Cả EU và Nhật Bản đều phải đối mặt với các mức thuế quan mới từ Mỹ. (Nguồn: iStock)
Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU)-Nhật Bản lần thứ 30, diễn ra ngày 23/7 tại Tokyo (Nhật Bản), đánh dấu một bước tiến mới trong việc làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai bên.
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức địa chính trị ngày càng phức tạp, EU và Nhật Bản khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác dựa trên các giá trị chung, từ an ninh-quốc phòng, kinh tế, công nghệ, chuỗi cung ứng tới ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đưa mối quan hệ song phương lên “mức độ sâu sắc hơn” nhằm xây dựng trục liên kết Brussels-Tokyo vững chắc hơn trong thế kỷ 21.
Trật tự toàn cầu thay đổi
Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong một môi trường địa chính trị và kinh tế toàn cầu đầy thách thức. Cả EU và Nhật Bản đều phải đối mặt với các mức thuế quan mới từ Mỹ, tạo ra một động lực chung để đa dạng hóa các đối tác thương mại và củng cố khả năng tự chủ chiến lược. Cùng với đó là cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc và chính sách đối ngoại khó đoán định của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Mối quan hệ EU-Nhật Bản đã trải qua một quá trình chuyển đổi đáng kể, từ một mối quan hệ chủ yếu dựa trên thương mại sang một quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện và sâu sắc. Nền tảng cho sự phát triển này là hai hiệp định cột mốc: Hiệp định Đối tác Kinh tế (EPA), có hiệu lực từ năm 2019, và Hiệp định Đối tác Chiến lược (SPA).
Với EPA, hai bên đã loại bỏ phần lớn các rào cản thương mại, thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư, tạo ra một tín hiệu mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa bảo hộ và xây dựng lòng tin. Trên nền tảng đó, SPA đã mở rộng hợp tác sang hơn 40 lĩnh vực, bao gồm cả các vấn đề nhạy cảm như an ninh, không gian mạng và chống khủng bố.
Năm 2025 đã chứng kiến một sự tăng tốc đáng kể trong các cuộc tiếp xúc cấp cao, cho thấy hội nghị thượng đỉnh là đỉnh cao của một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng và có hệ thống.
Ba trụ cột hợp tác
Chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh được xây dựng dựa trên ba trụ cột chính, phản ánh những ưu tiên chiến lược chung của cả hai bên. Trọng tâm của các cuộc thảo luận là an ninh kinh tế, một khái niệm đã trở thành trung tâm của chính sách đối ngoại hiện đại.
Thứ nhất là an ninh kinh tế và khả năng cạnh tranh, được đánh giá là lĩnh vực hợp tác quan trọng và cấp bách nhất. Đối mặt với sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, sự phụ thuộc vào các nguồn cung không đáng tin cậy và việc vũ khí hóa, các mối quan hệ kinh tế, EU và Nhật Bản đang đi đầu trong việc xây dựng một chiến lược an ninh kinh tế chung.
Cũng nằm trong trụ cột hợp tác kinh tế là quan hệ đối tác kỹ thuật số EU-Nhật Bản, được thiết lập vào năm 2022, đã nhanh chóng trở thành một trong những khuôn khổ hợp tác công nghệ cao tiên tiến nhất trên thế giới.
Hội nghị thượng đỉnh sẽ là dịp để đánh giá tiến độ và đặt ra các mục tiêu tham vọng hơn. Các lĩnh vực hợp tác chính bao gồm chất bán dẫn, công nghệ 6G, công nghệ lượng tử, Dòng dữ liệu tự do và đáng tin cậy (DFFT)...
Ngoại trưởng Nhật Bản Takeshi Iwaya (thứ 2, phải), Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yoji Muto (thứ 3, phải) và Ủy viên châu Âu phụ trách thương mại và an ninh kinh tế Maros Sefcovic (thứ 2, trái) tại cuộc đối thoại kinh tế cấp cao EU-Nhật Bản ở Tokyo ngày 8/5/2025. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Thứ hai là trụ cột an ninh và quốc phòng, lĩnh vực chưa có tiền lệ trong mối quan hệ đối tác EU-Nhật Bản. Sự thay đổi này được thúc đẩy bởi một nhận thức ngày càng sâu sắc rằng an ninh ở châu Âu và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là không thể tách rời.
Tháng trước, hai bên đã tổ chức Đối thoại An ninh và Quốc phòng lần đầu tiên, một cột mốc quan trọng được xây dựng dựa trên quan hệ đối tác an ninh và quốc phòng, được công bố vào tháng 11/2024. Cuộc đối thoại đã cụ thể hóa hợp tác trong các lĩnh vực như không gian mạng, chống thông tin sai lệch, an ninh hàng hải và không gian.
Ngoài hai trụ cột về kinh tế và an ninh, mối quan hệ đối tác hai bên còn có một khía cạnh quan trọng và mạnh mẽ không kém, đó là việc cùng nhau duy trì trật tự đa phương và hợp tác chuyển đổi Xanh.
Trong khuôn khổ Liên minh Xanh, Đối thoại cấp cao về Môi trường vào tháng 6/2025 đã ghi nhận những tiến bộ trong hợp tác về đa dạng sinh học, kinh tế tuần hoàn (đặc biệt trong ngành công nghiệp ô tô và bao bì), và các nỗ lực chung nhằm đạt được một thỏa thuận toàn cầu ràng buộc pháp lý về ô nhiễm nhựa. Hai bên cũng đang phối hợp chặt chẽ để đưa ra các Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) đầy tham vọng cho các mục tiêu khí hậu toàn cầu, liên kết Chiến lược thỏa thuận Xanh của EU và Chiến lược chuyển đổi Xanh (GX) của Nhật Bản.
Sự hợp tác này còn mang một tham vọng lớn hơn: tạo ra một "Hiệu ứng Brussels-Tokyo." Bằng cách hài hòa các quy định và tiêu chuẩn trong các lĩnh vực như AI, dòng dữ liệu và sản phẩm xanh, EU và Nhật Bản đang cố gắng tạo ra một thị trường chung khổng lồ (với 600 triệu dân và chiếm 30% GDP toàn cầu) hoạt động theo các quy tắc của họ. Đây là một hình thức thực thi quyền lực mềm một cách tinh vi, nhằm thiết lập một mô hình quản trị toàn cầu dựa trên quy tắc, có thể cạnh tranh với các mô hình khác.
Rào cản phía trước
Mặc dù có sự hội tụ chiến lược mạnh mẽ, việc thực hiện các cam kết sẽ không dễ dàng. Các thách thức chính bao gồm sự khác biệt trong môi trường pháp lý, sự phức tạp của việc hài hòa các tiêu chuẩn kỹ thuật và sức ỳ của bộ máy hành chính ở cả hai bên. Một mối lo ngại lịch sử là các tuyên bố chung đầy tham vọng đôi khi không được chuyển thành hành động cụ thể và kịp thời.
Hơn nữa, việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực nhạy cảm như khoáng sản hiếm có thể dẫn đến các biện pháp trả đũa kinh tế từ các đối thủ cạnh tranh. Việc duy trì sự ủng hộ chính trị trong nước qua các chu kỳ bầu cử cũng là một yếu tố không chắc chắn cần được quản lý.
Câu hỏi cuối cùng là liệu mối quan hệ đối tác được tăng cường này có thể phát triển thành một trục chiến lược thực sự, có khả năng định hình trật tự toàn cầu hay không. Tiềm năng là rất lớn.
Các học giả nghiên cứu chính sách hàng đầu đều nhấn mạnh rằng hợp tác EU-Nhật Bản là một sự cần thiết để định hướng trong thời kỳ biến động hiện nay. Mối quan hệ này được xây dựng trên sự bổ sung cho nhau một cách hài hòa khi thế mạnh của EU trong việc thiết lập triết lý và quy tắc, kết hợp với thế mạnh của Nhật Bản trong việc ứng biến để phù hợp với tình hình thực tiễn.
Ảnh minh họa. (Nguồn: EC)
Sự nổi lên của trục Brussels-Tokyo có thể đại diện cho bước phát triển của khái niệm "cường quốc tầm trung" trong thế kỷ 21. Thay vì hành động đơn lẻ và bị kẹp giữa các siêu cường, EU và Nhật Bản đang hợp lực để tạo ra một khối có trọng lượng tương đương, có khả năng định hình các quy tắc và cân bằng ảnh hưởng của cả Mỹ và Trung Quốc.
Bằng cách kết hợp sức mạnh kinh tế, công nghệ và quy chuẩn, họ đang tạo ra một "trung tâm quyền lực" thứ ba. Điều này cho phép cả hai bên theo đuổi "quyền tự chủ chiến lược," không phải bằng cách cô lập, mà bằng cách đa dạng hóa quan hệ đối tác và tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau với các đối tác đáng tin cậy./.
(TTXVN/Vietnam+)