Khoáng sản đất hiếm. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Các đồng minh của Ukraine tại Washington khẳng định rằng Tổng thống Volodymyr Zelensky có thể cải thiện mối quan hệ với Tổng thống Donald Trump nếu chấp nhận một thỏa thuận khai thác đất hiếm do Mỹ đề xuất, điều mà Kiev đến nay vẫn từ chối.
Những người trong chính quyền Tổng thống Trump cho biết các cuộc công kích mạnh mẽ của ông đối với Ukraine, điều khiến châu Âu ngỡ ngàng, không đồng nghĩa với việc ông nghiêng về phía Moskva, mà xuất phát từ sự bất mãn trước phản ứng của Kiev đối với nỗ lực của Washington nhằm mở cửa thị trường đất hiếm rộng lớn của Ukraine cho các khoản đầu tư từ Mỹ.
“Một bài học mà họ phải học theo cách khó khăn là chỉ trích công khai Tổng thống Trump sẽ phản tác dụng nghiêm trọng. Có một nhóm nhỏ trong đảng phản đối Ukraine, nhưng cũng có nhiều người ủng hộ. Việc công kích Tổng thống chỉ khiến tình hình thêm tồi tệ”, một cố vấn chính sách thuộc đảng Cộng hòa cho biết.
Tại Kiev, chiến thuật cứng rắn của Tổng thống Trump gây phẫn nộ và bất ngờ, nhất là khi chính Ukraine là bên đầu tiên đề xuất thỏa thuận đất hiếm với chính quyền mới của ông. Dù nội dung đầy đủ của đề xuất từ ông Trump chưa được công khai, phía Ukraine tỏ ra không hài lòng do thiếu các bảo đảm an ninh phù hợp.
Đặc phái viên của Tổng thống Trump về đàm phán hòa bình Ukraine, Keith Kellogg, đã có mặt tại Kiev trong tuần này và gặp Tổng thống Zelenskyy hôm 20/2. Phát biểu sau cuộc gặp, Tổng thống Zelensky nói: "Ukraine sẵn sàng cho một thỏa thuận đầu tư và an ninh mạnh mẽ, hiệu quả với Tổng thống Mỹ. Chúng tôi đã đề xuất cách tiếp cận nhanh nhất và mang tính xây dựng nhất để đạt được kết quả. Đội ngũ của chúng tôi sẵn sàng làm việc 24/7". Tuy nhiên, ông không đề cập trực tiếp đến thỏa thuận đất hiếm.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (bên trái) và Đặc phái viên Mỹ Keith Kellogg tại Kiev ngày 20/2/2025. Ảnh: stalbertgazette
Các quan chức Mỹ cho rằng Ukraine cần nhanh chóng hợp tác với phía Washington để hoàn tất thỏa thuận này. Theo đề xuất, Mỹ sẽ sở hữu 50% cổ phần trong các mỏ đất hiếm chiến lược của Ukraine, một nguồn tài nguyên có giá trị lên đến hàng trăm tỷ USD.
Yehor Cherniev, nghị sĩ thuộc đảng của ông Zelenskyy và là trưởng đoàn Ukraine tại Hội nghị Nghị viện Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cho biết Kiev vẫn để ngỏ khả năng thỏa thuận, nhưng nhấn mạnh: “Thỏa thuận phải công bằng và mang lại lợi ích cho Ukraine, bao gồm các đảm bảo an ninh và hỗ trợ quân sự đáng kể”.
Các quan chức Ukraine và NATO từ lâu đã khẳng định rằng các đảm bảo an ninh không phải là một hình thức viện trợ mà là sự bảo vệ cho liên minh phương Tây nhằm ngăn Nga tấn công NATO trong tương lai.
Trong khi đó, bà Alina Polyakova, Giám đốc trung tâm phân tích chính sách châu Âu, nhấn mạnh rằng an ninh là yếu tố then chốt để thu hút đầu tư. “Không công ty nào muốn đầu tư vào khai thác khoáng sản đắt đỏ nếu có nguy cơ bị tên lửa Nga tấn công”, bà nói.
Tuy nhiên, bà Polyakova cũng thừa nhận rằng thỏa thuận đất hiếm có thể là cơ hội duy nhất để Ukraine duy trì sự ủng hộ từ Tổng thống Trump.
Các thành viên đảng Cộng hòa ủng hộ Ukraine hoan nghênh thỏa thuận này như một cách để lôi kéo phong trào “Nước Mỹ trước tiên” đầu tư vào an ninh lâu dài của Ukraine, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế cho Mỹ. Tuy nhiên, những người chỉ trích, bao gồm ba quan chức châu Âu, cho rằng đây thực chất là một hình thức ép buộc trong bối cảnh Ukraine đang bị dồn vào thế khó.
Tổng thống Trump muốn thỏa thuận này như một sự bù đắp cho hàng tỷ USD viện trợ mà Mỹ đã cung cấp, trong khi Ukraine mong muốn có những đảm bảo an ninh để ngăn Nga tái tập hợp và phát động một cuộc tấn công khác trong tương lai. Nếu không thể gia nhập NATO, Ukraine kỳ vọng ít nhất sẽ nhận được nhiều viện trợ quân sự hơn.
Tuy nhiên, đến nay, ông Trump vẫn chưa đưa ra yêu cầu rõ ràng đối với Nga như đối với Ukraine, điều khiến Kiev và các quan chức châu Âu bất bình.
Tổng thống Zelensky cho biết ông đã từ chối thỏa thuận này khi chính quyền Tổng thống Trump lần đầu đề xuất vì nó “chưa sẵn sàng bảo vệ chúng tôi và lợi ích của chúng tôi”.
Cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz nói trên Fox News hôm 20/2 rằng một thỏa thuận đầu tư chung như vậy sẽ là “bảo đảm an ninh tốt nhất mà họ có thể hy vọng, hơn hẳn một lô đạn dược khác”.
Ông cho rằng việc Tổng thống Ukraine từ chối thỏa thuận và chỉ trích Tổng thống Trump trên truyền thông đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai bên. “Họ cần kiềm chế lại và ký thỏa thuận đó”.
Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo politico)