Khám phá này do nhóm nghiên cứu do nhà cổ sinh vật học Federico Agnolin thuộc Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Argentina Bernardino Rivadavia dẫn đầu. Họ đã phát hiện hóa thạch tại một khu vực địa hình gồ ghề, đan xen giữa những vùng đất khô cằn và các ngọn đồi thấp gần thành phố General Roca, tỉnh Río Negro một "mỏ vàng" hóa thạch nổi tiếng của Nam Mỹ.
Một quái vật tiền sử thuộc nhóm khủng long chân thằn lằn - Minh họa AI: Thu Anh
Chadititan calvoi thuộc họ khủng long ăn cỏ Sauropoda nhóm sinh vật cổ đại nổi tiếng với thân hình đồ sộ, cổ dài, chân to như cột đình và chiếc đuôi dài vững chãi. Dù được xem là “nhỏ bé” trong dòng họ khủng long Titanosaur, loài mới này vẫn sở hữu chiều dài đáng nể, tương đương một chiếc xe buýt.
Các nhà nghiên cứu cho biết, với chiếc cổ dài và hàm răng thích hợp cho việc nhấm nháp thực vật, Chadititan calvoi là loài hiền lành sống trong môi trường khô cằn, có thể từng lang thang quanh những hồ nhỏ, bao quanh bởi cồn cát và cây cọ.
Đáng chú ý, cùng với hóa thạch của Chadititan calvoi, nhóm nghiên cứu còn tìm thấy một kho tàng hóa thạch quý giá khác: từ cá nhám, cá phổi, rùa, các loài thuộc họ cá sấu, đến ốc sên và trai – tất cả đều được bảo tồn trong lớp trầm tích cổ đại của khu vực. Những hóa thạch này mở ra một cái nhìn đầy sống động về hệ sinh thái phong phú đã từng tồn tại nơi đây hàng chục triệu năm trước.
Theo tạp chí khoa học Revista del Museo Argentino Ciencias Naturales, phát hiện này không chỉ bổ sung một mắt xích quan trọng vào bản đồ tiến hóa của khủng long, mà còn giúp tái hiện một cách chân thực môi trường cổ xưa từng tồn tại tại Nam bán cầu.
Như Ý (t/h)