Quân đội châu Âu liệu có thể bảo vệ an ninh cho Ukraine?

Quân đội châu Âu liệu có thể bảo vệ an ninh cho Ukraine?
4 giờ trướcBài gốc
Binh sỹ NATO trong một cuộc tập trận. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Donald Trump đã cam kết chấm dứt chiến sự ở Ukraine. Cách thức ông ấy có thể làm điều đó vẫn chưa rõ ràng do Tổng thống Nga Vladimir Putin tin rằng mình đang thắng thế.
Tuy nhiên, theo cách thẳng thắn của mình, ông Trump đã mở ra khả năng đàm phán ngừng bắn. Nếu đạt được thỏa thuận, các nhà phân tích cho rằng, ông Trump có thể sẽ yêu cầu châu Âu thực hiện và chịu trách nhiệm về Ukraine, đồng thời muốn giảm bớt cam kết của Mỹ. Nhưng một câu hỏi quan trọng vẫn còn đó: Làm thế nào để bảo vệ Ukraine và ngăn chặn xung đột tái diễn trong tương lai?
Viễn cảnh về một thỏa thuận đã thúc đẩy cuộc tranh luận về việc triển khai cái gọi là quân đội châu Âu để giữ gìn hòa bình, giám sát lệnh ngừng bắn và ngăn chặn một cuộc xung đột tiềm tàng trong tương lai. Câu hỏi đặt ra là quân đội của nước nào, bao nhiêu quân và liệu Tổng thống Putin có đồng ý hay không. Đây chắc chắn sẽ là chủ đề thảo luận trung tâm tại Hội nghị An ninh Munich thường niên diễn ngày 14/2 tới, mà Phó Tổng thống JD Vance và Ngoại trưởng Marco Rubio dự kiến sẽ tham dự.
Một số nước châu Âu, trong đó có các quốc gia vùng Baltic cũng như Pháp và Anh, đã nêu ra khả năng đưa một số quân đội của mình vào lực lượng ở Ukraine. Các quan chức cấp cao của Đức cho rằng ý tưởng này còn quá sớm.
Rủi ro cho quân đội châu Âu
Binh sỹ NATO. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngoại trừ việc Ukraine trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), điều dường như khó xảy ra trong nhiều năm tới, ý tưởng có một số lượng lớn quân đội châu Âu từ các quốc gia NATO đóng tại Ukraine có vẻ liều lĩnh đối với nhiều quan chức và nhà phân tích.
Nếu không có sự tham gia rõ ràng của Mỹ trong một hoạt động như vậy, với sự yểm trợ trên không, phòng không và tình báo, cả về con người và kỹ thuật, quân đội châu Âu sẽ gặp rủi ro nghiêm trọng từ các cuộc tấn công của Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tuyên bố rằng ông sẵn sàng cho các cuộc đàm phán nghiêm túc về một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh, miễn là các đồng minh của ông cung cấp các đảm bảo an ninh, chứ không chỉ là những lời đảm bảo suông.
Trong trường hợp không trở thành thành viên NATO, điều mà ông mong muốn, ông Zelensky đã đề cập đến việc có tới 200.000 quân nước ngoài ở Ukraine. Nhưng con số đó gần gấp ba lần quy mô toàn bộ quân đội Anh và được các nhà phân tích coi là bất khả thi.
Một quan chức cấp cao châu Âu cho biết lục địa này thậm chí không có 200.000 quân để cung cấp và bất kỳ lực lượng nào trên bộ cũng phải có sự hỗ trợ của Mỹ, đặc biệt là khi đối mặt với Nga, cường quốc hạt nhân lớn thứ hai thế giới. Nếu không, họ sẽ dễ bị tổn thương trước những nỗ lực của Nga nhằm phá hoại uy tín chính trị và quân sự của liên minh.
Ngay cả một con số khiêm tốn hơn là 40.000 binh sĩ châu Âu cũng sẽ là một mục tiêu khó khăn đối với một lục địa có tăng trưởng kinh tế chậm, thiếu quân và cần tăng chi tiêu quân sự để tự bảo vệ mình. Và nó có thể sẽ không đủ để răn đe Nga một cách thực tế. Một lực lượng răn đe thực sự thường sẽ yêu cầu "hơn 100.000 quân được giao nhiệm vụ" để luân chuyển thường xuyên và các trường hợp khẩn cấp, Lawrence Freedman, giáo sư danh dự về nghiên cứu chiến tranh tại Đại học King's College London cho biết.
Nguy cơ sẽ là một chính sách mà Claudia Major, một chuyên gia quốc phòng tại Viện các vấn đề quốc tế và an ninh Đức, gọi là "nói dối và cầu nguyện". Việc cung cấp quá ít quân mà không có lực lượng tiếp viện, sẽ là một việc làm không hiệu quả và gây nguy hiểm cho các binh sỹ, bà viết trong một bài báo gần đây với Aldo Kleemann, một trung tá Đức, về cách đảm bảo ngừng bắn ở Ukraine.
Đó là lý do tại sao Ba Lan, nước láng giềng của Ukraine và tham gia sâu vào an ninh của nước này, cho đến nay đã bác bỏ việc tham gia vào một lực lượng như vậy.
"Ba Lan hiểu rằng họ cần Mỹ tham gia vào bất kỳ đề xuất nào như vậy, vì vậy muốn xem ông Trump muốn làm gì", Alexandra de Hoop Scheffer, quyền giám đốc Quỹ Marshall Đức cho biết. Tuy nhiên, sự sẵn sàng làm điều gì đó hữu ích của châu Âu cho Ukraine mà không có người Mỹ sẽ rất quan trọng để đảm bảo rằng châu Âu có một chỗ ngồi tại bàn đàm phán khi các cuộc đàm phán cuối cùng diễn ra, Anthony Brenton, cựu Đại sứ Anh tại Nga cho biết.
Mục tiêu của Tổng thống Putin và các mô hình gìn giữ hòa bình
Các mục tiêu đã nêu của Tổng thống Putin không thay đổi: giữ nguyên các vùng lãnh thổ trên thực tế, ngăn chặn sự mở rộng của NATO và giảm lực lượng của NATO, buộc phải tạo ra một vùng đệm mới giữa liên minh phương Tây và khu vực ảnh hưởng của Nga.
Cũng không có khả năng Nga sẽ đồng ý trong bất kỳ thỏa thuận nào về việc triển khai lực lượng NATO hoặc các nước NATO ở Ukraine trong bất kỳ trường hợp nào, ngay cả khi bề ngoài họ ở đó để huấn luyện binh sĩ Ukraine. Bộ Ngoại giao Nga đã tuyên bố rằng quân đội NATO ở Ukraine sẽ "hoàn toàn không thể chấp nhận được" và sẽ là mục tiêu hợp pháp của Nga.
Lực lượng gìn giữ hòa bình, nhằm mục đích củng cố lệnh ngừng bắn đã được thống nhất và ngăn cách các bên tham chiến, được trang bị vũ khí hạng nhẹ để tự vệ và thường bao gồm quân đội từ nhiều quốc gia, thường là dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc. Nhưng do đường biên giới ở Ukraine dài khoảng 1.300 km nên sẽ cần một số lượng lớn binh sỹ.
Trước xung đột năm 2022, đã có một phái bộ giám sát quốc tế của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), với sự đồng ý của Nga, để giám sát việc tuân thủ một đường ngừng bắn ngắn hơn nhiều ở miền Đông Ukraine. Đó là một thất bại, Michael Bociurkiw, người phát ngôn của tổ chức này từ năm 2014 đến năm 2016, cho biết.
Một lực lượng răn đe, cho đến nay là đáng tin cậy nhất nhưng cần số lượng rất lớn binh sỹ và được trang bị tốt và sẽ yêu cầu tới 150.000 quân, cộng với các cam kết đáng kể về phòng không, tình báo và vũ khí và sự trợ giúp của Mỹ với các yếu tố hỗ trợ chiến lược mà châu Âu tiếp tục thiếu, từ vận tải hàng không, vệ tinh đến phòng thủ tên lửa.
Nhưng thật khó để tưởng tượng rằng Nga sẽ đồng ý với bất kỳ lực lượng nào như vậy vì chính xác những lý do tương tự mà Tổng thống Zelensky muốn có một lực lượng như vậy, Freedman nói.
Vì vậy, câu trả lời tốt nhất cho tương lai gần sau khi ngừng bắn tiềm năng có thể là việc cung cấp cho quân đội Ukraine đủ vũ khí, tài nguyên và huấn luyện, bao gồm cả lực lượng phương Tây, để răn đe Nga không tái diễn xung đột.
Tuy nhiên, một cam kết như vậy sẽ phải là dài hạn. Nhưng trước tiên, Ukraine phải ngăn chặn bước tiến của Nga ở phía Đông và Tổng thống Putin phải bị thuyết phục chấm dứt xung đột, với những tổn thất chiến trường và áp lực kinh tế hơn nữa. Làm thế nào để làm điều đó sẽ là một trong những bài kiểm tra chính đối với tổng tống Trump nếu ông muốn thành công trong việc chấm dứt chiến sự ngay khi ông nhậm chức.
Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo miamiherald/NYT)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/quan-doi-chau-au-lieu-co-the-bao-ve-an-ninh-cho-ukraine-20250212110621586.htm