Dệt thổ cẩm ở bản Bút, xã Nam Xuân.
Bản Bút, xã Nam Xuân (Quan Hóa) có trên 100 hộ, với gần 500 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Thái. Từ xa xưa, phụ nữ ở đây đã gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cơ chế thị trường, một thời gian dài nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã bị mai một. Thực hiện Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng tại bản Bút giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, xã đã tuyên truyền, vận động các hộ dân khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống, gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Các hộ dân được Nhà nước hỗ trợ vay vốn để đầu tư trang thiết bị sản xuất, dạy nghề, quảng bá sản phẩm. Việc dạy nghề, truyền nghề cũng được xã tổ chức thường xuyên. Đến nay, hầu hết các gia đình ở bản Bút vẫn giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống, một số mặt hàng thổ cẩm phục vụ khách du lịch. Năm 2021, nghề dệt thổ cẩm ở bản Bút đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là nghề truyền thống.
Nghề làm bánh nhãn truyền thống được người dân thị trấn Hồi Xuân duy trì hơn nửa thế kỷ qua. Trước đây, người dân ở đây chủ yếu làm cho gia đình hoặc biếu người thân trong dịp tết. Những năm gần đây đã trở thành sản phẩm hàng hóa tiêu thụ quanh năm. Để mở rộng thị trường tiêu thụ, các hộ sản xuất bánh nhãn đã liên kết, thành lập tổ hợp tác sản xuất bánh nhãn truyền thống và lấy tên sản phẩm là bánh nhãn Hồi Xuân. Đến nay, trên địa bàn thị trấn Hồi Xuân đã có 60 hộ sản xuất bánh nhãn. Trong đó, có 15 hộ tham gia tổ hợp tác sản xuất thường xuyên, còn lại sản xuất theo thời vụ. Hằng năm, tổ hợp tác và các hộ sản xuất bánh nhãn đã cung cấp cho thị trường khoảng 15 - 20 tấn sản phẩm, doanh thu khoảng 1,8 đến 2,2 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động. Hiện sản phẩm bánh nhãn Hồi Xuân đã được công nhận là OCOP 3 sao cấp tỉnh và được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống.
Trưởng Phòng Văn hóa, Thể thao, Du lịch huyện Quan Hóa Lê Hữu Quyết cho biết: Để khôi phục và phát huy nghề truyền thống gắn với Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Quan Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, những năm qua huyện đã phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan mở hàng chục lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất đưa các sản phẩm nghề truyền thống tham gia các hội chợ, trưng bày quảng bá tại các sự kiện xúc tiến thương mại, du lịch, văn hóa trong và ngoài tỉnh; tham gia chương trình OCOP; chú trọng phát triển nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, làm rượu cần, bánh nhãn, đan lát và văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc.
Với sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự đồng thuận của Nhân dân, công tác bảo tồn, phát huy nghề truyền thống và giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện Quan Hóa đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bài và ảnh: Khánh Linh