Quán biệt động trong lòng Thảo Cầm Viên

Quán biệt động trong lòng Thảo Cầm Viên
một ngày trướcBài gốc
Quán Nhan Hương nằm trong khuôn viên Thảo Cầm Viên (Quận 1, TPHCM), là căn cứ hoạt động bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Thu thập, truyền báo tin tức
Ngoài giá trị lịch sử, những hiện vật, mô hình trong quán còn giới thiệu đến du khách nếp sống và phong cách ẩm thực của người dân Sài Gòn trước kia. Quán Nhan Hương từng được sử dụng làm bối cảnh trong bộ phim “Biệt động Sài Gòn”. Hiện, quán mở cửa miễn phí và thu hút nhiều khách tham quan.
Di tích quán Nhan Hương nằm trong Thảo Cầm Viên (Quận 1, TPHCM) là một địa điểm lịch sử quan trọng, từng là cơ sở bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Được mở năm 1963, quán hoạt động dưới vỏ bọc là một quán ăn bình thường nhưng thực chất là nơi nuôi giấu cán bộ quân khu và các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn.
Theo tư liệu lưu trữ tại di tích này, Đại tá Trần Minh Sơn, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kiêm Tham mưu trưởng F100 Biệt động Sài Gòn cho biết, quán Nhan Hương do Thiếu tướng Trần Hải Phụng, nguyên Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định, chỉ đạo đấu thầu miếng đất nằm trong Thảo Cầm Viên để xây dựng làm cơ sở cho Bộ Chỉ huy hoạt động. Lúc bấy giờ, Thảo Cầm Viên còn là rừng cây rậm rạp, việc liên lạc cũng dễ dàng qua mặt địch nhờ cây cối che khuất. Vị trí này cũng thuận lợi cho việc di chuyển đến một số địa điểm khác. Đó là lý do mà Thảo Cầm Viên Sài Gòn được chọn làm căn cứ bí mật.
Dù đã chọn được vị trí nhưng việc tìm được một người phụ trách cơ sở này lại rất khó do phải gánh vác trọng trách nặng nề. Nếu bị phát hiện, không chỉ người chỉ huy mà gia đình của người phụ trách cơ sở này còn phải chịu sự hy sinh lớn. Cả gia đình của người này có thể rơi vào vòng lao lý hay bị thủ tiêu, sát hại. Tuy nhiên, lực lượng biệt động đã vận động và thuyết phục được ông Nguyễn Văn Tửng xây dựng và quản lý quán Nhan Hương.
Ảnh chân dung Thiếu tướng Trần Hải Phụng - người chỉ đạo xây dựng quán Nhan Hương (trái) và ông Nguyễn Văn Tửng - chiến sĩ đội 5 biệt động, người xây quán Nhan Hương.
Ông Nguyễn Văn Tửng, sinh năm 1913 tại Trà Vinh, tham gia Ban cứu thương Đoàn Thanh niên Tiền Phong từ năm 1940. Năm 1945, ông bị Pháp bắt và cưỡng ép đi lính với chức vụ tùy phái viên. Sau đó, ông chuyển ra buôn bán tại chợ Thị Nghè. Đến năm 1963, ông tham gia cách mạng với công tác nội tuyến. Dưới sự vận động của lực lượng biệt động, ông đã tự bỏ tiền đổ đất để làm nền và xây dựng quán Nhan Hương như hiện nay. Gia đình ông cũng chuyển về đây sinh sống và buôn bán nước giải khát cùng đồ ăn nhẹ buổi sáng như bánh mì, bún...
Theo bà Trần Thị Ngọc Diệp, cháu ruột ông Tửng, cũng là người từng phục vụ bán quán Nhan Hương từ năm 1963, việc bán quán không chỉ giúp nuôi sống gia đình, mà còn để ngụy trang che giấu cán bộ cốt cán hoặc cất giấu vũ khí phục vụ cho các trận đánh trong nội đô. Tên quán được đặt theo tên người vợ đã mất của ông Tửng.
Đại tá Trần Minh Sơn cũng xác nhận cho mục đích xây dựng quán Nhan Hương là để nuôi giấu các lãnh đạo cấp Quân khu và cán bộ đến thành phố công tác, nhận chỉ thị. Đây còn là nơi các chỉ huy gặp gỡ chiến đấu viên trước trận đánh. Quán Nhan Hương không có hầm chứa vũ khí mà chỉ cất giữ một số vũ khí đơn giản như súng AK, lựu đạn, kíp nổ… trong các bao gạo, vật dụng gia đình nhằm phục vụ cho các trận đánh nhỏ. Trên mái quán, có một gác xép được lát gỗ ngụy trang rất kiên cố. Nếu có động thì các chiến sĩ có thể leo lên đó ẩn nấp.
Các mô hình thực khách, người phục vụ và món ăn được dựng lại sống động với kích thước thật. Quán là nơi tụ họp thường xuyên của binh lính, sĩ quan quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Đến quán phải bịt kín mặt
Cũng theo tài liệu tại Di tích quán Nhan Hương, ông Nguyễn Quốc Độ, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến Khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, cho biết: Quán Nhan Hương đã tạo được lớp vỏ bọc, bình phong vững chắc và “ông chủ” của nó cũng hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình. Do tính chất đặc biệt, không phải chiến sĩ nào cũng biết “thân phận” thật sự của quán Nhan Hương. Chỉ có lãnh đạo hoặc những người được phân công nhiệm vụ mới được biết. “Chính nhờ tuân thủ nghiêm ngặt phương thức hoạt động bí mật, quán Nhan Hương đã hoàn thành nhiệm vụ, giữ được bí mật tuyệt đối suốt cả thời gian chiến tranh, gián tiếp góp phần vào một số trận đánh của Biệt động Sài Gòn”, ông Độ kể lại trong bản ghi chép của Trung tâm Bảo tồn di tích, Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM.
Khung cảnh của quán nhìn từ khu nhà bếp.
Để giữ bí mật tuyệt đối, theo Đại tá Trần Minh Sơn, các chiến đấu viên khi đến quán đều có người liên lạc dẫn đường. Khi vào quán, phải bịt khăn kín mặt. Vì thế, khi cùng ngồi nói chuyện, họ chỉ nghe giọng nói chứ không nhìn thấy mặt nhau. Đại tá Trần Minh Sơn khi đó là tham mưu trưởng đơn vị nên thường xuyên đến quán. Ông cho biết hầu hết các trận đánh của biệt động đều có sự tham gia gián tiếp của gia đình ông Tửng. Đại tá Sơn kể lại việc họp bàn cho một trận đánh tại quán Nhan Hương trong bản ghi chép tại di tích: “Trận đánh Bộ Tư lệnh Hải quân, các đồng chí trong Bộ Tư lệnh quân khu đã đến đây họp bàn để quyết định. Khi chúng tôi đến, gia đình vẫn buôn bán bình thường, ông Tửng ngồi ở bàn thu tiền, các cháu nhỏ phục vụ quán. Các cháu cũng được giao cảnh giác, nếu thấy có điều gì khả nghi thì vào báo ngay cho ông cậu Tửng”.
Những người làm việc trong quán phần lớn là con cháu của chủ quán và ủng hộ việc nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ biệt động.
Ngoài Đại tá Trần Minh Sơn, các lãnh đạo quan trọng như Thiếu tướng Trần Hải Phụng, Đại tá Nguyễn Đức Hùng (tức Tư Chu) - Chỉ huy trưởng Biệt động Sài Gòn, Anh hùng Biệt động Nguyễn Thanh Xuân (Bảy Bê) và một số đầu mối quan trọng khác cũng thường xuyên đến quán Nhan Hương hội họp. Các giao liên được tin cậy nhất như Chín Nghĩa, Minh Nguyệt đến nhận chỉ thị để chuyển về căn cứ hoặc đến các cơ sở chuẩn bị cho các trận đánh. Sau trận đánh, nếu có các chiến đấu viên thì các chị đón về đây tạm trú sau đó đưa đi ngay. Đại tá Sơn kể: “Các đồng chí ở căn cứ về, ở miền Bắc hay các nơi được đưa về đây, sau đó các liên lạc viên sẽ đưa đi các cơ sở khác. Tất nhiên, chỉ những trường hợp đặc biệt thì mới được gặp mặt đồng chí Trần Hải Phụng và chúng tôi mà không phải che khăn, còn lại đều không được nhìn mặt nhau”.
Di tích quán Nhan Hương thu hút đông khách tham quan. Ảnh: Lê Mạnh
Góp phần vào nhiều trận đánh quan trọng
Nằm gần cơ quan đầu não của Mỹ tại Sài Gòn nên khách đến quán Nhan Hương có nhiều sĩ quan Mỹ và nhân viên an ninh phục vụ cho chính quyền cũ. Việc vận hành quán vì thế không dễ dàng. Bà Diệp kể lại trong những ngày gian nan đó, hoạt động của quán vừa phải đảm bảo sự bí mật nhưng vẫn phải giống như quán bình thường, có khi gặp cảnh lính Mỹ đập phá quán, thậm chí dùng ly đập vào đầu bà. Nhưng trong suốt thời gian dài hoạt động (1963 - 1975), địch không phát hiện dấu hiệu khả nghi. Không những thế, ông Tửng còn thu thập được nhiều thông tin từ các cuộc trò chuyện của địch để báo cáo lên cấp trên.
Từ năm 1963 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, quán Nhan Hương đã đảm bảo an toàn, bí mật cho nhiều lãnh đạo Quân khu và chiến sĩ biệt động thành. Quán cũng đóng góp vào nhiều trận đánh tiêu biểu như trận đánh Tổng nha cảnh sát (16/8/1965), trận đánh khách sạn Metropol (4/12/1954), trận đánh khách sạn Victoria (1/4/1955), trận đánh bót cảnh sát Nguyễn Đinh Cường (23/4/1966)… và nhiều mục tiêu quan trọng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 như dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Đài Phát thanh Sài Gòn, Bộ Tổng Tham mưu ngụy, Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy…
Với giá trị lịch sử quan trọng, quán Nhan Hương được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp thành phố theo Quyết định 1515/QĐ-UBND ngày 28/3/2014 của UBND TPHCM. Hiện nay, quán được tu sửa, trở nên cao ráo, khang trang hơn. Một số đồ gỗ bị mối mọt được thay bằng sắt cho chắc chắn. Mái tôn bị dột cũng được thay lại mới hơn. Nhưng phần mặt quán thì hầu như không thay đổi. Không gian quán cũng được tái hiện lại khung cảnh buôn bán, sinh hoạt của gia đình ông Tửng với nhiều khu vực như nhà bếp, nơi nấu ăn, chỗ ngủ, các bàn ăn, khu vực tính tiền… Các mô hình thực khách, người phục vụ và món ăn được dựng lại sống động với kích thước thật, tái hiện lại sự nhộn nhịp khi quán còn hoạt động. Trong số các thực khách, có nhiều quân nhân và nhân viên an ninh phục vụ quân đội Mỹ.
Trong tài liệu ghi chép, bà Trần Thị Ngọc Diệp (cháu ruột ông Nguyễn Văn Tửng) nhớ lại rằng bà thường thấy một số người lạ đến quán, đưa vật gì đó cho cậu Tửng. Ông Tửng sau đó nhận lấy và cất vào hầm. Bà từng hỏi cậu của mình về những người bạn này, thì ông chỉ nói là bạn tới chơi và giúp cất đồ. Đôi khi cũng có người nghỉ lại quán. Sau ngày giải phóng, bà Diệp mới biết những người này là lãnh đạo và chiến sĩ của Biệt động Sài Gòn.
Lê Mạnh
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/quan-biet-dong-trong-long-thao-cam-vien-post729351.html