Nhà tang lễ Kajiya honten (trụ sở tại Futtsu, tỉnh Chiba, Nhật Bản) được thành lập năm 1902. Mới đây, nhà tang lễ này đã hợp tác với một công ty cung cấp dịch vụ tang lễ để khởi động sáng kiến "quán cà phê quan tài".
Nằm ở tầng một của tòa nhà chính, quán cà phê trưng bày ba chiếc quan tài được thiết kế độc đáo. Mỗi chiếc quan tài được trang trí bằng họa tiết hoa và họa tiết sáng tạo với các màu vàng, xanh lá cây và vàng nhạt giúp mang lại trải nghiệm thoải mái hơn cho du khách muốn nằm bên trong suy ngẫm về sự sống và cái chết.
Địa điểm này nằm cách khá xa nơi tổ chức tang lễ, do đó khách sử dụng dịch vụ sẽ không gặp phải bất kỳ người dự đám tang nào.
Dịch vụ có giá 2.200 yên (khoảng 360 nghìn đồng), thu hút nhiều khách hàng, bao gồm cả các cặp đôi chụp ảnh cùng nhau.
Một trong những chiếc quan tài dành cho khách nằm được trang trí bằng họa tiết vàng rực rỡ (Ảnh: Nikkei)
Chủ tịch công ty là Kiyotaka Hirano (48 tuổi) cho biết, nguồn cảm hứng cho ý tưởng này xuất phát từ trải nghiệm cá nhân, khi cha anh đột ngột qua đời ở tuổi 24.
"Hầu hết những người trẻ nghĩ về đám cưới, ít người nghĩ đến đám tang. Tuy nhiên, mọi người có thể tiếp cận trải nghiệm này theo những cách khác nhau. Một số người có thể muốn đóng nắp quan tài trong vài phút để suy ngẫm về cách họ muốn sống. Ngoài ra, trải nghiệm này cũng mang đến cơ hội để đánh giá lại mối quan hệ của bạn với gia đình và những người thân yêu", anh nói.
Anh Hirano cũng hy vọng mọi người sẽ thấy trải nghiệm này vừa sống động vừa mới mẻ: "Việc ra khỏi quan tài có thể tượng trưng cho sự tái sinh, sự thiết lập lại cuộc sống của một người. Tôi hy vọng mọi người rời đi với cảm giác rằng họ có thể bắt đầu lại".
Dịch vụ nằm quan tài để suy ngẫm về sự sống và cái chết (Ảnh: Nikkei)
Dịch vụ trải nghiệm nằm trong quan tài là cách mà ngành dịch vụ tang lễ Nhật Bản đối phó với những thách thức để thu hút nhiều khách hàng hơn, đặc biệt là thế hệ trẻ. Một cuộc khảo sát năm 2023 của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho thấy, chi phí dịch vụ trung bình cho một đám tang đã giảm xuống còn 1,18 triệu yên (191 triệu đồng), giảm 16% so với mức 1,41 triệu yên (228 triệu đồng) của năm 2014.
Để ứng phó với tình hình khó khăn, Hirano đã chuyển trọng tâm từ việc cạnh tranh về giá sang nâng cao sự hài lòng của khách hàng, như đặc biệt chú trọng việc lựa chọn quan tài và hoa.
Trước đó, vào năm 2022, công ty của anh Kiyotaka Hirano cũng đã giới thiệu dịch vụ “bình đựng tro cốt” cho phép khách hàng tự thiết kế bình đựng tro cốt, như một phần trong kế hoạch cuối đời của cá nhân hoặc như một cách để bày tỏ với gia đình, giúp họ vượt qua mất mát.
Dịch vụ nhà tang lễ Nhật Bản đang đối mặt với nhiều thách thức. (Ảnh: Shutterstock)
Dịch vụ trải nghiệm quan tài không chỉ có ở Nhật Bản mà cũng từng được thực hiện ở nhiều quốc gia khác. Tại Tây Ban Nha, một công ty từng cho ra mắt "Catalepsy" là dịch vụ giúp du khách trải nghiệm cảm giác giống như trong một chiếc quan tài thật.
Điểm khác biệt là vụ này tại Tây Ban Nha được mô phỏng giống như một trò chơi.
Ở đây, những người tham gia có 30 phút để cố gắng trốn thoát khỏi quan tài bằng cách giải những câu đố giải đố trực tiếp do công ty Horror Box ở Barcelona, Tây Ban Nha dàn dựng. Trò chơi được thiết kế cho hai người chơi. Nếu một trong hai người bỏ cuộc bất cứ lúc nào, trò chơi sẽ kết thúc đối với cả hai.
Dịch vụ trải nghiệm nằm trong quan tài ở Tây Ban Nha (Ảnh: Reuters)
Những người chơi được giám sát qua camera CCTV bởi quản trị viên trò chơi Aurora Alvarino, người cho rằng các phòng thoát hiểm này là "phòng tập thể dục cho tâm trí".
Cô cho biết điểm thu hút nhằm mục đích tái hiện "một tình huống mà sớm hay muộn tất cả chúng ta đều sẽ trải qua là: đám tang của chính bạn".
Khi đặt vé, người chơi có thể tùy chỉnh một số khía cạnh, bao gồm loại quan tài hoặc lựa chọn liệu họ có muốn được "hỏa táng" trong ngọn lửa ảo và khói nhân tạo hay không.
Tuy nhiên, dịch vụ trải nghiệm nằm trong quan tài được khuyến cáo là không phù hợp với những người mắc hội chứng sợ không gian hẹp.
Phương Anh (Theo SCMP)