
Nhân rộng những bài học thành công
Bên cạnh đó, khi nói đến tăng trưởng cao thì kinh nghiệm thực tế của các địa phương đã liên tục duy trì được tăng trưởng hai con số cũng nên là bài học cho cấp độ quốc gia. “Đặc điểm chung của các địa phương có được tăng trưởng hai con số là môi trường kinh doanh rất là thuận lợi, các TTHC được thực hiện theo hướng tinh gọn, thuận lợi và tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ hoạt động kinh doanh rất tốt. Tôi tin rằng Việt Nam có xu hướng thay đổi từ dưới lên. Cho nên làm sao tạo không gian cho các địa phương năng động, sáng tạo và thay vì chỉ có 7-8 địa phương tăng trưởng hai con số như hiện nay. Nếu chúng ta có khoảng 30 hay 40 địa phương tăng trưởng hai con số thì chắc chắn tốc độ tăng trưởng chung của Việt Nam sẽ được cải thiện rất mạnh”, ông Đậu Anh Tuấn kỳ vọng.
Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% và phấn đấu tăng trưởng hai con số, một trong những động lực quan trọng là thực hiện đổi mới và hoàn thiện thể chế. Nhưng cùng với đó, cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. “Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mặc dù chúng ta phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao nhưng vẫn phải đảm bảo các yếu tố nền tảng của nền kinh tế vĩ mô cũng như kiểm soát lạm phát”, ông Nguyễn Đức Tâm cho biết, gắn với đó là tiếp tục điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả và đồng bộ.
Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thông cũng là giải pháp quan trọng. Về đầu tư, theo kế hoạch năm 2025, các bộ, ngành và địa phương sẽ cần thực hiện giải ngân tổng vốn đầu tư công khoảng 295 nghìn tỷ đồng, cộng với số chuyển tiếp của năm 2024 theo quy định của pháp luật khoảng hơn 300 nghìn tỷ đồng. Đây là con số rất lớn, nếu chúng ta giải ngân được hết số vốn này thì sẽ tạo động lực để thu hút các thành phần kinh tế khác, làm vốn mồi để thu hút, thúc đẩy tăng trưởng.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025. Nghị quyết nêu rõ: Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và cả giai đoạn 5 năm 2021-2025 theo Kết luận, yêu cầu của Trung ương, Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tập trung chỉ đạo, điều hành, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt ít nhất 8% và phấn đấu hai con số trong điều kiện thuận lợi hơn (cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%). Chỉ tiêu tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%, nhất là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các địa phương tiềm năng, thành phố lớn là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước để phát huy vai trò mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2025. Phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần đổi mới, không ngừng nỗ lực sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên, chung sức, đồng lòng, biến mọi khó khăn, thách thức thành cơ hội bứt phá, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt theo chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá”.
Bên cạnh đó, kích cầu tiêu dùng trong nước cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định về giảm thuế giá trị gia tăng đến hết tháng 6/2025 nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và kích thích tiêu thụ hàng hóa, kích cầu trong nước. Kích cầu tiêu dùng trong nước, trong đó có thu hút khách du lịch trong và ngoài nước… cũng sẽ là những nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng. Với xuất khẩu, động lực tăng trưởng truyền thống quan trọng, cũng cần tập trung đẩy mạnh, nhất là việc khai thác hiệu quả 17 FTA đã ký kết và củng cố, mở rộng các thị trường.
Trong bối cảnh đương đại, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ là “chìa khóa” để đưa đất nước tiến xa trên con đường hiện thực hóa khát vọng phát triển. Nhưng để thực sự là “chìa khóa vàng”, chúng ta cần những đột phá cả về nhận thức và hành động. Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đưa ra những định hướng chiến lược, giờ chính là thời điểm để tập trung triển khai thực hiện. “Ngay trong năm 2025 này, cần phải lựa chọn và giải quyết những vấn đề rất căn cơ, tạo nền tảng cho giai đoạn 2026-2030, tạo cú hích cho năng suất lao động mới, tạo niềm tin cho xã hội”, Tổng bí thư nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia mới đây.
Đỗ Lê