Quan điểm, mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030

Quan điểm, mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030
3 giờ trướcBài gốc
Xét xử các bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu". Ảnh: CTV
Ngày 11/10/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 168/NQ-CP về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030, có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và xác định trách nhiệm thi hành của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan; trong đó, đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu của chiến lược như sau:
1. Về quan điểm:
Một là, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, được tiến hành mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; lấy phòng ngừa là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách, đột phá; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa, phát hiện, xử lý và sử dụng đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự.
Hai là, gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiểm soát quyền lực nhà nước, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, củng cố niềm tin của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Ba là, tích cực, chủ động hợp tác quốc tế và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm tốt về phòng, chống tham nhũng.
2. Về mục tiêu:
Một là, mục tiêu chung: Ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng xã hội dân chủ, kỷ cương, liêm chính; giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.
Hai là, mục tiêu cụ thể:
- Khắc phục những sơ hở, bất cập trong chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực;
- Xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, kỷ cương, liêm chính;
- Tăng cường các biện pháp phòng ngừa; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực, thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát;
- Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, các cơ quan báo chí, truyền thông; huy động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;
- Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng gắn với thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Thực hiện quan điểm, mục tiêu trên, Chiến lược đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và 2 giai đoạn trong lộ trình thực hiện. Trong đó, các nhiệm vụ, giải pháp gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước, hoàn thiện chế độ công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tích cực tham gia, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Lộ trình thực hiện chiến lược theo 2 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất (từ năm 2023 đến năm 2026): Trong giai đoạn này tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung khắc phục những sơ hở bất cập của pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để đề xuất các nhiệm vụ cụ thể trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XV, khóa XVI; chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực; hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể trong giai đoạn 2023-2026 và sơ kết việc thực hiện vào năm 2026.
Giai đoạn thứ 2 (từ năm 2026 đến năm 2030): Phát huy những kết quả đã đạt được trong giai đoạn thứ nhất; trên cơ sở sơ kết, căn cứ yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng và tình hình thực tiễn xây dựng Kế hoạch cụ thể để thực hiện chiến lược giai đoạn 2026-2030 và đẩy mạnh thực hiện toàn diện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu của chiến lược; tổng kết việc thực hiện chiến lược vào năm 2031.
Thượng tá Phạm Thị Thanh Huế (Học viện Biên phòng)
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/quan-diem-muc-tieu-cua-chien-luoc-quoc-gia-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-den-nam-2030-post481815.html