Hỗ trợ tối đa về giải quyết giấy tờ hành chính
Theo đề án đã được thông qua, từ ngày 1/1/2025, cùng với sắp xếp 5 phường khác tại Quận Hai Bà Trưng, toàn bộ 14 tổ dân phố (TDP) phường Quỳnh Lôi sẽ sáp nhập vào phường Bạch Mai hiện nay (12 TDP) và lấy tên Bạch Mai.
Thực hiện chỉ đạo của UBND quận về tổ chức chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất bảo đảm đáp ứng cho phường mới hoạt động, hai Chủ tịch UBND phường Bạch Mai và Quỳnh Lôi đều phát huy vai trò chỉ đạo, đã hoàn tất mọi công việc liên quan để sẵn sàng chuyển trụ sở UBND phường Bạch Mai hiện nay trở thành trụ sở Đảng ủy phường mới và trụ sở UBND phường Quỳnh Lôi hiện nay là trụ sở UBND phường mới.
Trước nhu cầu cần đính chính giấy tờ do thay đổi tên phường, UBND phường mới sẽ triển khai xuống tận địa bàn TDP của 100% người dân phường Quỳnh Lôi hiện nay để cấp tấm giấy “biển số nhà” cho người dân giữ, sẵn sàng xuất trình mỗi khi muốn thay đổi giấy tờ nào đó (chẳng hạn lên cấp quận để thay đổi trong “sổ đỏ”) mà không phải về trụ sở phường xác nhận nữa. UBND phường sẽ chủ động làm hồ sơ và tuyên truyền cho người dân biết được hưởng việc này, từ đó chuyển lên để cấp quận ký ban hành tấm giấy đó cấp cho người dân.
Trước thời điểm ra mắt bộ máy phường mới, cán bộ, công chức phường Bạch Mai và phường Quỳnh Lôi (Quận Hai Bà Trưng) vẫn ổn định tư tưởng làm việc, phục vụ người dân
Ngoài trường hợp Bí thư Đảng ủy phường Bạch Mai hiện nay được luân chuyển lên một Ban Đảng thuộc Quận ủy, đội ngũ cán bộ chủ chốt sẽ được “cộng cơ học”. Với đội ngũ cán bộ công chức, trước mắt cũng được “cộng cơ học”, sau đó qua Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 thì có thể sắp xếp dần trong thời gian đến năm 2029, căn cứ năng lực trình độ chuyên môn của cán bộ cùng tình trạng thiếu cán bộ của các phòng chuyên môn hoặc các phường khác thuộc quận, bảo đảm đáp ứng đề án vị trí việc làm. Vì vậy, cán bộ công chức phường hiện cơ bản ổn định tư tưởng làm việc, không có tâm tư.
Đặc biệt, theo Chủ tịch UBND phường Bạch Mai, sau sáp nhập, một công việc quan trọng mà phường phải bắt tay vào làm ngay là hỗ trợ nếu người dân có nhu cầu đính chính ở địa chỉ mới trong giấy tờ do thay đổi địa giới hành chính. Hiện Công an phường đã phối hợp UBND phường xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho Nhân dân là chính quyền sẽ chủ động làm ngay để đáp ứng nhu cầu của người dân. Sau khi sáp nhập, UBND phường sẽ thông báo về thời gian hỗ trợ giải quyết giấy tờ cho người dân, có thể tăng lên 3 ca (làm cả vào buổi tối và thứ Bảy, Chủ nhật) và trong thời gian tới 2-3 tháng để đáp ứng nhu cầu người dân.
Trước nhu cầu cần đính chính giấy tờ do thay đổi tên phường, UBND phường mới sẽ triển khai xuống tận địa bàn TDP của 100% người dân phường Quỳnh Lôi hiện nay để cấp tấm giấy “biển số nhà” cho người dân giữ, sẵn sàng xuất trình mỗi khi muốn thay đổi giấy tờ nào đó (chẳng hạn lên cấp quận để thay đổi trong “sổ đỏ”) mà không phải về trụ sở phường xác nhận nữa. UBND phường sẽ chủ động làm hồ sơ và tuyên truyền cho người dân biết được hưởng việc này, từ đó chuyển lên để cấp quận ký ban hành tấm giấy đó cấp cho người dân.
Do được tuyên truyền sâu rộng, người dân 2 phường Bạch Mai và Quỳnh Lôi đều nhận thức việc sáp nhập phường không gây ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh
Ngoài ra, về tên các TDP, bà Nguyễn Thùy Dương cho hay sẽ thực thiện theo chỉ đạo của quận là khi 14 TDP của phường Quỳnh Lôi nhập vào 12 TDP của phường Bạch Mai thì “tạm thời là các tổ tiếp theo của phường giữ nguyên tên hiện nay”- tức là tên các TDP của phường Quỳnh Lôi được đánh số từ 13 đến 26; sau đó quận có trách nhiệm trình lên và HĐND TP phê duyệt tên chính thức của các TDP.
Đáng chú ý, dư luận Nhân dân đến giờ này cho thấy cơ bản đều ủng hộ chủ trương sáp nhập ĐVHC phường, không có băn khoăn hay lo lắng, kể cả đối với người dân Quỳnh Lôi là phường sẽ thay đổi tên. Chính do được tuyên truyền sâu rộng về việc chính quyền phường sẽ hoàn toàn chủ động hỗ trợ sớm nhất cho người dân, nên họ đã nhận thức được việc sáp nhập phường không gây biến động lớn ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, không có ý kiến trái chiều với chủ trương chung, vì bản chất trụ sở UBND phường mới vẫn nằm tại trụ sở phường Quỳnh Lôi hiện nay.
“Chúng tôi quan tâm giải thích cho người dân hiểu về tác dụng của “giấy biển số nhà”, vì thực ra không chỉ nằm ở cấp phường mà nhiều giấy tờ nằm ở cấp quận và cấp TP, nên tấm giấy này có ý nghĩa rất quan trọng để họ có thể thuận tiện đi đến các cấp khác nhau khi muốn làm bất cứ việc gì liên quan giấy tờ do thay đổi tên phường. UBND phường đã dự thảo kế hoạch, sau khi chính thức sáp nhập phường thì chúng tôi sẽ trình lên để UBND quận cấp đồng loạt cho người dân”- bà Nguyễn Thùy Dương chia sẻ.
Sau sáp nhập phường Đống Mác và phường Đồng Nhân (Quận Hai Bà Trưng), trụ sở UBND phường Đống Mác hiện nay sẽ trở thành nhà sinh hoạt cộng đồng
Được sắp xếp công việc nào thì vẫn cố gắng hoàn thành tốt
“Chính nhờ cán bộ phường, cán bộ cơ sở làm tốt công tác tư tưởng, nên đã có được sự ủng hộ lớn từ phía người dân do họ nhìn thấy nhiều cái lợi ở phường mới hơn so với trước. Hiện người dân mong nhanh chóng hoàn thành việc sáp nhập phường để ổn định cuộc sống, thậm chí còn một số ngày nữa mới chính thức sinh sống trong bộ máy phường mới nhưng nhiều người đã viết trong giấy tờ của mình là địa chỉ ở “phường Đồng Nhân”- ông Trần Minh Châu, người dân TDP số 3 phường Đống Mác.
Tại trụ sở UBND phường Đống Mác, đã hơn 16h30’ thứ Sáu (20/12), không còn người dân đến giao dịch và nhất là khi chỉ còn 10 ngày nữa sẽ chuyển sang làm việc trong bộ máy phường mới tại trụ sở mới, công chức Tư pháp Nguyễn Lưu Vân vẫn miệt mài làm việc, tập trung sắp xếp, tổng hợp tài liệu.
Tại ô cửa giao dịch giữa công chức với người dân, UBND phường đã cho dán thông báo “Từ ngày 1/1/2025, phường Đống Mác và phường Đồng Nhân sáp nhập thành ĐVHC mới lấy tên là phường Đồng Nhân. Trụ sở UBND phường tại địa chỉ số 14 phố Đỗ Ngọc Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội”.
“Tôi được biết bước đầu sẽ nhập “nguyên khối” các bộ phận thuộc bộ máy 2 phường vào nhau, cán bộ công chức vị trí nào ở nguyên vị trí đó, sau đó qua quá trình làm việc sẽ được Chủ tịch UBND phường mới phân công phù hợp năng lực, vị trí việc làm. Dù có chút lưu luyến với trụ sở này do làm việc ở đây hơn 10 năm rồi, nhưng qua được tuyên truyền sâu rộng, tôi đã nhận thức được chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm tinh gọn nâng cao hiệu quả bộ máy, giải quyết thủ tục tốt hơn cho người dân, nên xác định dù được sắp xếp làm việc ở vị trí nào thì vẫn sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhất. Hiện tôi đang sắp xếp hồ sơ để giải quyết việc nào thì hoàn thành dứt điểm việc đó, bảo đảm không để đến ngày 1/1/2025 giải quyết giấy tờ cho người dân vẫn còn đóng dấu phường Đống Mác”- anh Nguyễn Lưu Vân bày tỏ.
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch phụ trách UBND phường Đống Mác Bùi Đình Trọng cho biết, đến thời điểm hiện tại phường đã tổng kết xong các mặt hoạt động năm 2024. Phấn khởi là dù năm nay phường gặp khó khăn về nhân sự chủ chốt và phải thực hiện sắp xếp ĐVHC nhưng 100% chỉ tiêu đã hoàn thành đạt và vượt kế hoạch, được lãnh đạo quận ghi nhận, cũng nhờ có sự ủng hộ của người dân đối với các chủ trương kế hoạch của chính quyền.
Từ đầu tháng 4/2024 có chủ trương sáp nhập toàn bộ phường Đống Mác với phường Đồng Nhân, thường xuyên trong các hội nghị của đảng, chính quyền phường cho tới họp TDP đều có quán triệt về nội dung này. Thực tế đến nay, từ cán bộ tới người dân đều rất phấn khởi, mong sớm hoàn thành việc sáp nhập phường, vì thực tế tại phường Đồng Nhân có điều kiện cơ sở vật chất khang trang hơn.
Công chức UBND phường Đống Mác Nguyễn Lưu Vân chia sẻ, dù được sắp xếp ở vị trí nào do sáp nhập phường thì vẫn sẽ cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao
Dự kiến UBND phường mới sẽ được đặt tại trụ sở UBND phường Đồng Nhân hiện nay, còn trụ sở UBND phường Đống Mác hiện nay sẽ chuyển thành nhà sinh hoạt cộng đồng (tại 2 tầng dưới) và nhà kho cho UBND phường (tại các tầng trên).
Về đội ngũ cán bộ chủ chốt khi sáp nhập, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự phường được biệt phái lên làm chuyên viên Phòng Kinh tế quận để phù hợp về trình độ năng lực và 1 phó chủ tịch UBND phường được điều động sang làm phó chủ tịch UBND phường khác trong quận. Các vị trí lãnh đạo còn lại và cán bộ công chức trước mắt sẽ được nhập “cơ học” với đội ngũ phường Đồng Nhân hiện nay, sau đó sẽ được bố trí dần trong vòng 5 năm, theo hướng luân chuyển một số người sang các phường khác.
Đáng chú ý, “về hỗ trợ người dân có nhu cầu chuyển đổi giấy tờ do thay đổi địa giới hành chính, cơ bản chỉ liên quan đến “sổ đỏ”. Nếu không có nhu cầu thay đổi thì vẫn sử dụng giấy tờ bình thường; còn nếu có nhu cầu thì người dân sẽ được hướng dẫn làm các thủ tục cấp xác nhận một cách nhanh nhất và không thu phí, đặc biệt công chức Tư pháp sẵn sàng làm ngoài giờ, đến trực tiếp hỗ trợ tại nhà cho công dân (đã thực hiện đến nhà người dân hỗ trợ từ 2 năm nay)”- ông Bùi Đình Trọng khẳng định.
Ông Trần Minh Châu, trú tại Khu tập thể Hồng Hà (số 190 phố Lò Đúc, TDP số 3 phường Đống Mác) cho hay, lúc mới biết tin phường Đống Mác sẽ sáp nhập vào phường Đồng Nhân và lấy tên Đồng Nhân, người dân trong địa bàn dân cư chúng tôi đúng là có bâng khuâng vì đã sống quen ở đây, hơn nữa lo ngại gặp phiền phức do giấy tờ cùng nhiều vấn đề liên quan quyền lợi của mình bị xáo trộn khi thay đổi địa giới hành chính.
Ngay sau đó được lãnh đạo, công chức phường tuyên truyền giải thích, người dân thấy có những cái lợi hơn nhiều khi ở phường mới so với phường cũ, nhất là phường Đồng Nhân rất vinh dự có di tích lịch sử cấp Quốc gia (Cụm di tích đình-đền-chùa Hai Bà Trưng) cũng như cơ sở vật chất, môi trường sống đều tốt hơn, nên khi được lấy ý kiến thì 100% cử tri phường Đống Mác đã ủng hộ chủ trương sắp xếp ĐVHC phường.
Đặc biệt vừa qua tại cuộc họp TDP có cán bộ UBND, Công an phường đến trực tiếp tuyên truyền về việc cơ quan chức năng sẽ tạo điều kiện tối đa nếu người dân có nhu cầu thay đổi về giấy tờ (thay đổi căn cước công dân thì được miễn phí hoàn toàn…), nên người dân đã cảm thấy “mát lòng mát dạ”.
Linh Nguyễn