Quán cà phê Daonsoop ở thành phố Paju (Hàn Quốc). Ảnh: AFP
Ngồi tại quán cà phê Daonsoop ở Hàn Quốc, cách biên giới với Triều Tiên 2 km, du khách có thể ngôi nhâm nhi cà phê và ngắm nhìn một phần khung cảnh Triều Tiên.
Nằm ngả lưng trên ghế sofa tại một quán cà phê Hàn Quốc, khách hàng có cơ hội nhâm nhi ly cà phê Americano đá và ngắm nhìn qua hàng rào thép gai và tháp canh ở ngọn núi của Triều Tiên.
Quán cà phê Daonsoop nằm rất gần sát biên giới Triều Tiên. Vì nằm sát biên giới, quán phải tích hợp cả boongke và vị trí đặt xe tăng để được cấp phép xây dựng.
Quán thuộc sở hữu của gia đình bà Lee Oh Sook, những người con của gia đình tị nạn đến từ Triều Tiên. Họ đã xây dựng quán cà phê cách biên giới liên Triều chưa đầy 2km (khoảng một dặm), với mong muốn gần gũi hơn với quê hương tổ tiên.
Ngoài hoạt động như một quán cà phê, Daonsoop còn mang đến câu chuyện về khát vọng đoàn tụ và hòa bình.
“Từ đây, bạn có thể nhìn thấy Triều Tiên, rất gần nhưng không thể tiếp cận được. Cha mẹ chúng tôi luôn hy vọng được trở về quê hương, nhưng họ đã mất trước khi thực hiện được ước mơ này”, bà Lee, 63 tuổi, cho biết.
“Chúng tôi chọn định cư ở đây để nghĩ về họ thường xuyên hơn”, bà Lee nói thêm.
Hàn Quốc và Triều Tiên hiện vẫn trong trạng thái căng thẳng. Cuộc xung đột 1950-1953 kết thúc bằng thỏa thuận đình chiến và chưa được ký hiệp ước hòa bình. Phía Hàn Quốc vẫn gọi khu vực biên giới là "tiền tuyến".
Boongke bên trong quán được quân đội Hàn Quốc trưng dụng hàng năm cho các cuộc tập trận. Ảnh: AFP
Bên dưới cửa sổ hình vòm của quán cà phê là đường cao tốc Jayu-ro, hay còn gọi là “Con đường Tự do”, nơi được kỳ vọng sẽ kết nối tuyến đường Seoul với Bình Nhưỡng khi thống nhất.
Mỗi đêm, chiếc loa phóng thanh khổng lồ bên kia biên giới ở Triều Tiên phát ra những âm thanh rùng rợn như một phần của chiến dịch gây tiếng ồn, tượng trưng cho mối quan hệ căng thẳng leo thang hiện tại giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Âm thanh của tiếng sói hú, tiếng la hét và tiếng kẽo kẹt ma quái mạnh mẽ đến mức làm rung chuyển cả cửa sổ quán cà phê.
Daonsoop không phải là quán cà phê duy nhất có thể nhìn ra Triều Tiên.
Hãng cà phê Starbucks cũng mở một quán cà phê gần khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên.
Địa điểm của quán cà phê là một đài quan sát ở gần thành phố Gimpo, cách thủ đô Seoul khoảng 50 km về phía tây bắc và sát khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách hai miền Triều Tiên.
Du khách hay người dân Hàn Quốc có thể vừa nhâm nhi một ly cà phê, vừa nhìn được một phần đất nước Triều Tiên.
Tuy nhiên, với Daonsoop lại là một trong những quán cà phê gần biên giới nhất, và đặc trưng bởi có boongke - hệ thống thường được quân đội Hàn Quốc trưng dụng hàng năm để tập trận quân sự.
Ông Kim Dae-nyeon, họa sĩ truyện tranh và là người hàng xóm của chủ quán thường sử dụng boongke để trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của ông, dưới bút danh Danny Kim.
Treo giữa các khe hẹp nhìn về phía Triều Tiên, những bức tranh của họa sĩ Danny Kim thường truyền tải thông điệp về nỗi đau chia cắt và hy vọng thống nhất.
“Boongke này là không gian được thiết kế để chiến đấu, nhưng tôi không nhìn nhận theo cách đó. Tôi nhìn nhận đây là nơi bắt đầu của tự do và hòa bình”, ông Kim nói.
Những bức tranh của ông là hình ảnh cây cầu tưởng tượng bắc qua sông Imjin. Hầu hết tác phẩm của ông Kim đều vẽ cây cầu qua sông Imjin, hoặc bức vẽ chồn đeo tai nghe chống ồn, phản đối tiếng loa thất thanh mỗi đêm từ phía Triều Tiên.
Bên ngoài, ông Kim Dae-nyeon đã sơn tường của bãi chứa xe tăng bằng những màu sắc mô tả bốn mùa.
“Khi cuộc sống trở nên khó khăn, tôi đến đây để ngắm nhìn. Điều đó khiến tôi cảm thấy hạnh phúc hơn”, ông Kim chia sẻ.
Trước khi nghỉ hưu, ông Kim từng là Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Quốc gia Hàn Quốc, nên hầu hết các tác phẩm nghệ thuật của ông ở quán cà phê Daonsoop phần nào phản ánh góc nhìn chính trị.
“Tôi luôn mong ước hòa bình và tự do trong cuộc sống. Và nỗi niềm đó thường xuất hiện trong những tác phẩm nghệ thuật,” ông nói.
Quán cà phê cũng thu hút những người Triều Tiên tị nạn sang Hàn Quốc. Trong những ngày lễ truyền thống như Seollal (Tết Nguyên đán) và Chuseok vào mùa thu, người Triều Tiên có thể nhìn sang quê hương từ sân thượng của quán.
Nhìn từ quán cà phê, phía bên kia biên giới, hình ảnh những người nông dân Triều Tiên vẫn chăm chỉ làm việc, đốt ruộng lúa vào cuối mùa đông. Hơi khói từ rơm rạ bốc lên khắp biên giới và bao trùm quán cà phê.
“Hiện tại, nơi này trông rất yên bình. Nhiều người đến đây không biết Triều Tiên chỉ ở ngay bên kia con đường kia, vì vậy khi phát hiện ra, họ rất ngạc nhiên”, chủ quán cà phê bà Lee Oh Sook nói.
HỒNG NHUNG