Quà vặt cổng trường

Quà vặt cổng trường
4 giờ trướcBài gốc
Quan sát ở nhiều trường vào đầu giờ sáng và khi tan học, rất đông học sinh xúm xít mua quà vặt. Do không có địa điểm kinh doanh cố định (hầu hết sử dụng xe đẩy lưu động), thực phẩm là những đồ ăn, uống ngay nên các điểm bán hàng này được xếp vào nhóm cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.
Xét ở góc độ nào đó, những đồ ăn vặt bày bàn ở khu vực cổng trường ít nhiều cũng mang lại tiện lợi cho nhiều phụ huynh khi họ không có điều kiện cho con ăn uống ở nhà, các quán xá, cửa hàng cố định. Mặt khác, điều này còn làm thỏa mãn niềm vui của con trẻ khi được ăn uống những món yêu thích. Tuy nhiên, điều mà phụ huynh lo ngại nhất đó là những thực phẩm được bày bán đó liệu có bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) ?
Thực tế, thời gian qua, trên thị trường, ngành chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vận chuyển, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; bao bì, nhãn mác không có thông tin về thành phần và hạn sử dụng… Theo các chuyên gia, sử dụng thực phẩm không an toàn có thể gây ra các triệu chứng cấp tính tức thời như: Đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm… Về lâu dài, việc tiêu thụ các thực phẩm không bảo đảm VSATTP sẽ ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể, dễ gây ra các bệnh về tim mạch, tiêu hóa, đái tháo đường, béo phì...
Ở nhiều địa phương trên cả nước đã từng xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm đối với học sinh khi ăn thực phẩm không bảo đảm chất lượng phải nhập viện. Gần đây nhất, tối 15/9, tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Xín Mần (Hà Giang), tập thể khối THCS gồm 300 em tổ chức liên hoan Trung thu. Sau khi ăn xong khoảng 15 phút, nhiều em có biểu hiện buồn nôn, bủn rủn chân tay và đau bụng. Ngay sau đó, 55 học sinh được các thầy, cô giáo đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện khám, được chẩn đoán ngộ độc thực phẩm và phải truyền dịch.
Để giảm nỗi lo về các loại thực phẩm kém chất lượng, có hại cho sức khỏe được bày bán trên thị trường, trong đó có khu vực các cổng trường học, chính quyền, ngành chức năng TP cần đẩy mạnh truyền thông, hướng dẫn kiến thức về VSATTP tới các nhóm đối tượng: Người quản lý, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Đặc biệt, nguyên liệu đầu vào phải bảo đảm được truy xuất nguồn gốc; quá trình chế biến, bảo quản cần tuân thủ đúng quy định.
Tăng cường kiểm tra việc chấp hành các điều kiện về VSATTP; lấy mẫu thực phẩm để xét nghiệm; phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về VSATTP (nếu có), đồng thời công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng. Ngành chức năng, các nhà trường, gia đình tích cực tuyên truyền, giáo dục để học sinh có hiểu biết nhất định về những nguy cơ khi sử dụng đồ ăn vặt không bảo đảm chất lượng để bảo vệ sức khỏe bản thân.
Phương Ngân
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/qua-vat-cong-truong-162937.bbg