Quan hệ Việt Nam-Pháp còn nhiều tiềm năng để phát triển

Quan hệ Việt Nam-Pháp còn nhiều tiềm năng để phát triển
2 giờ trướcBài gốc
Cột mốc mới trong quan hệ Việt Nam - Pháp
Theo nhận định của Đại sứ Olivier Brochet, chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hết sức thành công. Nhấn mạnh rằng, sau 22 năm mới có một nguyên thủ Việt Nam tới thăm Pháp, đặc biệt Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng là lãnh đạo duy nhất có chuyến thăm song phương bên lề Hội nghị cấp cao Pháp ngữ, Đại sứ Olivier Brochet nói: "Phía Pháp rất đề cao chuyến thăm này, với chương trình thăm, trong đó có lễ đón chính thức, họp báo và hội đàm.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đến thăm công viên Montreau (thành phố Montreuil) - nơi có tượng và khu tưởng niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoàn cũng đến thăm thành phố Sainte-Adresse - nơi Người từng sống trong vòng 1 năm để khánh thành biển kỷ niệm mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo Đại sứ Olivier Brochet, hành trình về những địa danh này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho thấy yếu tố lịch sử, sự đặc thù trong quan hệ Pháp và Việt Nam.
Đại sứ Olivier Brochet cũng chia sẻ thêm rằng, trong các cuộc tiếp xúc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với lãnh đạo cấp cao của Pháp ở Paris cũng như với nguyên Thủ tướng Pháp, Thị trưởng thành phố Le Harve Edouard Philippe, phía Pháp nhận thấy rõ sự tin cậy lẫn nhau giữa hai quốc gia. Mong muốn hợp tác hướng đến tương lai như là một hệ quả rất tự nhiên. Sự tin tưởng đó chính là nền tảng quan trọng để hai bên nhất trí tuyên bố nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Đại sứ Olivier Brochet khẳng định, với bước tiến mới này, Pháp đã trở thành nước thứ 4 trong 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là quốc gia thứ 8 trên thế giới mà Việt Nam thiết lập quan hệ ở mức cao nhất. Bảy nước trước đó gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Australia.
Một mối quan hệ lâu dài, từ truyền thống đến hiện đại
Đại sứ Olivier Brochet cũng chia sẻ thêm rằng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngay từ đầu đã bày tỏ sự tán thành với những ý kiến mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mới đây phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Việt Nam đóng vai trò quan trọng tại ASEAN, không chỉ bởi diện tích, dân số, sự năng động của nền kinh tế, mà còn vì Việt Nam là một trong những quốc gia hiểu rõ nhất về giá trị của hòa bình và về sự cần thiết phải bảo đảm hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Trong khi đó, với tư cách là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Pháp đang tham gia rất tích cực vào các chính sách toàn cầu để góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định trên thế giới. Pháp đánh giá cao quan điểm của Việt Nam trong các vấn đề toàn cầu như giải quyết xung đột ở Ukraine, Trung Đông… bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế. Đây chính là nền tảng để hai nước Việt Nam và Pháp tăng cường hợp tác với nhau.
Ngoài ra, Việt Nam là nhân tố quan trọng trong Cộng đồng Pháp ngữ. Pháp đánh giá cao vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam tại các cơ quan của Pháp ngữ. Nhờ những nỗ lực của Việt Nam mà phong trào Pháp ngữ phát triển mạnh mẽ tại khu vực châu Á.
Theo Đại sứ Olivier Brochet, việc hai nước nâng cấp quan hệ hai nước đã mở ra những cơ hội để hai nước phát huy những tiềm năng hợp tác sẵn có trong một loạt các lĩnh vực khác nhau. Một trong những lĩnh vực quan trọng mà hai nước cần tập trung thời gian tới là hợp tác quốc phòng - an ninh, giao thông, năng lượng, đổi mới sáng tạo, giáo dục... Pháp cũng luôn coi giáo dục và đào tạo là mục tiêu ưu tiên trong hợp tác tại Việt Nam, tập trung vào việc giảng dạy và phát triển tiếng Pháp, đào tạo nguồn nhân lực.
Trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, nhiều đối tác Pháp đã liên hệ hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam, góp phần tạo kết nối mạnh mẽ giữa các khu công nghệ cao của Việt Nam. Phía Pháp cũng quan tâm nhiều đến các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam.
Pháp cũng mong muốn hợp tác với Việt Nam trong giao thông. Đại sứ Olivier Brochet nhấn mạnh, Pháp có thể hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ thống đường sắt, cảng biển, cũng như tiếp tục thúc đẩy hợp tác về hàng không.
Về chống biến đổi khí hậu, Đại sứ Olivier Brochet cho biết, Pháp đánh giá cao việc Việt Nam đặt mức trung hòa carbon bằng 0 vào năm 2050. Ở lĩnh vực này, theo Đại sứ Olivier Brochet, Pháp có rất nhiều công nghệ, cũng có rất nhiều doanh nghiệp lớn có thể đồng hành chia sẻ cùng Việt Nam trong quá trình phát triển bền vững và hiện thực hóa mục tiêu trên. Việc hai nước nâng cấp quan hệ sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp Pháp hợp tác chặt chẽ với các đối tác Việt Nam, góp phần thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư trong lĩnh vực này.
Sông Thương-Minh Thư
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/quan-he-viet-nam-phap-con-nhieu-tiem-nang-de-phat-trien-i747030/