Ảnh minh họa: CNN
Kế hoạch thuế quan đối ứng vừa công bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cùng các kế hoạch thuế quan khác mà ông đã đưa ra trong nhiệm kỳ thứ hai này, sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ phải chịu mức giá cao hơn khi mua hầu hết các mặt hàng, từ quần áo, giày dép cho tới điện thoại, máy tính...
Một câu hỏi được quan tâm lúc này là khi nào rào cản thương mại này sẽ tác động tới túi tiền của người dân Mỹ?
Theo kế hoạch công bố ngày 2/4, chính quyền Trump sẽ áp thuế quan đối ứng cơ sở 10% với hầu hết các đối tác thương mại và thuế quan cao hơn với một số đối tác khác.
Trong đó, thuộc nhóm bị áp thuế cao nhất, Trung Quốc - đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ - từ ngày 9/4 sẽ chịu thuế đối ứng 34%. Cộng với thuế quan bổ sung 20% đang áp dụng, tổng thuế quan bổ sung với hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ sẽ là 54%. Con số này có thể tăng lên 79% nếu ông Trump thực hiện tuyên bố áp thêm thuế quan 25% với bất kỳ quốc gia nào nhập khẩu dầu của Venezuela. Trung Quốc hiện là một khách hàng lớn của dầu Venezuela.
NGƯỜI TIÊU DÙNG TỐN THÊM HÀNG NGHÌN USD MỖI NĂM
Năm 2024, Mỹ nhập khẩu 439 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Theo đó, quốc gia châu Á này là nhà cung cấp hàng hóa lớn thứ hai của Mỹ chỉ sau Mexico.
Cùng với Trung Quốc, Việt Nam cũng bị Mỹ áp thuế quan đối ứng 46%, Đài Loan 32%. Việt Nam là nhà xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 6 vào Trung Quốc trong năm ngoái, trong khi Đài Loan đứng thứ 8.
Vì thuế quan là loại thuế áp lên hàng hóa nhập khẩu, các doanh nghiệp nhập khẩu của Mỹ sẽ là bên đầu tiên phải trả loại thuế này khi mua hàng hóa từ nước ngoài. Dù không phải lúc nào doanh nghiệp nhập khẩu cũng chuyển toàn bộ phần chi phí tăng thêm vào giá bán cho khách hàng, nhưng trong đa số trường hợp, giá cả hàng hóa sẽ tăng lên do tác động thuế quan, đặc biệt khi thuế quan kéo dài.
Kể cả khi hoạt động sản xuất được dịch chuyển về Mỹ nhiều hơn - mục tiêu ông Trump hướng tới - chi phí sản xuất một mặt hàng tương tự như hàng nhập khẩu sẽ vẫn cao hơn do chi phí cao ở Mỹ. Điều này cũng khiến giá hàng hóa ở Mỹ tăng lên.
Bởi vậy, theo tính toán từ tổ chức Tax Foundation, một hộ gia đình Mỹ sẽ phải tốn thêm bình quân 2.100 USD khi mua sắm hàng hóa do thuế quan chỉ riêng trong năm 2025.
LAPTOP VÀ MÁY TÍNH BẢNG
Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan là 3 nhà cung cấp nước ngoài lớn nhất ngoài lớn nhất của Mỹ đối với laptop và máy tính bảng. Theo số liệu của Chính phủ Mỹ, kim ngạch nhập khẩu laptop và máy tính bảng của Mỹ từ 3 nền kinh tế này đạt tổng cộng 47,2 tỷ USD trong năm ngoái.
Theo các nhà phân tích, ngoài hai mặt hàng này, gần như tất cả các sản phẩm điện tử tiêu dùng, bao gồm điện thoại thông minh và màn hình máy tính, tại Mỹ đều sẽ tăng giá.
Ngoài ra, khi Mỹ áp thuế quan cao với con chip nhập khẩu từ Đài Loan, người tiêu dùng Mỹ sẽ chứng kiến giá ô tô, đồ gia dụng, thiết bị y tế, bộ phát wifi, đèn led... tăng lên. Những mặt hàng này không chỉ có 1-2 con chip mà có thể chứa hàng nghìn chiếc như với trường hợp ô tô.
“Trong khoảng 3-4 tháng tới, lượng hàng tồn kho của các nhà bán lẻ sẽ hết. Khi đó, người tiêu dùng Mỹ sẽ bắt đầu thấy giá cả hàng hóa tăng lên, ngay trước mùa mua sắm tựu trường và nghỉ lễ”, ông Ed Brzytwa, Phó Chủ tịch phụ trách thương mại quốc tế tại Hiệp hội Công nghệ Tiêu dùng Mỹ (CAT), nhận xét với CNN.
GIÀY DÉP
Trung Quốc và Việt Nam xuất khẩu tổng cộng 18,5 tỷ USD giày dép sang Mỹ trong năm ngoái. Con số này chiếm gần 70% kim ngạch nhập khẩu giày dép của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
ĐỒ CHƠI
Trung Quốc và Việt Nam cũng là hai nước xuất khẩu đồ chơi hàng đầu vào Mỹ trong năm ngoái với tổng kim ngạch 15 tỷ USD.
Theo ước tính của Hiệp hội Đồ chơi Mỹ (TA), 77% đồ chơi tại Mỹ được sản xuất tại Trung Quốc.
“Đồ chơi không phải là ngành có thể chịu được mức thuế quan lớn như vậy”, ông Greg Ahearn, chủ tịch kiêm CEO của TA, nhận xét với CNN khi đề cập tới tổng thuế quan bổ sung 54% sắp tới với hàng hóa từ Trung Quốc vào Mỹ.
Theo ông Ahearn, người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ chưa thấy giá đồ chơi tăng lên ngay mà phải tới mùa hè, khi các loại đồ chơi mới được ra mắt trước mùa tựu trường và được bán cùng với những loại đồ chơi “thiết yếu”.
“Vì biên lợi nhuận của đồ chơi vốn đã thấp, các doanh nghiệp đồ chơi sẽ khó có thể hấp thụ chi phí tăng thêm cho thuế quan. Đồ chơi sản xuất ở Trung Quốc bán ở Mỹ sẽ đắt hơn ít nhất 30%”, ông ước tính.
QUẦN ÁO
Trung Quốc và Việt Nam là hai nước xuất khẩu quần áo sang Mỹ lớn nhất với tổng cộng khoảng 14 tỷ USD trong năm ngoái. Các nước xuất khẩu lớn khác gồm Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia và Campuchia. Các quốc gia này cũng bị áp thuế quan đối ứng cao, dao động từ 26-49%.
“Thuế quan của ông Trump sẽ tác động lớn tới ngành công nghiệp thời trang Mỹ”, bà Stephanie Gauzens, người phát ngôn Hiệp hội Công nghiệp Thời trang Mỹ (FIA), nhận định.
Ngọc Trang