Thủ đoạn cũ - tác hại mới
Hướng đến sự kiện trọng đại kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng, Nhà nước, Quân đội ta tổ chức nhiều hoạt động với nhiều quy mô trên phạm vi cả nước, trong đó nổi bật là Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành cấp quốc gia tại TP Hồ Chí Minh.
Đây là chương trình giàu ý nghĩa, nhằm ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc, tri ân các thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì thống nhất, toàn vẹn non sông. Qua đó giáo dục lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; biểu dương sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh quốc phòng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam trao quà tặng các đoàn quân đội 3 nước Trung Quốc, Lào và Campuchia trong buổi gặp mặt đoàn quân đội các nước tham gia diễu binh, diễu hành.
Tại sự kiện đặc biệt này, Việt Nam mời Bộ Quốc phòng các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia cử khối quân nhân tham gia diễu binh, diễu hành. Đây là những quốc gia láng giềng, có quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam, gắn bó với Việt Nam trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hoạt động này là sự cụ thể hóa đường lối đối ngoại quốc phòng của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, sự trân trọng của Việt Nam đối với sự ủng hộ, đoàn kết, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, lợi dụng sự kiện này, các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội chính trị lại tung ra những luận điệu sai trái, cố tình bóp méo ý nghĩa tốt đẹp của hoạt động diễu binh, diễu hành nói chung và việc mời quân đội nước ngoài tham gia nói riêng. Âm mưu xuyên suốt của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Mục tiêu trước mắt của chúng là phá hoại không khí kỷ niệm thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, gây nhiễu loạn thông tin, tạo sự hoài nghi, dao động trong dư luận xã hội về ý nghĩa của sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước. Về lâu dài, sâu xa, chúng muốn phủ nhận thành quả cách mạng, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kích động tư tưởng chống đối, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ Việt Nam với bạn bè quốc tế, đặc biệt là các nước láng giềng.
Để thực hiện âm mưu đen tối đó, chúng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; phổ biến nhất là lợi dụng các trang mạng xã hội, blog, diễn đàn... để bịa đặt, lan truyền các thông tin sai lệch, xuyên tạc, bóp méo sự thật. Chúng cố tình cắt ghép thông tin, đưa ra những phân tích, bình luận phiến diện, chủ quan, suy diễn vô căn cứ, tách rời sự kiện khỏi bối cảnh lịch sử cụ thể; cảm tính hóa các vấn đề chính trị, lịch sử và quan hệ quốc tế; cho rằng lễ diễu binh, diễu hành là hoạt động phô trương sức mạnh quân sự thái quá, gây lãng phí ngân sách nhà nước khi đất nước còn nhiều khó khăn; là tôn vinh chiến tranh, khơi lại hận thù...
Một số phần tử cơ hội chính trị, phản động tập trung công kích việc mời quân đội các nước bạn tham gia diễu binh, cho rằng đây là hành động “phản bội lịch sử”, thể hiện sự “lệ thuộc vào ngoại bang”... Chúng cố tình phủ nhận ý nghĩa quốc tế của Chiến thắng 30-4-1975 và tầm quan trọng của tình đoàn kết, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, khoét sâu vào những khác biệt, tách rời bối cảnh lịch sử cụ thể của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để chia rẽ Việt Nam với các nước.
Việc các đối tượng thù địch dùng những luận điệu xuyên tạc này tuy không mới nhưng lại có tác hại khôn lường. Chúng gây nhiễu loạn thông tin, làm lung lay niềm tin của một bộ phận quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước, vào ý nghĩa của các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước. Chúng gieo rắc sự hoài nghi, chia rẽ trong nội bộ, làm rạn nứt khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nguy hiểm hơn, chúng kích động tư tưởng cực đoan, dân tộc hẹp hòi, bài ngoại, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt Nam và phá hoại môi trường hòa bình, ổn định của đất nước ta.
Không thể phủ nhận chiến thắng lịch sử và tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng của Việt Nam
Diễu binh, diễu hành nhằm thể hiện sức mạnh tổng hợp của đất nước chứ không phải “tôn vinh chiến tranh” như luận điệu mà các thế lực thù địch tuyên truyền. Đối với Việt Nam, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng ở cả phương diện lịch sử và hiện thực, nhằm khẳng định giá trị hòa bình, sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Hơn ai hết, nhân dân Việt Nam hiểu rõ giá trị của thống nhất đất nước là điều kiện tiên quyết để đất nước ta có hòa bình, ổn định, phát triển bền vững, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc”.
Đây cũng là dịp để chúng ta tự hào khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay; đồng thời, là dịp để Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân Việt Nam, lực lượng dân quân tự vệ cả nước báo cáo với Đảng, Nhà nước và nhân dân về sự trưởng thành, lớn mạnh, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; về trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm sắt đá bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Sự tham gia của các khối diễu binh, diễu hành, bao gồm lực lượng vũ trang nhân dân (Quân đội, Công an, dân quân tự vệ) và các lực lượng quần chúng đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các dân tộc anh em trên khắp mọi miền Tổ quốc là hình ảnh sống động, hùng tráng về sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là cội nguồn sức mạnh đã làm nên Chiến thắng 30-4-1975 lịch sử, cũng là nhân tố quyết định bảo đảm cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.
Việc mời quân đội các nước bạn tham gia diễu binh, diễu hành không đồng nghĩa với “liên minh quân sự”, càng không phải chịu “áp lực ngoại bang” như những kẻ thiếu thiện chí xuyên tạc, vu cáo. Việt Nam là quốc gia độc lập, có chủ quyền. Việc mời lãnh đạo hay quân đội quốc gia nào tham dự sự kiện trọng đại của mình là quyền tự quyết của Việt Nam, xuất phát từ lợi ích quốc gia, dân tộc và đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt Nam.
Thực tế cho thấy, việc mời quân đội nước ngoài tham dự các lễ kỷ niệm cấp quốc gia, diễu binh, diễu hành là hoạt động ngoại giao quốc phòng phổ biến trên thế giới. Nga, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ... đều mời quân đội các nước tham gia diễu binh, diễu hành trong các dịp trọng đại. Chẳng hạn, trong Lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng (9-5) tại Moscow (năm 2015), Nga mời quân đội hàng chục quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Serbia... Tại Pháp, trong Ngày Quốc khánh (14-7) hằng năm, quân đội các nước châu Phi, châu Á đều tham gia...
Hơn nữa, đây cũng là dịp để ghi nhận và tôn vinh sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Đặc biệt, việc mời quân đội Lào và Campuchia tham gia mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện sự trân trọng đối với mối quan hệ đoàn kết chiến đấu đặc biệt, liên minh chiến đấu thủy chung, son sắt giữa 3 nước Đông Dương trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung, giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước. Sự hiện diện của họ là minh chứng hùng hồn cho tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia đã được lịch sử chứng minh.
Mặt khác, cần phải khẳng định rằng, quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam với các quốc gia láng giềng anh em được thiết lập và duy trì trên cơ sở các nguyên tắc bất biến: Bình đẳng, cùng có lợi, luôn tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Mọi hoạt động hợp tác quốc phòng đều nhằm mục đích tối thượng là phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế; tăng cường lòng tin chiến lược, duy trì môi trường hòa bình, hợp tác cùng phát triển.
Sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo và khối quân nhân các nước bạn trong đội hình diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Đại thắng mùa Xuân 1975 sẽ là một biểu hiện cụ thể, sinh động của chính sách đối ngoại hòa bình, hữu nghị và tinh thần hợp tác quốc tế trong sáng đó. Đây là hành động thể hiện thiện chí, cam kết của Việt Nam cùng các nước chung tay vun đắp hòa bình khu vực. Mọi luận điệu cố tình xuyên tạc, bóp méo hoạt động ý nghĩa này, quy chụp nó bằng lăng kính hẹp hòi, định kiến, thù địch đều bộc lộ rõ bản chất phản động, thâm độc của các thế lực cơ hội, thù địch.
Ngoài ra, cần thấy rõ thực tế khách quan, không thể chối cãi là chủ trương của Việt Nam mời khối quân nhân của quân đội các nước bạn bè tham gia diễu binh, diễu hành luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi từ chính phủ và nhân dân các nước bạn. Điều này được phản ánh rõ nét qua các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống và uy tín của các quốc gia này. Dư luận tại Lào, Campuchia, Trung Quốc đều nhìn nhận đây là một cử chỉ ngoại giao hữu nghị, một biểu hiện của sự tôn trọng lịch sử và là minh chứng cho mong muốn tăng cường hợp tác, thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc. Sự đón nhận tích cực này hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân các nước về một khu vực hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia luôn thấy rõ ý nghĩa cao đẹp và đánh giá cao hoạt động đối ngoại quốc phòng này.
Vì thế, trước âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và người dân yêu nước cần nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động nhận diện, kiên quyết đấu tranh đập tan mọi luận điệu sai trái; giữ vững lập trường tư tưởng, nhìn nhận các vấn đề khách quan, khoa học, biện chứng, tuyệt đối không lan truyền những thông tin giả mạo, độc hại trên không gian mạng.
ĐỖ THỊ GIANG - LƯƠNG THANH DUY