Đây là nhận định của ông Ivo Siber, nguyên Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Geneva nhân dịp Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 6 tại Thụy Sĩ, tiến hành các hoạt động song phương tại đây.
Theo ông Siber, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1971 và đặc biệt trong vài thập kỷ trở lại đây, quan hệ Thụy Sĩ - Việt Nam đã không ngừng phát triển. Hợp tác về phát triển và kinh tế là những động lực chính thúc đẩy quan hệ song phương kể từ đầu những năm 1990 và sẽ được tiếp tục triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới.
Cũng theo ông Siber, Thụy Sĩ đã rất tích cực ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và điều này đã mở ra những cơ hội mới cho cả Việt Nam lẫn các công ty của Thụy Sĩ. Sự hiện diện của các doanh nghiệp Thụy Sĩ tại Việt Nam với các khoản đầu tư trực tiếp đến nay đã lên tới hơn 2 tỷ USD là minh chứng cho điều này.
Bên cạnh đó, quan hệ giữa hai nước còn được mở rộng trên các lĩnh vực giao lưu văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân và trong cả lĩnh vực chính trị. Thụy Sĩ đã mở Tổng Lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí Minh cách đây đúng 10 năm và hai nước thường xuyên tổ chức tham vấn chính trị kể từ năm 2011.
Với nền tảng quan hệ vững chắc như trên, việc Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 6 tại Thụy Sĩ và tiến hành các hoạt động song phương tại nước này, cũng như việc Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis gần đây đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 58 và các hội nghị liên quan tại Malaysia đã củng cố hơn nữa mối quan hệ Việt Nam - Thụy Sĩ.
Ông Siber tin tưởng các cuộc tiếp xúc cấp cao này sẽ tạo động lực mới cho các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đang diễn ra giữa Việt Nam và các nước thành viên Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA), trong đó có Thụy Sĩ. EFTA là khối thương mại lớn thứ 10 về hàng hóa và lớn thứ 7 về thương mại dịch vụ.
Ông Siber cho rằng thành công của Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh châu Âu (EU) - Việt Nam (EVFTA) năm 2020 là minh chứng cho thấy tiềm năng của các thỏa thuận lớn trong việc tăng cường quan hệ, không chỉ trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.
Cũng theo nguyên Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam, vòng đàm phán chính thức tiếp theo giữa EFTA và Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 9 tại Geneva. Hiện tại, các phái đoàn nghị viện thành viên EFTA (gồm Thụy Sĩ, Liechtenstein, Na Uy và Iceland) cũng đang trao đổi với các đồng nghiệp tại Quốc hội Việt Nam để chuẩn bị cho chuyến thăm đến Việt Nam dự kiến vào mùa Xuân năm sau.
Ông Siber cho rằng, trong bối cảnh gián đoạn hệ thống thương mại quốc tế gần đây, việc EFTA và Việt Nam sớm kết thúc đàm phán sẽ mang lại động lực cho dòng chảy thương mại và đầu tư song phương. Ông cũng cho biết hiện Thụy Sĩ đã ký kết FTA với các nước ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines.
Với những lợi ích chung mà Việt Nam và Thụy Sĩ có được cũng như cam kết của Thụy Sĩ đối với hợp tác quốc tế và pháp quyền, hai nước đang đi đúng hướng trong việc tạo ra những kết quả cùng có lợi, vượt ra ngoài phạm vi hạn hẹp của một FTA.
Thụy Sĩ đang định hình quan hệ quốc tế thông qua các biện pháp cởi mở, công bằng và có thể dự đoán được để hướng tới các kết quả cùng có lợi. Nước này cũng giữ nguyên tắc và định hướng quan hệ đối ngoại theo hướng trung lập, đoàn kết, độc lập và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Ngoài ra, nước này luôn cam kết hành động vì hòa bình và nhân quyền, cũng như thúc đẩy hợp tác đa phương. Vì thế, Thụy Sĩ sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của mình với các nước có cùng mong muốn thúc đẩy hợp tác và phát triển, bất kể những xa cách về địa lý, khác biệt về lịch sử, đa dạng về văn hóa, kinh tế, xã hội, chính trị...
Cựu Đại sứ Siber cho rằng thông qua đối thoại và việc tìm hiểu, xác định các giá trị chung để có thể thúc đẩy hợp tác vì sự tiến bộ, chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đến Thụy Sĩ lần này và việc tái khởi động đàm phán FTA giữa EFTA và Việt Nam sẽ là những cú hích cụ thể. Bên cạnh đó là những động lực khác có được từ sự hợp tác trong khuôn khổ ASEAN, Liên hợp quốc, các diễn đàn đa phương khác và những hoạt động tại Diễn đàn Kinh tế Thụy Sĩ-Việt Nam (SVEF).
Anh Hiển (TTXVN)