Khách hàng tham quan triển lãm "Agrosalon-2024" tại Moskva (Nga) ngày 9/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 15/1, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Kinh tế của Bộ Ngoại giao Nga, ông Dmitry Birichevsky khẳng định trong bối cảnh kinh tế thế giới đang dịch chuyển sang phía Đông với các cơ chế hợp tác mới, Nga sẵn sàng hợp tác với tất cả các đối tác, trong đó có các công ty phương Tây trên cơ sở điều kiện phù hợp.
Trả lời phỏng vấn hãng tin RIA của Nga về hoạt động kinh tế đối ngoại của nước này trong năm 2024, ông Birichevsky cho biết dưới áp lực trừng phạt, một số doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường Nga, song đa số công ty vẫn duy trì hoạt động tại nước này, thể hiện niềm tin vào quy mô, sự ổn định và mức độ hội nhập của kinh tế Nga vào nền kinh tế thế giới.
Ông nhận định việc một số công ty phương Tây rút khỏi Nga đã tạo ra thách thức cho nền kinh tế nước này, nhưng chính điều này cũng đã củng cố khả năng chống chịu, sự ổn định của hệ thống kinh tế Nga.
Về triển vọng nối lại cung cấp khí đốt cho châu Âu, ông Birichevsky cho biết Nga sẵn sàng cung cấp khí đốt qua lãnh thổ Ukraine cũng như đường ống Dòng chảy phương Bắc, tất cả tùy thuộc và lập trường của Ukraine và các nước Liên minh châu Âu (EU).
Trong năm 2024, lượng khí đốt Nga cung ứng cho châu Âu, bao gồm khí tự nhiên và khí hóa lỏng, tăng 18% so với năm 2023 và đạt khoảng 53 tỷ m3.
Đánh giá biện pháp trừng phạt thứ cấp của các nước phương Tây, ông Birichevsky cho rằng đây là các biện pháp tạm thời, không hiệu quả và không thể tồn tại lâu trong thế giới đa cực. Nga cùng với các đối tác sẽ nỗ lực tìm ra các hình thức hợp tác tối ưu.
Liên quan các thể chế đa phương, ông Birichevsky đánh giá Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) là khuôn khổ đa phương toàn diện độc đáo, khi liên kết trên cơ sở bình đẳng các nước như Nga, Mỹ, Trung Quốc và một số thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
Trong giai đoạn 2022-2023, bất chấp căng thẳng địa chính trị, các nền kinh tế thành viên APEC vẫn ra quyết định đồng thuận vì lợi ích chung.
Ông tin rằng APEC đóng vai trò đầu tàu, giúp thúc đẩy chương trình nghị sự hợp tác kinh tế trong khu vực.
Nga cùng với các đối tác thân thiện trong diễn đàn nhất trí đẩy mạnh đối thoại mang tính xây dựng, thông qua tuyên bố về tầm nhìn thúc đẩy khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương.
Ông nêu rõ phía Nga sẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế mở và cùng có lợi trong APEC theo các định hướng trong Tuyên bố Putrajaya về Tầm nhìn APEC đến năm 2040.
Nga cũng xem APEC là công cụ quan trọng trong việc thiết lập môi trường thể chế thuận lợi cho các doanh nghiệp Nga và xây dựng quan hệ kinh doanh./.
(TTXVN/Vietnam+)