Sau cuộc họp các ngoại trưởng EU tại Brussels vào ngày 18/11, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, xác nhận Mỹ đã cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu quân sự sâu bên trong lãnh thổ Liên bang Nga.
“Chính quyền Biden đã cho phép sử dụng vũ khí của mình trong phạm vi lên tới 300 km bên trong lãnh thổ Liên bang Nga,” ông Borrell nói.
“Chính quyền Mỹ từng từ chối trong một thời gian dài, nhưng cuối cùng đã đồng ý”, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU cho biết thêm.
Trước đó, một số hãng truyền thông đưa tin vào ngày 17/11 rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng Tên lửa Chiến thuật Lục quân tầm xa (ATACMS) để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Liên bang Nga.
Theo một số báo cáo, việc này hiện tại chủ yếu nhằm vào các lực lượng của Liên bang Nga và bên thứ ba đang tập trung tại tỉnh Kursk của Liên bang Nga.
Kiev và Washington không đưa ra tuyên bố rõ ràng về việc Ukraine được phép sử dụng tên lửa do Mỹ sản xuất tấn công sâu vào lãnh thổ Liên bang Nga.
Ông Borrell là quan chức đầu tiên xác nhận động thái này.
Xem video Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU bày tỏ hy vọng các quốc gia thành viên EU nên cho phép Ukraine tấn công bên trong lãnh thổ Liên bang Nga trong khi gặp gỡ báo chí ngày 18/11/2024 ở Brussels (Bỉ). Nguồn: Reuters
Trả lời câu hỏi tại sao chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định cho phép các cuộc tấn công tầm xa chống lại Liên bang Nga vào thời điểm này, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU cho biết ông không biết lý do Nhà Trắng đưa ra quyết định này sau cuộc bầu cử tổng thống mà không phải trước đó.
Ông Borrell cũng xác nhận rằng quyết định cho phép này đã được đưa ra và giới hạn trong phạm vi 300 km.
Theo ông Borrell, đây không phải là khoảng cách quá lớn và nó không đi sâu vào lãnh thổ Liên bang Nga, nhưng đó là quyết định của chính quyền Mỹ.
Ông Borrell còn nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng việc cung cấp vũ khí không chỉ để chặn mũi tên, mà còn để đối phó với những người bắn cung”.
Nhà ngoại giao cấp cao của EU cũng lưu ý rằng trong EU, mỗi quốc gia tự quyết định về việc Ukraine có thể sử dụng vũ khí của họ hay không.
Tổng thống Mỹ Joe Biden từ lâu đã kiên quyết không cho phép vũ khí do phương Tây cung cấp được sử dụng trên lãnh thổ Liên bang Nga, nhằm tránh leo thang xung đột.
Tuy nhiên, vào tháng 5, ông đã nới lỏng các hạn chế để cho phép Ukraine sử dụng một số loại vũ khí như Hệ thống Tên lửa phóng loạt cơ động cao (HIMARS) nhằm tấn công lực lượng của Liên bang Nga gần biên giới, sau thành công của cuộc phản công ở Kharkiv.
Theo các quan chức Mỹ giấu tên và một nguồn tin thân cận với quyết định nêu trên của Washington, Kiev dự kiến sẽ thực hiện các cuộc tấn công tầm xa đầu tiên trong vài ngày tới.
Vì quyết định này được đưa ra trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ ông Biden, cho nên vẫn chưa rõ liệu ông Donald Trump có duy trì chính sách này sau khi ông trở lại Nhà Trắng hay không.
Xem video người phát ngôn của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov ngày 18/11/2024 nói rằng nếu Mỹ quyết định cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của mình tấn công tầm xa vào lãnh thổ Liên bang Nga thì đây sẽ là một vòng căng thẳng mới và là một tình huống hoàn toàn mới liên quan tới sự tham gia của Mỹ vào xung đột ở Ukraine. Nguồn: Reuters
Về phần mình, Điện Kremlin cho biết bất kỳ quyết định nào của Washington cho phép Ukraine bắn tên lửa Mỹ vào sâu trong lãnh thổ Liên bang Nga sẽ có nghĩa là Mỹ trực tiếp tham gia vào xung đột, đồng thời cáo buộc chính quyền Tổng thống Joe Biden làm tình hình leo thang.
Ngày 18/11, khi được hỏi về các báo cáo của New York Times và Reuters cho rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã quyết định cho phép Ukraine dùng vũ khí Mỹ, bao gồm cả Tên lửa Chiến thuật Lục quân tầm xa (ATACMS) để tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Liên bang Nga, người phát ngôn của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, lưu ý rằng các báo cáo này không dựa trên bất kỳ tuyên bố chính thức nào.
“Chắc chắn nếu một quyết định như vậy đã được đưa ra và chuyển đến chế độ Kiev, thì đây sẽ là một vòng căng thẳng mới và là một tình huống hoàn toàn mới liên quan tới sự tham gia của Mỹ vào xung đột này”, ông Peskov nói.
Theo ông Peskov, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã làm rõ quan điểm của Moskva khi phát biểu tại St. Petersburg vào tháng 9 vừa qua.
Cụ thể là vào ngày 12/9, Tổng thống Putin nói rằng sự chấp thuận của phương Tây đối với một bước đi như vậy sẽ có nghĩa là “sự tham gia trực tiếp của các nước NATO, Mỹ và các nước châu Âu vào cuộc chiến ở Ukraine,” vì cơ sở hạ tầng và nhân sự quân sự của NATO sẽ phải tham gia vào việc xác định mục tiêu và phóng tên lửa.
“Điều này là rõ ràng, chính quyền sắp mãn nhiệm ở Washington có ý định tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa và tiếp tục kích động căng thẳng xung quanh cuộc xung đột này”, ông Peskov nói thêm.
Thành Nam/Báo Tin tức (Theo The Kyiv Independent/TASS)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/quan-chuc-cap-cao-eu-dau-tien-xac-nhan-my-cho-phep-ukraine-tan-cong-sau-vao-lanh-tho-nga-20241119095441468.htm