PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, Việt Nam và Pháp đã thiết lập quan hệ ngoại giao trong hơn 50 năm, và năm nay đánh dấu tròn 1 năm nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Có thể nói, đây là một dấu mốc quan trọng, khi chúng ta đã đi từ cựu thù để thành bạn, xóa bỏ những vướng mắc trong quá khứ. Ông đánh giá thế nào về mối quan hệ này?
Đại sứ OLIVIER BROCHET: - Tôi nghĩ rằng cả phía Việt Nam lẫn phía Pháp đều có cách nhìn chung về quá khứ, về lịch sử hai nước, nhưng chúng ta cùng có một điểm giống nhau: đó là đều nhìn nhận lịch sử một cách bình tâm, khách quan, toàn vẹn, trên cơ sở đó rút ra những bài học và từ đó chúng ta cùng hướng đến tương lai.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam OLIVIER BROCHET
Minh chứng cho điều tôi vừa nói là vào tháng 5-2024, ngài Sébastien Lecornu, Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp đã sang thăm Việt Nam và dự Lễ kỷ niệm 70 năm trận chiến ở Điện Biên Phủ. Điều đó là minh chứng rõ ràng cho thấy hai nước chúng ta đã cùng nhau nhìn lại quá khứ, lịch sử chung - ở thời điểm khó khăn nhất - vượt qua những rào cản quá khứ mà hai nước chúng ta từng đã trải qua để cùng nhau hợp tác và hướng đến tương lai tốt đẹp.
Có thể nói, ở góc độ nào đó, chính quá khứ và lịch sử, lại chính là thế mạnh trong quan hệ song phương giữa hai nước chúng ta, không chỉ là mối quan hệ giữa người dân hai nước rất phong phú và đa dạng mà hai nước chúng ta đều đánh giá cao lẫn nhau và mong muốn được hợp tác với nhau.
Không phải ngẫu nhiên mà Pháp là nước phương Tây đầu tiên đã đến và đồng hành cùng với Việt Nam ngay từ đầu những năm 1990, khi Việt Nam đang trong những năm đầu của sự nghiệp Đổi mới. Thời điểm ấy, Pháp đã thực hiện nhiều dự án tại Việt Nam.
Nhưng trong bối cảnh hiện tại, thực sự tôi không biết có nên gọi Pháp và Việt Nam từng là những cựu thù của nhau hay không. Bởi quan hệ của hai nước chúng ta đã tiến rất xa, tôi rất lạc quan về mối quan hệ song phương tốt đẹp này. Thêm nữa, các thế kỷ trước đó cũng là giai đoạn thực dân của Pháp cũng như một số nước khi ấy cũng vậy, đã triển khai trên phạm vi toàn thế giới.
Việt Nam đã trải qua những giai đoạn lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc rất khó khăn và cũng đã chịu rất nhiều đau thương, mất mát, và cuối cùng lẽ phải - Việt Nam đã chiến thắng. Mặc dù trong bối cảnh của chủ nghĩa thực dân trên thế giới lúc đó như vậy, nhưng nó cũng có thể xem là cơ hội, là dịp mà người dân hai nước có cơ hội để tiếp xúc với nhau. Trên cơ sở đó đã tạo nên sự giao thoa văn hóa giữa hai bên và cũng tạo nên những quan hệ tốt đẹp giữa người dân hai nước.
Điểm lại một chút để nói rằng đó là đặc thù của mối quan hệ hai nước chúng ta, và các nhà lãnh đạo Việt Nam đã rất có lý khi nói rằng hai nước chúng ta có một lịch sử chung với cả những nốt thăng lẫn nốt trầm.
Điều đó hàm ý cho thấy Pháp - Việt rất thấu hiểu nhau, không chỉ trong mối quan hệ ở phương diện những người làm chính trị mà giữa những người dân hai nước với nhau, so với nhiều quốc gia khác trên thế giới, có thể nói đó là lợi thế cho mối quan hệ song phương giữa Pháp và Việt Nam.
Điều này cũng có nghĩa là từ trước khi thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, thì mối quan hệ giữa người Pháp và người Việt đã tồn tại mà mang tính liên tục.
- Ông đánh giá thế nào về mối quan hệ Việt Nam Pháp hiện nay? Những dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước mà ông ấn tượng là gì?
- Tháng 10-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có chuyến thăm chính thức đến Pháp. Đây là lần đầu tiên sau 22 năm, một nguyên thủ Việt Nam đã tới thăm Pháp. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai nước đã nâng cấp mối quan hệ ngoại giao song phương.
Giờ đây, khi Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, phía Pháp mong muốn tiếp tục đồng hành với Việt Nam, và đây cũng là mong muốn của cả phía Việt Nam. Điều này thể hiện rõ khi mà Tổng Bí thư Tô Lâm sang thăm Pháp vào tháng 10-2024. Tại đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gặp gỡ và hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, và cũng chính trong chuyến thăm đó, Việt Nam đã đề xuất với Pháp, hai nước đã nâng cấp mối quan hệ song phương lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Đối với người Pháp, chúng tôi rất lấy làm vinh dự khi được Việt Nam nâng cấp mối quan hệ với mình lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Bên cạnh đó, đối với chúng tôi đó còn là sự cam kết để cùng nhau hành động cụ thể trên tinh thần mối quan hệ mới thiết lập của hai bên.
Với tinh thần mối quan hệ đầy tin cậy đó, chúng tôi mong muốn không những là Việt Nam và Pháp ngày càng có những điểm tương đồng về quan điểm của mình mà chúng tôi còn mong muốn làm sao có những năng lực đồng hành với tất cả các nhu cầu phát triển mới của Việt Nam trong giai đoạn này.
Điều đó đúng ở cả phương diện chính trị lẫn cả an ninh, quốc phòng, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, y tế… Chúng tôi hi vọng sẽ có thêm chuyến thăm cấp cao nữa giữa hai nước để có thể thấy rõ nỗ lực của hai bên trong tinh thần này.
- Có thể nói, quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Pháp mang một nội hàm ý nghĩa rất sâu rộng, nhưng điều này sẽ được cụ thể hóa như thế nào, thưa nào?
- Hiện nay, Pháp và Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện là mức quan hệ cao nhất. Tôi muốn khẳng định rằng, Pháp luôn mong muốn cùng với Việt Nam phát triển mối quan hệ hợp tác này chặt chẽ hơn nữa trong thời gian tới. Đồng thời, chúng tôi luôn tôn trọng Việt Nam vì Việt Nam là một nước độc lập, đã luôn khẳng định được chủ quyền độc lập của mình và có tiếng nói ngày càng mạnh mẽ và có giá trị trên trường quốc tế.
Do đó, trụ cột thứ nhất và cũng là quan trọng nhất trong khuôn khổ hợp tác Đối tác chiến lược toàn diện của hai nước, đó là Pháp khẳng định sẽ luôn ủng hộ và sẵn sàng đồng hành với Việt Nam trong việc giữ vững độc lập, chủ quyền của mình.
Trụ cột hợp tác thứ hai, đó là trong bối cảnh đang có rất nhiều mối đe dọa đối với tình hình ổn định và hòa bình trên thế giới như hiện nay. Chúng ta đã thấy cuộc xung đột Nga - Ukraine, hay ngay tại Đông Nam Á cũng đang xuất hiện những căng thẳng.
Vì vậy, chúng tôi mong muốn được làm việc với Việt Nam để góp phần vào giữ vững hòa bình và ổn định trên thế giới, đặc biệt là trong khu vực này. Chúng tôi cũng mong muốn đồng hành cùng với Việt Nam để giải quyết các thách thức mang tính toàn cầu, trong đó bao hàm cả tôn trọng và góp phần đảm bảo cho chủ quyền của Việt Nam.
Trụ cột hợp tác thứ ba, trong quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Pháp và Việt Nam rất logic và tự nhiên. Đó là hợp tác vì mục tiêu phát triển bền vững. Điều này được thể hiện trên nhiều phương diện khác nhau, cụ thể là thông qua Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), đặc biệt trong khuôn khổ mà chúng ta đang và sắp triển khai tới đây.
Thời gian tới sẽ có hai dự án được triển khai và là những dự án rất quan trọng đối với Việt Nam, giúp Việt Nam thực hiện được những cam kết của mình về giảm khí CO2. Trong khi hiện nay đang có những quốc gia trên thế giới quay lưng lại xu thế toàn cầu hóa và với hợp tác quốc tế thì chính sự thành công của hai nước chúng ta trong các dự án hợp tác chung đã thể hiện rõ giá trị và ý nghĩa của mối quan hệ này.
Trụ cột hợp tác thứ tư, đó là những vấn đề liên quan đến sự phát triển của Việt Nam trong giai đoạn đổi mới để phát triển. Trước hết chúng tôi mong muốn các lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa Pháp và Việt Nam như y tế, lương thực, thực phẩm sẽ hoạt động mạnh mẽ hơn nữa trên tất cả các phương diện, từ đào tạo, nghiên cứu cho đến hợp tác đầu tư.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam OLIVIER BROCHET và phóng viên ĐTTC
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn tham gia vào các lĩnh vực mới, những dự án mới mà Việt Nam vừa đưa ra, ví dụ như là về năng lượng, đặc biệt là liên quan đến kế hoạch phát triển các nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam hay là đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, hoặc là ngành công nghiệp về đất hiếm.
Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Việt Nam về các lĩnh vực mới mẻ này và vì Pháp đã có sẵn nền tảng về công nghệ tiên tiến.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
LƯU THỦY (thực hiện)