Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Tây Ban Nha (Kỳ 1): 15 năm và xa hơn nữa…

Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Tây Ban Nha (Kỳ 1): 15 năm và xa hơn nữa…
2 giờ trướcBài gốc
Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodriguez Zapatero đón Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm cấp Nhà nước tới Tây Ban Nha từ ngày 13-16/9/2009. Trong chuyến thăm, hai bên ký kết văn bản thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược hướng tới tương lai. (Nguồn: TTXVN)
Kể từ khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Jose Luis Rodriguez Zapatero quyết định nâng tầm quan hệ song phương lên tầm Đối tác chiến lược hướng tới tương lai vào ngày 15/12/2009, mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Tây Ban Nha đã ngày càng phát triển bền chặt và toàn diện trong suốt 15 năm qua.
Cam kết vững chắc và yêu “bằng cả trái tim”
Quyết định nâng tầm quan hệ đã mở ra một trang mới trong lịch sử quan hệ giữa Việt Nam và Tây Ban Nha, đánh dấu cam kết của hai nước tăng cường hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực và đưa Tây Ban Nha trở thành Đối tác chiến lược đầu tiên của Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU). Các hiệp định khung cơ bản đã được ký kết, tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu từ chính trị tới kinh tế, thương mại đầu tư, văn hóa, quốc phòng, an ninh, giáo dục - đào tạo và giao thông vận tải…
Có thể thấy rằng, hợp tác kinh tế vẫn luôn là trụ cột quan trọng cho mối quan hệ đối tác giữa hai nước. Thực chất, mối quan hệ giữa Việt Nam và Tây Ban Nha đã bắt nguồn từ năm thế kỷ trước bằng quan hệ thương mại khi những thương nhân Tây Ban Nha đầu tiên đến bến Hội An để xây dựng nền thương mại phát triển thịnh vượng ở khu vực...
Đến nay, kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, quan hệ kinh tế, thương mại song phương đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ: Tây Ban Nha trở thành đối tác thương mại lớn thứ tám của Việt Nam trong EU và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Tây Ban Nha trong ASEAN. Kim ngạch thương mại song phương tăng đều từ 15% đến 20% mỗi năm, từ 1,2 tỷ USD vào những năm 2010 lên 3,94 tỷ USD vào năm 2023.
Tây Ban Nha hiện có trên 96 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 144 triệu USD. Các khoản đầu tư đáng chú ý gần đây của Tây Ban Nha vào Việt Nam là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng gió, năng lượng Mặt trời và số hóa; là những lĩnh vực mà nước ta đang mong muốn thu hút các FDI công nghệ cao.
Hợp tác chính trị và ngoại giao đã tạo nên tảng vững chắc để phát triển mối quan hệ Đối tác chiến lược. Việt Nam và Tây Ban Nha đã xây dựng mối quan hệ bền chặt, hợp tác sâu rộng với sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau thông qua trao đổi đoàn và hợp tác thường xuyên ở các cấp. Kết quả tốt đẹp của chuyến thăm Tây Ban Nha của Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trong năm 2023 đã tạo xung lực cho các cơ chế hợp tác mới trong các lĩnh vực ưu tiên như cơ sở hạ tầng, năng lượng xanh, biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên nước...
Năm nay, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Quốc vụ khanh về Ngoại giao và các vấn đề toàn cầu Tây Ban Nha Diego Martínez Belío đã đồng chủ trì Tham vấn chính trị lần thứ 5 giữa hai Bộ Ngoại giao tại Hà Nội, đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm phát triển quan hệ Đối tác chiến lược ngày càng mạnh mẽ và thực chất hơn. Đặc biệt, Việt Nam luôn là một trong các nước ưu tiên trong chính sách hợp tác phát triển của Tây Ban Nha. Hai bên đã thông qua sáu Chương trình hợp tác cho các chương trình xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, y tế, cung cấp nước sạch, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Một điểm rất nổi bật nữa là giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân ngày càng sôi động, tạo cơ sở tăng cường hiểu biết, tin cậy giữa Việt Nam và Tây Ban Nha. Như Hoàng hậu Sofia đã nói với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết năm 2009, “Gia đình tôi yêu Việt Nam bằng cả trái tim”, từ một đất nước xa xôi, ngày nay Việt Nam đã thành điểm đến của hơn 80.000 khách du lịch Tây Ban Nha vào năm 2023. Văn hóa, ẩm thực và nghệ thuật Việt Nam được đông đảo người dân Tây Ban Nha đón nhận nồng nhiệt. Hiện có khoảng 1.000 trẻ em Việt Nam được các gia đình người Tây Ban Nha nhận làm con nuôi, hòa nhập tốt trong cộng đồng sở tại và vẫn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Quốc vụ khanh về Ngoại giao và các vấn đề toàn cầu Tây Ban Nha Diego Martínez Belío đồng chủ trì Tham vấn chính trị lần thứ 5 giữa Bộ Ngoại giao, ngày 16/4 tại Hà Nội. (Ảnh: Quang Hòa)
Triển vọng ngời sáng phía trước
Nhìn về phía trước, có thể thấy rằng quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Tây Ban Nha đã sẵn sàng để phát triển sâu rộng và mạnh mẽ hơn. Thứ nhất, Việt Nam và Tây Ban Nha là những quốc gia hòa bình, có nhiều lợi thế và không gian phát triển, Lãnh đạo hai nước đều quyết tâm và cam kết thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược một cách mạnh mẽ, hiệu quả và thực chất trên nhiều lĩnh vực, trong đó đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển bền vững sẽ là điểm sáng của mối quan hệ trong thời gian tới.
Thứ hai, Việt Nam và Tây Ban Nha có nhiều lợi ích song trùng để có thể làm sâu sắc thêm mối quan hệ Đối tác chiến lược. Việt Nam hiện có 16 hiệp định thương mại tự do với 60 đối tác, có vị trí địa chiến lược quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - trung tâm kinh tế toàn cầu trong thế kỷ XXI trong khi Tây Ban Nha có vị thế, tầm ảnh hưởng quan trọng không chỉ tại châu Âu mà còn tại khu vực Mỹ Latinh và Bắc Phi, là điểm kết nối chiến lược giữa các khu vực này.
Trong thời gian gần đây, Tây Ban Nha không chỉ còn tập trung vào các thị trường truyền thống, mà ngày càng quan tâm nhiều hơn tới cơ hội hợp tác làm ăn tại châu Á, trong đó Việt Nam được coi là điểm đến ngày càng hấp dẫn. Trong Tầm nhìn chiến lược ở châu Á được Chính phủ Tây Ban Nha thông qua năm 2018 đã nhấn mạnh, sự hiện diện mạnh mẽ ở châu Á là mục tiêu liên tục trong thời gian tới. Chiến lược hành động ngoại giao năm 2021 tiếp tục khẳng định ASEAN sẽ là một trong đối tác chính của Tây Ban Nha ở khu vực.
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu điện thoại và linh kiện, sắt thép, dệt may, giày dép sang Tây Ban Nha, đồng thời nhập khẩu dược phẩm, máy móc, hóa chất và nguyên liệu nhựa phục vụ ngành chế biến, sản xuất trong nước.
Là quốc gia đầu tiên phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư EU-Việt Nam (EVIPA), Tây Ban Nha ngày càng coi Việt Nam là thị trường đầy hứa hẹn cho các công ty Tây Ban Nha đầu tư. Phòng Thương mại Tây Ban Nha mới thành lập tại Hà Nội là ví dụ sinh động về sự quan tâm của các doanh nghiệp Tây Ban Nha đối với một Việt Nam năng động đầy hấp dẫn.
Ngoài ra, triển vọng nâng tầm quan hệ còn được củng cố bởi hai nền kinh tế có nhiều điểm bổ sung, tương hỗ. Trong khi Tây Ban Nha là nền kinh tế lớn thứ tư trong EU và đứng thứ 14 trên thế giới thì Việt Nam là một trong những môi trường tăng trưởng mạnh nhất ở châu Á và là một trong bảy quốc gia có thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới. Và khi Tây Ban Nha đang tìm kiếm các thị trường và đối tác mới, Việt Nam có thị trường sản xuất và tiêu dùng rất lớn với dân số vàng và đông đảo gần 100 triệu người, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng.
Đặc biệt, Tây Ban Nha có nhiều lĩnh vực thế mạnh kinh tế mũi nhọn mà Việt Nam đang mong muốn phát triển. Tây Ban Nha có cơ sở hạ tầng giao thông tiên tiến với mạng lưới đường sắt cao tốc lớn thứ hai trên thế giới và chi phí trung bình xây dựng tàu cao tốc rất cạnh tranh. Với nguồn năng lượng mặt trời và gió dồi dào, Tây Ban Nha đang dẫn đầu châu Âu trong triển khai năng lượng tái tạo, với nhà máy hydro lớn nhất EU được đặt tại Puertollano, Ciudad Real của xứ sở bò tót. Là nước sản xuất trái cây và rau quả lớn thứ hai trong EU và lớn thứ sáu trên toàn cầu, Tây Ban Nha cũng có ngành công nghệ chế biến thực phẩm hàng đầu thế giới. Ngành nông nghiệp thực phẩm của Tây Ban Nha là ngành công nghiệp hàng đầu của đất nước và được phát triển theo hướng công nghiệp, quy mô lớn và hiện đại hóa.
[còn tiếp]
Đoàn Thanh Song
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/quan-he-doi-tac-chien-luoc-viet-nam-tay-ban-nha-ky-1-15-nam-va-xa-hon-nua-289570.html