Quốc kỳ Việt Nam và Kazakhstan. (Nguồn: Vietnam+)
Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan Kassym-Jormat Tokayev, Tổng thống Cộng hòa Azerbaijan Ilham Aliyev, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin và Tổng thống Cộng hòa Belarus Aleksandr Lukashenko, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Kazakhstan, thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Azerbaijan, thăm chính thức Liên bang Nga và dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Belarus từ ngày 5 đến ngày 12/5/2025.
Kazakhstan là chặng dừng chân đầu tiên của Tổng Bí thư Tô Lâm trong chuyến thăm các nước châu Âu lần này (từ ngày 5 đến 7/5/5025).
Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước Kazakhstan đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt nước ta trong 13 năm qua và lần đầu tiên ở cấp Tổng Bí thư của Việt Nam đi thăm Kazakhstan.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Kazakhstan phát triển tích cực. Chuyến thăm góp phần đẩy mạnh phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Kazakhstan trên nhiều lĩnh vực.
Quan hệ chính trị-ngoại giao phát triển tốt đẹp
Việt Nam và Cộng hòa Kazakhstan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 29/6/1992. Từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước liên tục được củng cố và phát triển.
Tháng 7/2008, Đại sứ quán Việt Nam tại Kazakhstan chính thức hoạt động. Ngày 30/3/2015, Kazakhstan mở Đại sứ quán tại Việt Nam.
Hai nước đã thực hiện các cuộc trao đổi Đoàn cấp cao. Về phía Việt Nam, có các chuyến thăm Kazakhstan của: Thủ tướng Võ Văn Kiệt (tháng 6/1994); Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (tháng 9/2009); Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 4/2012); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm và dự Lễ ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (tháng 5/2015); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (tháng 10/2017); Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 về Phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA-6) do Kazakhstan tổ chức (tháng 10/2022); Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thăm làm việc (tháng 9/2023); Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev nhân dịp tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng tại Kazan (Liên bang Nga) (ngày 23/10/2024); Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng thăm làm việc Kazakhstan (tháng 11/2024)…
Về phía Kazakhstan, có các chuyến thăm Việt Nam của: Tổng thống Nursultan Nazarbayev (tháng 10/2011); Chủ tịch Hạ viện Zhakupov Kabibolla Kabenovich và tham dự Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Hà Nội (tháng 3/2015); Chủ tịch Hạ viện Nurlan Nigmatulin (tháng 11/2019); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Mukhtar Tileuberdi (tháng 8/2022); Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev thăm chính thức (tháng 8/2023)…
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev thăm chính thức Việt Nam chiều 21/8/2023, tại Hà Nội. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Hai nước duy trì các cơ chế hợp tác hiện có như: Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao (đã tiến hành tham vấn trực tiếp vào các năm 2005; 2007; 2009; 2011; 2012; 2017; tháng 11/2020 dưới hình thức trực tuyến) và Vụ trưởng Vụ khu vực (tháng 6/2013); cơ chế họp luân phiên Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam-Kazakhstan về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật, gần đây nhất là kỳ họp thứ 11 tổ chức tại Kazakhstan vào tháng 5/2024.
Hai nước phối hợp chặt tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc. Kazakhstan đã ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Hội đồng Chấp hành UNESCO và Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026. Việt Nam đã ủng hộ Kazakhstan vào Nhóm Viễn Đông thuộc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA)…
Hợp tác kinh tế-thương mại duy trì đà tăng trưởng tích cực
Kazakhstan hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam trong Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) (sau Nga). Ngược lại trong ASEAN, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Kazakhstan (sau Singapore).
Kim ngạch thương mại song phương đạt 349,2 triệu USD (năm 2020); 622,8 triệu USD (năm 2021); 584 triệu USD (năm 2022); năm 2023 đạt 401,8 triệu USD; năm 2024 đạt 800 triệu USD (tăng 99% so với cùng kỳ).
Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Kazakhstan các mặt hàng như điện thoại và linh kiện, máy móc, thiết bị, máy vi tính, hàng điện tử, nông sản (gạo, hạt điều, hạt tiêu), hải sản, rau quả đóng hộp, quần áo, giày dép; và nhập khẩu từ Kazakhstan các nguyên liệu thô như chì, kẽm chưa qua chế biến, sắt, thép không gỉ, các sản phẩm từ kim loại màu.
Chủ tịch nước Tô Lâm (nay là Tổng Bí thư Tô Lâm) tiếp Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Kanat Tumysh chiều 16/7/2024. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Theo Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Kanat Tumysh, hai nước đều là thành viên của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), hiệu lực từ tháng 10/2016, nên có nhiều lợi thế để hợp tác kinh tế-thương mại. Ví dụ, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng cường cung cấp rau quả cho thị trường Trung Á rộng lớn thông qua Kazakhstan bởi có đến gần nửa năm trong một năm là mùa Đông khắc nghiệt nên rất khó để trồng trọt tại khu vực này.
Ngược lại, Kazakhstan có thể đem đến nguồn thịt bò, thịt cừu vốn có giá cao tại Việt Nam, nhưng lại khá dồi dào và giá thành thấp hơn ở Kazakhstan. Điều đó còn có thể thực hiện dễ dàng hơn nếu tuyến vận chuyển đường sắt, có tên là “Hành lang giữa” được hình thành, kết nối Việt Nam với Trung Quốc, Kazakhstan, Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ và đến các nước châu Âu.
Ngoài ra, thông qua Kazakhstan, Việt Nam còn có thể thúc đẩy hơn nữa hợp với Liên minh Kinh tế Á-Âu, khai mở hợp tác kinh tế, giao thông vận tải khu vực Trung Á, qua đó tiếp cận thị trường châu Âu.
Về đầu tư, Kazakhstan có 6 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký khoảng hơn 500.000 USD. Trong khi Việt Nam có 2 doanh nghiệp sản xuất mỳ ăn liền do người Việt Nam làm chủ tại Kazakhstan.
Hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực văn hóa, du lịch, giáo dục-đào tạo, giao thông vận tải, năng lượng, hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân cũng luôn được duy trì và củng cố.
Về hợp tác du lịch, từ tháng 9/2019, Kazakhstan đã áp dụng quy chế miễn thị thực đơn phương cho công dân Việt Nam trong thời hạn 30 ngày. Hai bên đã khai thác chuyến bay thẳng chính thức đầu tiên vào tháng 11/2022 và ngày càng mở nhiều chuyến bay thẳng kết nối các thành phố du lịch nổi tiếng của hai nước.
Tặng hoa, quà cho các hành khách đầu tiên đến Đà Nẵng trên đường bay trực tiếp từ Kazakhstan trưa 2/4/2025. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Lượng khách du lịch của Kazakhstan đến Việt Nam tăng mạnh: năm 2023 là hơn 62.500 lượt, năm 2024 là 150.000 lượt khách du lịch.
Về hợp tác giáo dục, hai bên đã ký Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực giáo dục (ngày 15/9/2009). Hằng năm, hai bên trao đổi trên cơ sở tương đương 3 học bổng đại học.
Về hợp tác văn hóa, hai bên đã tổ chức Những Ngày Văn hóa trên lãnh thổ của nhau (tháng 9/2012 và tháng 6/2013); Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Ngày Việt Nam tại Kazakhstan (tháng 8/2017) trong khuôn khổ EXPO-2017 Astana; Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam sang Kazakhstan giao lưu kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (nhân chuyến tham dự cuộc thi âm nhạc quốc tế tổ chức tại Kazakhstan từ ngày 15 đến 25/6/2017).
Năm 2021, Đại sứ quán Kazakhstan cũng đã tổ chức Những ngày phim Kazakhstan tại Đà Nẵng. Năm 2023 hai nước triển khai công tác trao đổi giảng viên chuyên ngành âm nhạc…
Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, Kazakhstan mong muốn phối hợp với các nhà khoa học Việt Nam cũng như các nước châu Á khác tìm hiểu về lịch sử, nguồn gốc, sự giao thoa giữa các dân tộc, nền văn hóa châu Á.
Cộng đồng người Việt ở Kazakhstan hiện có khoảng 50 người, phần lớn có thẻ định cư, làm ăn sinh sống ổn định. Một số lượng nhỏ người Việt là du học sinh và giảng viên đại học sang giảng dạy theo hợp đồng có thời hạn.
Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Cộng hòa Kazakhstan lần này của Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thể hiện sự coi trọng và chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện với các quốc gia bạn bè truyền thống tại khu vực Trung Á, Nam Kavkaz và Đông Âu, trong đó có Kazakhstan.
Chuyến thăm góp phần thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực, mở ra các cơ hội hợp tác mới và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa Việt Nam và Kazakhstan./.
(TTXVN/Vietnam+)