Máy bay chiến đấu F-16 tham gia một cuộc tập trận của NATO tại căn cứ không quân Kleine-Brogel, Bỉ, ngày 18/10/2022. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Đài RT của Liên bang Nga chiều 13/4, theo giờ địa phương, cho biết đây là lần đầu tiên quân đội nước này tuyên bố bắn hạ một chiếc F-16 kể từ khi các nước phương Tây bắt đầu chuyển giao dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư này cho Ukraine vào mùa hè năm ngoái.
Trong bản báo cáo cập nhật tình hình chiến sự đưa ra hôm 13/4, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga viết: “Một chiếc F-16 của Không quân Ukraine đã bị hệ thống phòng không bắn rơi” mà không tiết lộ thêm chi tiết.
Trước đó, vào ngày 12/4, Bộ Chỉ huy Không quân Ukraine (UAF) viết trên Facebook xác nhận phi công chiến đấu Pavlo Ivanov, 26 tuổi, đã thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ trên chiếc máy bay tiêm kích F-16 Viper và gửi lời chia buồn tới gia đình phi công Pavlo.
Mặc dù tuyên bố chính thức không nêu rõ địa điểm hay hoàn cảnh cụ thể của sự việc, nhưng theo báo The Kyiv Post chiều 12/4, cả các blogger quân sự Liên bang Nga và Ukraine đều cho rằng chiếc máy bay đã bị bắn rơi bởi một tên lửa đất đối không (SAM), giữa những đồn đoán liệu nó bị bắn bởi lực lượng Liên bang Nga hay do hỏa lực nhầm lẫn từ phòng không Ukraine.
Thông báo từ Không quân Ukraine cho biết thêm: “Hiện nay, các phi công F-16 đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trên nhiều hướng khác nhau trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt, yểm trợ hỏa lực cho các nhóm tấn công đường không và tấn công các mục tiêu của kẻ thù”.
Theo thông báo, các phi công Ukraine làm việc với khả năng tối đa của con người và kỹ thuật, mỗi lần xuất kích đều đặt mạng sống vào tình thế nguy hiểm và phi công Pavlo là một trong số đó.
Thông báo cũng cho biết, toàn bộ hoàn cảnh dẫn đến thảm kịch này hiện đang được một ủy ban liên ngành điều tra.
Tổng thống Volodymyr Zelensky sau đó xác nhận phi công Ukraine Pavel Ivanov đã thiệt mạng “trong khi thực hiện nhiệm vụ chiến đấu với F-16” và hứa sẽ có một phản ứng “mạnh mẽ và chính xác”.
Một nguồn tin chính phủ tiết lộ với BBC Ukraine hôm 12/4 rằng chiếc F-16 đã bị quân đội Liên bang Nga bắn hạ.
“Tổng cộng, phía Liên bang Nga đã phóng ba tên lửa vào chiếc máy bay. Đó có thể là tên lửa phòng không điều khiển từ hệ thống S-400 mặt đất hoặc tên lửa không đối không R-37”, nguồn tin cho biết.
Nguồn tin cũng bác bỏ khả năng chiếc chiến đấu cơ F-16 xấu số nêu trên bị bắn nhầm bởi hỏa lực của Ukraine, khẳng định rằng phòng không Ukraine không hoạt động ở khu vực đó.
Đây là chiếc F-16 thứ hai của Ukraine được xác nhận là bị mất. Chiếc đầu tiên đã bị phá hủy và phi công thiệt mạng trong hoàn cảnh không rõ ràng vào tháng 8 năm ngoái.
Sự việc lần đó được tờ Wall Street Journal của Mỹ đưa tin đầu tiên, giữa những đồn đoán rằng đó có thể cũng là một vụ “bắn nhầm” hoặc do trục trặc kỹ thuật.
Tới nay, kết quả điều tra về vụ việc này chưa từng được công bố chính thức. Tuy nhiên, nhiều hãng truyền thông cho rằng khả năng cao chiếc máy bay đã bị chính phòng không Ukraine bắn nhầm.
Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy đã cam kết cung cấp cho Kiev tổng cộng tới 80 chiếc F-16 sau khi được chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden phê chuẩn, dù phần lớn số máy bay này sẽ phải mất nhiều năm nữa mới có thể được bàn giao. Trong năm 2024, Ukraine mới nhận được khoảng 18 chiếc.
Giới chức Kiev từng tuyên bố rằng tiêm kích F-16 do Mỹ thiết kế sẽ tạo ra bước ngoặt trong cuộc xung đột với Liên bang Nga. Tuy nhiên, kể từ khi chiếc đầu tiên bị mất, việc sử dụng F-16 trong chiến đấu đã bị hạn chế, chủ yếu được triển khai ở xa tuyến đầu để phục vụ nhiệm vụ phòng không.
Thành Nam/Báo Tin tức