Vận chuyển hàng hóa tại cảng Pasir Panjang ở Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN
Số liệu thống kê của Cơ quan Quản lý doanh nghiệp Singapore cho thấy sau 6 tháng đầu năm, Việt Nam tiếp tục duy trì được vị trí thứ 10 trong số các đối tác thương mại của Singapore với tổng giá trị trao đổi song phương đạt 19,5 tỷ SGD, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó Singapore xuất khẩu sang Việt Nam 13,9 tỷ SGD (tăng 24,4%) và nhập khẩu từ Việt Nam 5,5 tỷ SGD (tăng 40,1%).
Số liệu thống kê cho thấy riêng trong tháng 6/2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Singapore với Việt Nam đạt 3,2 tỷ SGD, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó xuất khẩu của Singapore tới Việt Nam đạt 2,2 tỷ SGD, tăng 22,8%, và nhập khẩu từ Việt Nam đạt 993,6 triệu SGD, tăng 51,9%. Trong xuất khẩu hàng hóa của Singapore, giá trị xuất khẩu sản phẩm sản xuất nội địa đến Việt Nam đạt 608,5 triệu SGD, tăng 26,3%, giá trị tạm nhập tái xuất (trung chuyển) sang Việt Nam đạt 1,6 tỷ SGD, tăng 21,5%.
Sau 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí đối tác thương mại thứ 10 của Singapore. Trong xuất khẩu hàng hóa của Singapore, giá trị xuất khẩu sản phẩm sản xuất nội địa đến Việt Nam đạt gần 3,9 tỷ SGD, tăng 13,4%, giá trị tạm nhập tái xuất (trung chuyển) sang Việt Nam đạt 10,1 tỷ SGD, tăng 29,2%. Singapore đang là nước xuất siêu với giá trị xuất siêu sang Việt Nam đạt 8,4 tỷ SGD, tăng 15,9% so với cùng kỳ 2024.
Về xuất khẩu, số liệu thống kê cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2025, hai nhóm hàng là HS 85 (máy móc và thiết bị điện và linh kiện) và HS 27 (nhiên liệu, dầu mỏ và sản phẩm chưng cất; các chất chứa bi-tum; các loại sáp khoáng chất) tiếp tục là hai nhóm hàng hóa xuất khẩu thứ nhất và thứ hai của Singapore tới Việt Nam. Tổng giá trị xuất khẩu của hai nhóm này đạt 9,5 tỷ SGD, chiếm đến 68,3% tổng giá trị xuất khẩu của Singapore sang Việt Nam. Hai nhóm này cũng đang chứng kiến mức tăng trưởng khá, cụ thể: nhóm HS 85 có giá trị xuất khẩu tới Việt Nam đạt 7,2 tỷ SGD, tăng 30,1% so với cùng kỳ năm 2024, trong khi nhóm HS 27 đạt 2,3 tỷ SGD, tăng 24,7%.
Tuy cùng chiếm tỷ trọng cao, nhưng bản chất xuất khẩu của Singapore đối với hai nhóm này tới Việt Nam có sự khác biệt khá rõ rệt. Nếu như nhóm HS 85 có tỷ lệ tạm nhập tái xuất từ nước thứ ba đến 97,4%, thì nhóm HS 27 lại chủ yếu được sản xuất trong nước tại Singapore, với tỷ lệ của giá trị nội địa trong xuất khẩu sang Việt Nam chiếm đến 98,9%.
Ngoài hai nhóm nêu trên, trong Top 15 các nhóm hàng xuất khẩu chính của Singapore tới Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 có một số nhóm hàng khác đáng chú ý với giá trị xuất khẩu khá hoặc tăng trưởng ấn tượng, như nhóm HS 84 (lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi, máy và thiết bị cơ khí và linh kiện), đạt 1,1 tỷ SGD, tăng 65,1%; HS 39 (nhựa và sản phẩm từ nhựa), đạt 535,4 triệu SGD, tăng 6,0%; và HS 33 (tinh dầu, nước hoa, mỹ phẩm hoặc chế phẩm vệ sinh), đạt 296,5 triệu SGD, giảm 10,7%.
Về nhập khẩu, số liệu thống kê của Cơ quan Quản lý doanh nghiệp Singapore cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2025, nhóm HS 85 tiếp tục là nhóm hàng hóa có giá trị nhập khẩu cao nhất mà Singapore nhập khẩu từ Việt Nam, đạt 2,7 tỷ SGD, tăng 80,7% so với cùng kỳ năm 2024 và chiếm đến 49,8% tổng giá trị nhập khẩu của Singapore từ Việt Nam. Đứng thứ hai và thứ ba về giá trị nhập khẩu của Singapore từ Việt Nam lần lượt là các nhóm HS 84, đạt 1,2 tỷ SGD, tăng 80,9%; và HS 70 (thủy tinh và sản phẩm bằng thủy tinh), đạt 430,5 triệu SGD, tăng 16,8%.
Ngoài ra, các nhóm còn lại trong Top 15 nhóm hàng nhập khẩu chính của Singapore từ Việt Nam hầu hết đều ghi nhận tăng trưởng âm so với cùng kỳ 2024, duy chỉ có ba nhóm ghi nhận tăng trưởng dương là HS 90 (dụng cụ và thiết bị quang học/nhiếp ảnh/điện ảnh/đo lường chính xác/kiểm tra y tế hoặc phẫu thuật và bộ phận/phụ kiện), đạt 59,5 triệu SGD, tăng 69,6%; HS 03 (cá và động vật giáp xác/thân mềm/thủy sinh không xương sống khác), đạt 57,2 triệu SGD, tăng 10,8%; và HS 71 (ngọc trai tự nhiên hoặc nuôi cấy, đá quý hoặc đá bán quý, kim loại quý, kim loại được dát phủ kim loại quý và sản phẩm; đồ trang sức làm bằng chất liệu khác; tiền kim loại), đạt 27 triệu SGD, tăng 184,6%.
Theo ông Cao Xuân Thắng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Singapore, việc Việt Nam duy trì được vị trí là một trong những đối tác hàng đầu của Singapore đã củng cố thêm mối liên kết kinh tế ngày càng sâu sắc và là nền tảng để cộng đồng doanh nghiệp khai thác cơ hội hợp tác mới từ những xu hướng đầu tư kinh doanh trong khu vực mà cả hai bên cùng quan tâm, như liên kết các chuỗi sản xuất - cung ứng, thâm nhập thị trường halal và các dự án xanh - số.
Đỗ Vân (TTXVN)