Quan hệ Nga - CHDCND Triều Tiên và an ninh khu vực

Quan hệ Nga - CHDCND Triều Tiên và an ninh khu vực
5 giờ trướcBài gốc
Cuối tháng 7 vừa qua, Nga đã đề nghị viện trợ nhân đạo để giúp CHDCND Triều Tiên ứng phó với ảnh hưởng của bão lũ, gây thiệt hại cho hơn 4.000 ngôi nhà ở khu vực biên giới của nước này với Trung Quốc.
Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện
Nội dung thỏa thuận Đối tác Chiến lược Toàn diện cho thấy hai bên đang nỗ lực xây dựng cơ sở cho mối quan hệ đa phương lâu dài trên các lĩnh vực hợp tác là quân sự, kinh tế và chính trị. Ví dụ, hai bên đã cam kết hướng tới sự ổn định chiến lược toàn cầu cũng như thiết lập một trật tự quốc tế mới công bằng và bình đẳng (Điều 2), tăng khối lượng thương mại và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác kinh tế (Điều 8), đồng thời mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, bao gồm không gian, trí tuệ nhân tạo và công nghệ thông tin (Điều 10).
Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un tại lễ đón chính thức ở Bình Nhưỡng, ngày 19/6/2024.
Thỏa thuận mới cũng bao gồm điều khoản về phòng thủ chung, giúp Bình Nhưỡng có thêm lớp bảo vệ để chống lại các mối đe dọa tiềm tàng từ các đối thủ mạnh. Theo Điều 4 của thỏa thuận Đối tác Chiến lược Toàn diện này, trong trường hợp một trong hai bên rơi vào tình trạng chiến tranh, bên còn lại sẽ nhanh chóng cung cấp hỗ trợ quân sự và với Điều 1 của Hiệp ước năm 1961 giữa Liên Xô và CHDCND Triều Tiên, được kí trong Chiến tranh Lạnh. Phạm vi và ý nghĩa của điều khoản này không thực sự rõ ràng, nhưng trên thực tế, hiệp định sẽ chính thức hóa khả năng can dự quân sự của Nga vào Bán đảo Triều Tiên và là nguyên nhân gây lo ngại cho nhiều quốc gia.
Khi Nga và CHDCND Triều Tiên đều đang phải đối mặt với sự cô lập và các lệnh trừng phạt quốc tế, thì hai nước càng có nhiều lý do để tăng cường quan hệ đối tác. Nga ngày càng phụ thuộc vào đạn dược từ bên ngoài. Cuộc chiến ở Ukraine là cuộc chiến tiêu hao, mà trong đó quân đội Nga và Ukraine cố gắng đánh bại nhau bằng hỏa lực và giao tranh dữ dội hằng ngày. Điều này có nghĩa là một nguồn cung ổn định sẽ giúp Nga duy trì lợi thế và kéo dài cuộc chiến hơn. Cả Moscow và Bình Nhưỡng đều phủ nhận việc hỗ trợ đạn dược giữa hai bên.
Trang Stars và Stripes đưa tin rằng trong phiên điều trần xác nhận vị tướng lục quân được đề cử chỉ huy lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, Thượng nghị sĩ Mark Kelly (đại diện bang Arizona) cho biết CHDCND Triều Tiên đã gửi hơn 16.000 thùng đạn cho Nga. Do đó, ngày 16/5, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với các cá nhân và tổ chức ở Nga có liên quan đến việc chuyển giao vũ khí giữa hai nước. Hiệp định Đối tác Chiến lược Toàn diện hiện đã chính thức thỏa thuận cho phép Nga tiếp tục được tiếp cận nguồn cung vũ khí cũng như đạn dược giá rẻ và dồi dào của CHDCND Triều Tiên.
Đối với Bình Nhưỡng, việc Nga mua vũ khí sẽ mang lại cho họ những khoản thanh toán có giá trị, bao gồm tiền mặt và thực phẩm, vốn đều rất quan trọng đối với sự tồn tại của bất cứ quốc gia nào. Nó cũng cung cấp cho CHDCND Triều Tiên cơ hội hiếm có để thử nghiệm vũ khí của họ trên chiến trường, điều khiến Hàn Quốc đặc biệt lo ngại. Hơn nữa, Mỹ và đồng minh rất quan ngại về khả năng chuyển giao vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) tân tiến hoặc công nghệ liên quan đến tên lửa đạn đạo từ Nga sang CHDCND Triều Tiên để đổi lấy nguồn cung vũ khí cho cuộc chiến hiện tại.
Và vấn đề an ninh khu vực
Sau hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Triều Tiên, Hàn Quốc cùng đồng minh đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc. Điều này đặc biệt đáng chú ý vì quan hệ giữa Nga và Hàn Quốc đã xấu đi nhiều trong những năm qua, bắt đầu từ việc Hàn Quốc tham gia trừng phạt Nga vì cuộc chiến ở Ukraine.
Ngay sau hội nghị đó, Cố vấn An ninh quốc gia Hàn Quốc Chang Ho Jin tuyên bố Hàn Quốc sẽ xem xét việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Tổng thống Nga Putin ngay lập tức đáp lại rằng đây sẽ là một sai lầm lớn. Ngoài ra, ngày 25/6, trong bài phát biểu kỷ niệm 74 năm ngày Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã tuyên bố rằng hiệp định mới giữa CHDCND Triều Tiên và Nga là sự vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và là hành động lỗi thời. Do vậy, bất kỳ quyết định nào của Hàn Quốc về việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine hay của Nga về việc cung cấp công nghệ liên quan đến WMD hoặc tên lửa đạn đạo cho CHDCND Triều Tiên sẽ chỉ khiến Hàn Quốc và Nga ngày càng xa cách nhau.
Một vấn đề nữa, là khi Nga và CHDCND Triều Tiên củng cố quan hệ, sự tham gia và ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình động lực của khu vực. Nga và CHDCND Triều Tiên là đối tác chiến lược gần gũi nhất và là đồng minh lâu năm của Trung Quốc. Bất chấp khả năng tăng cường hợp tác kinh tế giữa Moscow và Bình Nhưỡng, Trung Quốc vẫn giữ vai trò quan trọng không thể thay đổi với nền kinh tế của cả hai nước. Theo Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia (KOSIS) thuộc Cơ quan thống kê Hàn Quốc, Trung Quốc thường chiếm hơn 95% ngoại thương của CHDCND Triều Tiên và đạt 98% vào năm 2023. Trung Quốc vẫn sẽ muốn đảm bảo rằng họ có ảnh hưởng lớn nhất đối với các chính sách đối ngoại của Bình Nhưỡng.
Quan hệ đối tác đang phát triển giữa Nga và CHDCND Triều Tiên khó có thể khiến Trung Quốc bị gạt sang một bên. Thay vào đó, nó còn tạo điều kiện cho sự hợp tác 3 bên trong việc theo đuổi các lợi ích chiến lược chung. Trong trường hợp này, tam giác Nga - Trung - Triều sẽ có tác động nhất định tới tình hình an ninh địa chính trị của khu vực, với các cường quốc trong khu vực và có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Huy Thông
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/quan-he-nga-chdcnd-trieu-tien-va-an-ninh-khu-vuc-i751307/