Tinh gọn tức là không có ai thừa ra trong bộ máy đó, đồng bộ tức là hoạt động của một người, một bộ phận sẽ tác động đến sự vận hành của cả một bộ máy, hiệu quả tức là ít người mà làm được nhiều việc” - đó là quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả.
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.
1. Theo Người, tiêu chí của một bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả thì trước hết phải là một bộ máy ít bộ - ngành, ít tầng nấc trung gian, ít cán bộ nhưng vẫn thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu luôn hết sức gọn nhẹ. Ủy ban giải phóng dân tộc để lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám chỉ gồm 15 thành viên; Chính phủ cách mạng lâm thời sau Cách mạng Tháng Tám vẫn gồm 15 thành viên với 13 bộ; Chính phủ liên hiệp kháng chiến năm 1946 chỉ gồm 12 thành viên và 10 bộ. Trả lời câu hỏi của các phóng viên, vì sao công việc bộn bề mà chính phủ liên hiệp chỉ có 10 bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Vì nước mình nhỏ nên không cần nhiều bộ”. Song song với việc thiết lập bộ máy hành chính Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo xây dựng ủy ban nhân dân các cấp theo phương châm gọn nhẹ về tổ chức, rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ. Người nói rõ: “Ủy ban nhân dân (làng, huyện, tỉnh, thành phố) là hình thức Chính phủ trong các địa phương... Ủy ban có từ 5 đến 7 người”. Luôn đề cao nguyên tắc tinh gọn, Ban thanh tra đặc biệt - tiền thân của Ban Thanh tra Chính phủ hiện nay - do Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập vào tháng 11/1945 cũng chỉ gồm 2 người là cụ Bùi Bằng Đoàn và người thanh niên trẻ Cù Huy Cận; bộ phận giúp việc trực tiếp của Người trong kháng chiến chống Pháp chỉ có 8 người và sau năm 1954 cũng chỉ có hơn 10 người… Ngoài đặc tính “ít mà tốt”, tính hiệu quả của bộ máy hành chính còn thể hiện ở khả năng tương tác giữa các bộ phận chức năng sao cho giữa họ vừa có sự phân định nhiệm vụ rõ ràng, vừa có sự phối hợp “ăn ý”. Người yêu cầu: “Tổ chức phải gọn gàng. Nhiệm vụ của mỗi bộ phận, mỗi người phải quy định rõ ràng. Các cấp và các cán bộ lãnh đạo phải giúp đỡ và đôn đốc thường xuyên, phải kiểm tra chặt chẽ”. Đặc biệt, người lãnh đạo phải biết “dụng nhân như dụng mộc”, tức là biết loại bỏ cán bộ hư hỏng như người thợ lành nghề biết loại bỏ gỗ mục, biết đặt con người vào đúng sở trường, biết kết hợp các loại cán bộ để họ bổ trợ cho nhau. Khi người lãnh đạo biết đặt người lao động vào vị trí “đắc địa” và biết động viên họ tự giác làm việc thì bộ máy dù gọn nhẹ nhưng vẫn hoạt động hiệu quả.
2. Tại Bình Thuận, để triển khai thực hiện có hiệu quả việc tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ để nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, từng bước cải cách nền hành chính công theo hướng tinh gọn, hiệu quả; Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống tổ chức của Đảng và Nhà nước dần được đổi mới; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, kinh tế - xã hội phát triển, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh được giữ vững. Đặc biệt việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động với những nội dung hết sức cụ thể, nhằm triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong hệ thống chính trị. Chủ động thực hiện giảm đầu mối các sở, ban, ngành và cơ cấu bên trong của từng tổ chức trong hệ thống chính trị; giải thể, sắp xếp lại các cơ quan tổ chức hoạt động không hiệu quả; sắp xếp lại, giảm tối đa số lượng phòng trong sở, ban, ngành, trung tâm, chi cục; tiến hành rà soát chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức, cơ quan, đơn vị của hệ thống chính trị để khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác giữa các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh lãnh đạo, quản lý; kiên quyết cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giảm số người phục vụ trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị. Tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở cho đến thời điểm này cơ bản đã được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn…
Để tiếp tục thực hiện tốt những nội dung trên, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, đề cao trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu về sự cần thiết thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ để nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, đơn vị xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong triển khai chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương về sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng". Trong quá trình thực hiện, phải bám sát các nguyên tắc của Đảng, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, Hiến pháp, pháp luật và thực tiễn đặt ra. Cùng với đó phải tiếp tục đẩy mạnh việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW và Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị gắn với tiếp tục thực hiện nghiêm túc Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và các Quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bộ máy nhà nước là công cụ hữu hiệu để phục vụ nhân dân chứ không phải là gánh nặng cho nhân dân, ngoài đặc tính cách mạng, nhân văn và pháp lý, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến tính hiệu quả, tinh gọn của bộ máy hành chính nhà nước và của cả hệ thống chính trị, với mục tiêu phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
BBT