Ngày 30-3, ông Kirill Logvinov - người đứng đầu Vụ Các tổ chức quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Nga cho rằng đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc thành lập một chính quyền tạm thời ở Ukraine dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc (LHQ) dựa trên các tiền lệ lịch sử, theo đài RT.
Bình luận của ông Logvinov được đưa ra vài ngày sau khi ông Putin đề xuất rằng việc thiết lập “quản lý bên ngoài hoặc chính quyền tạm thời” dưới sự bảo trợ của LHQ có thể tạo điều kiện tổ chức bầu cử tại Ukraine và đặt nền tảng hợp pháp cho các cuộc đàm phán. Moscow lập luận rằng nhiệm kỳ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã hết hạn từ tháng 5-2024.
Tổng thống Nga cho rằng một thỏa thuận hòa bình được ký kết với một nhà lãnh đạo mới được bầu “sẽ được thế giới công nhận” và không thể bị hủy bỏ sau này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS
“Không có cơ chế chính thức nào để tạo ra các chính quyền như vậy trong LHQ” - ông Logvinov nói, nhưng lưu ý rằng LHQ đã từng thiết lập các chính quyền chuyển tiếp tại một số khu vực hậu xung đột và đã tạo tiền lệ cho mô hình này.
“Trong mọi trường hợp, bước đầu tiên là các bên xung đột – trực tiếp hoặc thông qua trung gian – phải đạt được thỏa thuận về việc chuyển giao quyền lực phù hợp cho LHQ” - ông Logvinov giải thích.
Theo vị quan chức, khi thỏa thuận được xác lập, các bên hoặc bên trung gian sẽ gửi đề nghị chính thức lên LHQ. Hội đồng Bảo an LHQ sau đó sẽ giao nhiệm vụ cho Tổng Thư ký chuẩn bị khung kế hoạch cho chính quyền tạm thời, bao gồm lộ trình thực hiện và ngân sách.
Ông Logvinov nhấn mạnh quyết định cuối cùng thuộc về Hội đồng Bảo an LHQ, sau khi Tổng Thư ký trình báo cáo về hình thức và chức năng của chính quyền đề xuất.
Ngày qua, phía Ukraine đã bác bỏ đề xuất này.
Ông Andrey Kovalenko - người đứng đầu Trung tâm Chống thông tin sai lệch của Ukraine nói rằng kế hoạch trên là một nỗ lực của Moscow nhằm trì hoãn các cuộc đàm phán hòa bình.
THẢO VY