Quá khó cho hệ trung cấp

Quá khó cho hệ trung cấp
19 giờ trướcBài gốc
Học sinh lớp 9 chuyển sang học nghề và được cấp bằng trung cấp chỉ sau 3 học kỳ khi chưa đủ 18 tuổi, chưa đủ điều kiện tham gia thị trường lao động. Đây là một trong những lý do khiến hệ trung cấp gặp khó trong tuyển sinh.
Nhiều trường lỗ, đóng cửa
ThS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao (TP HCM), cho biết nhiều năm nay, trường chỉ duy trì chỉ tiêu tuyển sinh trung cấp là 500 em. Ở thời điểm trước dịch COVID-19, trường vẫn tuyển sinh đạt chỉ tiêu, trong đó đối tượng là học sinh đã tốt nghiệp THPT chiếm trên 30%, thậm chí có năm lên tới 40% ở giai đoạn 2013-2018. Tuy nhiên, kết quả tuyển sinh đã giảm mạnh từ sau dịch, đối tượng học sinh tốt nghiệp THPT không còn nữa.
Học nghề đầu bếp tại Trường Trung cấp Việt Giao
Trường Trung cấp Đại Việt TP HCM nhiều năm qua mỗi năm chỉ tuyển được 100 học sinh. Đại diện nhà trường cho biết dù lỗ nhưng trường vẫn phải duy trì bởi không muốn dừng hoạt động.
Hiệu trưởng một trường trung cấp tại quận Bình Thạnh (TP HCM) cho biết 2 năm học qua, trường không tuyển được học viên nào. Theo vị này, đào tạo trình độ trung cấp trong thời buổi này là quá thấp, nếu muốn đi học nghề thì người học chỉ cần đi học các khóa đào tạo khoảng 3-6 tháng là có thể giỏi tay nghề, người muốn lấy bằng cấp thì ít nhất cũng học CĐ trở lên. Tại TP HCM, nhiều trường trung cấp phải dừng hoạt động hoặc phải chuyển thành trạm đào tạo CĐ trong hoạt động liên kết đào tạo.
ThS Trần Phương cho rằng hệ trung cấp tuyển sinh khó khăn vì nhiều nguyên nhân. Sau COVID-19, kinh tế khó khăn nên nhiều học sinh tốt nghiệp THCS thay vì chuyển hướng sang học trung cấp thì lại chuyển sang học giáo dục thường xuyên; chỉ tiêu tuyển sinh ĐH tăng theo hằng năm, xét tuyển lại quá dễ dàng nên những học sinh đã tốt nghiệp THPT đều học ĐH hoặc CĐ; ngoài ra, trường CĐ, trung cấp không còn chung hệ thống quản lý bởi ngành giáo dục nên bị bất bình đẳng trong truyền thông.
Có nên gộp trung cấp vào CĐ?
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT - cho rằng tùy từng lĩnh vực, thị trường lao động vẫn có nhu cầu lao động có trình độ trung cấp. Nhiều năm qua, nhiều trường trung cấp không tuyển sinh được một phần do chậm đổi mới chương trình đào tạo, thiên về dạy lý thuyết nên người học chán. Ngoài ra, người dân vẫn muốn con em mình học xong chương trình THPT hơn là đi học nghề sau khi hoàn thành THCS nên trường trung cấp thiếu nguồn tuyển.
Ông Vinh cũng cho rằng chủ trương phân luồng học sinh sau THCS đi học nghề với tỉ lệ 30%- 40% là khiên cưỡng, không hợp lý. Khoa học công nghệ ngày càng phát triển thì chất lượng nguồn nhân lực cũng phải tăng theo, trong đó trình độ văn hóa lớp 12 là kiến thức nền cần thiết. "Chỉ những học sinh không có khả năng học lên THPT mới tổ chức cho học nghề sau THCS, còn lại cố gắng để các em học hoàn thành chương trình THPT rồi sau đó học trung cấp hay ĐH, CĐ thì tùy nhu cầu. Những em học xong THPT sẽ có nền tảng tốt, biết tư duy và khả năng tự học cao" - TS Hoàng Ngọc Vinh nêu quan điểm.
ThS Trần Thành Đức, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Quốc tế Khôi Việt, cho rằng với học sinh chuyển hướng học nghề sau khi tốt nghiệp THCS cũng cần tối thiểu 3 năm để các em vừa hoàn thành các môn văn hóa cơ bản vừa học nghề để lấy bằng CĐ. Sẽ phải thiết kế lại chương trình đào tạo để các em học CĐ luôn chứ không phải học trung cấp rồi liên thông lên CĐ như hiện nay.
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Trường ĐH FPT, nhìn nhận điều bất hợp lý là đầu vào của ĐH và CĐ giống nhau mà lẽ ra phải khác. "Chẳng hạn, tuyển sinh vào CĐ không cần phải tốt nghiệp THPT, gộp chương trình trung cấp với CĐ, thời gian đào tạo 3 năm là đủ" - ông Tùng nêu quan điểm.
Ngày càng ít người học trung cấp
Báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM cho biết số người học giáo dục nghề nghiệp tăng trong những năm gần đây nhưng chủ yếu học CĐ, học sơ cấp... Theo đó (ở thời điểm tháng 7-2023), trong 7 tháng đầu năm 2023, hệ thống giáo dục nghề nghiệp của thành phố tuyển được 370.914 người tham gia học ở các trình độ khác nhau. Trong đó, có 177.129 người học ở trình độ CĐ, 126.131 người học ở trình độ sơ cấp và 33.827 người tham gia trình độ nghề cơ bản.
Bài và ảnh: Huy Lân
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/qua-kho-cho-he-trung-cap-196250107204135967.htm