Quà quê sau Tết

Quà quê sau Tết
6 giờ trướcBài gốc
Bánh tổ - món quà quê sau Tết ở quê tôi.
Cũng có người bảo bánh tổ xuất hiện từ rất sớm ở phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam sau đó mới lan truyền rộng ra cộng đồng cho tới bây giờ. Xung quanh chiếc bánh tổ ngày Tết cũng còn rất nhiều những câu chuyện dân gian, truyền miệng, bởi đến tận bây giờ chiếc bánh tổ vẫn còn gói gém ở trong đó sự bí ẩn về thời gian ra đời. Không như các loại bánh khác, bánh tổ thường xuất hiện trong dịp Tết Nguyên đán hàng năm để cúng tổ tiên, ông bà nên mới có tên là bánh tổ.
Đã từ lâu, người dân xứ Quảng đón xuân, vui Tết thường tự tay làm hai thứ bánh mang đậm bản sắc truyền thống của xứ sở, quê hương, đó là bánh tét và bánh tổ. Người ta thường nói gói và nấu bánh tét nhưng lại hấp bánh tổ chứ không ai nói nấu cả. Hấp bánh tổ có phần cầu kỳ hơn nhưng không khó. Đã qua không biết bao nhiêu cái Tết, tôi trực tiếp xem bà và mẹ làm bánh tổ nên nhớ như in cách làm bánh. Cứ vào khoảng 20 tháng Chạp trở đi là có nhiều nhà ở làng quê hối hả chọn nếp ngon để xay bột thật nhuyễn, dùng ray sàng lại để lấy bột mịn, có như thế bánh mới ngon. Có người làm hoàn toàn bột nếp nhưng cũng có người sành ăn bảo phải trộn 15% bột gạo mới đúng “đô” của bánh tổ để tăng độ giòn. Đường làm bánh tổ phải là đường bát, người Quảng gọi là táng đường, thứ đường nấu trực tiếp tại lò khi ép mía được đập nhỏ nấu thành nước loãng rồi cho bột nếp vào khuấy đều sền sệt. Một nguyên liệu làm bánh tổ dứt khoát không thể thiếu, đó là gừng được giã, vắt lấy nước để trộn chung với bột, đường. Khuôn đổ bánh tổ được đan đơn giản bằng những chiếc nan tre trông giống như chiếc rọ mõm có đường kính khoảng 10-15cm, lót lá chuối chát đã phơi heo héo qua cái nắng cuối đông yếu ớt rồi múc nước bột, đường đổ vào rọ, đặt trong nồi hấp chừng 2 tiếng, sau đó vớt bánh ra, rắc lên mặt bánh vốc mè rang, coi như cung đoạn làm bánh tổ đã hoàn thành.
Bà con ở quê tôi, nơi có nhiều câu chuyện dân gian về hình tượng nữ tướng Thu Bồn tài hoa của vua Chămpa giàu lòng nhân ái, cứu dân trong những cơn hoạn nạn đã yên nghỉ tại đây nên dân làng thường làm bánh tổ để dâng lên bàn thờ lăng Bà Thu Bồn vào dịp Tết cổ truyền và cúng kính các bậc tiền nhân, ông bà, người thân đã mãi mãi xa. Song không mấy ai dùng bánh tổ trong những ngày tết, bởi theo quan niệm của bà con nơi đây nói riêng, xứ Quảng nói chung, bánh tổ chỉ làm ra để thờ cúng và được đặt lên bàn thờ tổ tiên trong những ngày đầu xuân. Chính vì vậy, mỗi khi khách khứa tới thăm nhà những ngày đầu năm âm lịch, chẳng ai lại lấy bánh trái trên bàn thờ xuống tiếp khách cả. Bánh tổ để hết tháng giêng thường nổi mốc trên mặt, ai chưa biết tưởng bánh đã hư hỏng, có thể mang vứt nhưng không, chỉ cần lấy dao gọt lớp mỏng phần mốc, cắt từng lát bánh ra ăn ngon lành, vẫn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bánh tổ để lâu ăn cứng hơn những ngày mới làm nên không ít người sau Tết cắt bánh chiên với dầu phụng thì bánh tổ trở nên thơm ngon, mềm dẻo lạ thường, người già, trẻ em đều dùng được.
Ra giêng, những đứa con làm ăn xa quê về sum họp với ông bà, cha mẹ quanh lũy tre làng trong dịp Tết lại tất tả ra đi. Ai nấy cũng không quên mang theo cặp bánh tổ làm quà mà lòng ngập tràn bao nỗi niềm, cảm xúc. Bởi đó là những chiếc bánh được tự tay những người thân yêu của gia đình làm để kính cẩn dâng lên tổ tiên, nguồn cội thiêng liêng, là sản vật đơn sơ, mộc mạc, nặng sâu đạo hiếu bao đời nay của bà con xứ sở, làng quê.
Thái Mỹ
Nguồn CAĐN : https://cadn.com.vn/qua-que-sau-tet-post308536.html