Sự hối hận của người mẹ
Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 1 người tử vong ở ngã tư Bà Triệu - Trần Hưng Đạo (Hà Nội), Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội) và Công an quận Hoàn Kiếm đã tạm giữ 10 thanh thiếu niên trong nhóm "quái xế".
Bên ngoài hàng rào, nhiều phụ huynh đứng ngồi không yên, ngóng chờ tin tức từ con em mình. Mọi ánh mắt đều hướng vào cánh cửa khu tạm giam của Công an quận.
Thân nhân của nhóm 10 thanh thiếu niên ngóng chờ tin con em mình ở phía ngoài Công an quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Đình Hiếu
Bà Lưu Thị L. (trú xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Hà Nội), mẹ của N.T.M.K. (16 tuổi, trú tại Thanh Trì, Hà Nội), gạt nước mắt kể về sự việc tối 2/11.
"Tối hôm ấy, tôi đi ăn cỗ ở làng bên và để chìa khóa xe máy ở nhà, K. liền hỏi mượn với lí do đi làm thêm", bà Lưu Thị L. kể và không tưởng tượng ra một ngày, con mình lại liên quan đến vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đến vậy.
"Tôi chỉ nghĩ con lấy xe đi lại, không ngờ lại ra cơ sự này", bà Lưu Thị L. cho biết và cảm thấy rất hối hận vì giao xe cho con.
Nhóm 10 thanh thiếu niên bị Công an quận Hoàn Kiếm tạm giữ. Ảnh: Đình Hiếu
Đáng chú ý, trong số 10 thanh thiếu niên bị Công an quận Hoàn Kiếm tạm giữ thì có đến 8 em ở độ tuổi học sinh, từ 16 - 17 tuổi.
Trung tá Tống Đăng Công, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp (Công an quận Hoàn Kiếm) cho biết, từ việc thiếu hiểu biết của các em và sự buông lỏng quản lý của gia đình đã dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật.
"Khuyến cáo các gia đình cần quản lý con em mình sát sao hơn nữa, khi thấy các cháu có biểu hiện hay đi chơi đêm thì cần áp dụng biện pháp ngăn chặn và không giao xe cho con em mình điều khiển khi chưa đủ tuổi", Trung tá Tống Đăng Công nhấn mạnh.
Vẫn vô tư giao xe máy cho con
Ghi nhận buổi kiểm tra đột xuất bãi trông giữ xe trong trường, xung quanh trường THCS & THPT Hà Thành (quận Bắc Từ Liêm) và THPT Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) cho thấy, còn nhiều phụ huynh xem nhẹ việc giao xe cho con điều khiển khi chưa đủ tuổi.
Cụ thể vào sáng 31/10, tổ công tác của Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) kiểm tra đột xuất bãi trông giữ xe bên trong trường THCS - THPT Hà Thành (quận Bắc Từ Liêm). Quá trình kiểm tra, tổ công tác phát hiện nhiều xe mô tô nhãn hiệu: Honda Vision, SH150... có phân khối từ 110cc - 150cc.
Xe máy 125cc độ chế được học sinh vô tư điều khiển đến trường. Ảnh: Đình Hiếu
Trình bày với CSGT, em T.H. (học sinh lớp 12, Trường THCS - THPT Hà Thành) cho biết, em được gia đình mua xe máy 125cc để tự đi học hàng ngày.
Hay như sáng 4/11, tổ công tác của Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) kiểm tra đột xuất điểm trông xe trong trường THPT Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) và một số bãi trông giữ xe lân cận cũng phát hiện 3 trường hợp học sinh điều khiển xe máy phân khối lớn.
CSGT đưa phương tiện vi phạm về trụ sở để tiếp tục xác minh, xử lý. Ảnh: Đình Hiếu
Em C.P.B.A. (học sinh lớp 12, trường THPT Cầu Giấy) cho biết, em được bố mẹ giao cho xe máy để đi học.
"Em biết việc điều khiển xe máy phân khối lớn đến trường là sai nhưng bố mẹ nói không sao nên yên tâm đi đến trường từ đầu năm học lớp 12 đến nay. Trước đó, em cũng điều khiển xe máy 125cc khác từ cuối năm lớp 11", em nói.
Theo quy định tại điểm đ, khoản 5, Điều 30, Nghị định 100/2019/NĐ-CP “Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1, Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng)”; thì bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện hành vi vi phạm này.
Đình Hiếu