Phấn đấu đưa quận Hoàng Mai trở thành “cực tăng trưởng” phía Nam của Thủ đô. Ảnh TA
Đến nay, quận Hoàng Mai cơ bản đã hoàn thành 20 chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Hoàng Mai lần thứ IV, nhiệm kỳ 2021-2025 sớm 8 tháng. Đây là thời điểm các Đảng bộ phường và tương đương tập trung xây dựng báo cáo đại hội với tinh thần mới, cách làm mới.
Hiện, Quận ủy Hoàng Mai đang tiến hành xây dựng báo cáo Đại hội Đảng bộ Hoàng Mai lần thứ V, nhiệm kỳ 2025-2030 (lần 2). Đây là thời điểm quan trọng để địa phương tìm ra được chiến lược phát triển kinh tế-xã hội phù hợp, sớm trở thành một “cực tăng trưởng” của Thủ đô như kỳ vọng.
Khơi thông “điểm nghẽn”
Những tồn tại được phân tích, mổ xẻ tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ tổ chức tháng 4 năm 2023 như: “chỉ số cải cách hành chính thấp; công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) còn chậm so với yêu cầu; hạ tầng xã hội, nhất là y tế và giáo dục Hoàng Mai còn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân; hệ thống hạ tầng giao thông vẫn còn nhiều vấn đề; quy hoạch và quản lý quy hoạch còn chưa theo kịp tốc độ phát triển đô thị; một số ít cán bộ năng lực chưa đáp ứng được đòi hỏi của công việc”... cơ bản đã được giải quyết hoặc đang thực hiện.
Quận Hoàng Mai hội tụ nhiều điều kiện để phát triển công nghiệp văn hóa. Ảnh: TA
Đặc biệt, năm 2024, quận đã xây dựng, cải tạo, sửa chữa 24 trường (14 trường xây dựng mới và 10 trường cải tạo, sửa chữa), đặc biệt là Hoàng Liệt, nơi phụ huynh phải bốc thăm cho con học mẫu giáo công, quận đã triển khai cùng lúc xây mới 5 trường học. Đối với 3 dự án giao thông trọng điểm, sau khi quận hoàn thành GPMB 14 hộ ở phường Định Công, UBND TP đã chấp thuận gia hạn dự án đường Vành đai 2,5 với chủ đầu tư.
Dự án tuyến đường Tam Trinh đã bàn giao mặt bằng 1,1km/3,5km toàn tuyến, các nhà thầu phấn đấu cuối năm nay sẽ hoàn thành. Đối với tuyến đường Lĩnh Nam, quận đã tiến hành ban hành thông báo thu hồi đất 100% hộ gia đình và các tập thể, hoàn thành điều tra kiểm đếm khoảng 70% khối lượng, phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng trước ngày 31/3/2025, phấn đầu hoàn thành vào cuối năm 2027. Như vậy, trong vòng 2-3 năm nữa, quận Hoàng Mai cơ bản sẽ xóa được điểm nghẽn hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật khung, tiếp tục cải tạo các tuyến ngõ, ngách trên địa bàn.
Tìm điểm đột phá
Về lĩnh vực kinh tế, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận năm 2024 ước đạt 5.365 tỷ đồng bằng 101% dự toán TP giao (5.312,4 tỷ đồng). Trong đó, một số khoản thu đạt và vượt dự toán như: thu thuế công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh ước đạt 104,6% dự toán; Thuế thu nhập cá nhân ước đạt 704 tỷ đồng bằng 167% dự toán; Phí và lệ phí ước đạt 86,1 tỷ đồng bằng 118% dự toán; Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp ước đạt 55,67 tỷ đồng bằng 114,1% dự toán; Thu khác thuộc ngân sách nhà nước ước đạt 92,12 tỷ đồng bằng 164,5% dự toán. Năm 2024, tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 2.255 tỷ đồng bằng 97% dự toán (dự toán 2.324,8 tỷ đồng).
Chính quyền các cấp đã bảo đảm nguồn để chi thường xuyên, tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng, đột xuất theo chỉ đạo của Quận ủy, UBND quận, chi cho con người, chi đảm bảo an sinh xã hội.
Quận Hoàng Mai đang tập trung đầu tư cho giáo dục, lấy đây làm động lực phát triển kinh tế-xã hội trong tương lai. Ảnh: HM
Về cơ bản, quận Hoàng Mai đã hoàn thành các chỉ tiêu được TP Hà Nội giao, nhưng đánh giá tổng thể, trong bức tranh chung của Thủ đô, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, địa phương vẫn cần có những nỗ lực hơn nữa. Bên cạnh điểm sáng đó là chi ngân sách địa phương cả năm bằng 97% dự toán, trong khi của toàn TP 91,1% dự toán (127.000 tỷ đồng), tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận Hoàng Mai chỉ vượt 1% dự toán TP giao (5.312,4 tỷ đồng). Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Tài chính, thu ngân sách của Hà Nội trong năm 2024 đã tăng 23% so với năm 2023 và tất cả 30 quận, huyện, thị xã của TP đều vượt mức thu.
So với huyện Đông Anh, đơn vị thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 27.081 tỷ đồng, bằng 205% dự toán TP (dẫn đầu TP Hà Nội năm 2024), quận Hoàng Mai đang có khoảng cách khá xa. Là quận có dân số đông nhất Thủ đô, diện tích đất tự nhiên đứng thứ 4 TP nhưng trong danh sách tỷ lệ tăng trưởng thu ngân sách năm 2024 quận Hoàng Mai đứng ở vị trí khá khiêm tốn. Khi Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo thì Đảng bộ, chính quyền quận Hoàng Mai phải khẩn trương tìm ra thế mạnh để đột phá.
Quận Hoàng Mai đang cùng Thủ độ chuẩn bị bước tiếp vào một giai đoạn Đổi mới tiếp theo, mà nhiều người gọi là “Đổi mới 2.0”. Giai đoạn này không chỉ tập trung vào kinh tế mà còn nhấn mạnh sự hiện đại hóa toàn diện, từ khoa học công nghệ đến giáo dục, văn hóa, đặc biệt là thể chế. Theo TS. Nguyễn Thị Thanh Tâm (Viện Lãnh đạo học và Chính sách công), đặc trưng chính của công cuộc đổi mới này của Hà Nội nói chung và quận Hoàng Mai nói riêng là tập trung cải cách thể chế, phát triển kinh tế tri thức và thúc đẩy công nghiệp văn hóa.
"Quận Hoàng Mai cần tập trung cải cách thể chế, phát triển kinh tế tri thức và thúc đẩy công nghiệp văn hóa " TS. Nguyễn Thị Thanh Tâm (Viện Lãnh đạo học và Chính sách công).
Với khoảng 130 trường từ bậc mầm non đến THCS cơ bản đã được nâng cấp, cải tạo và quận Hoàng Mai còn phải tiếp tục đầu tư xây mới khoảng 70-80 trường học chuẩn bị khi dân số quận vượt qua con số 1 triệu người trong giai đoạn tới. Ngoài ra, quận đã và đang đầu tư xây các trường THPT để Hoàng Mai giữ vững danh hiệu lá cờ đầu của giáo dục Thủ đô, thu hút các công dân trẻ, có tri thức để phát triển kinh tế tri thức trong tương lai.
Với những lợi thế về đất đai, hạ tầng giao thông đang phát triển, khi có nguồn nhân lực chất lượng cao, dân trí cao, quận Hoàng Mai sẽ có điều kiện thu hút được nhiều công ty khoa học và công nghệ. Đây cũng là điều kiện quan trọng để quận thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa theo mô hình BID mà Luật Thủ đô 2024 đã đề cập và quận Hoàng Mai là một trong những địa phương cơ bản đã hội tụ đủ điều kiện.
An Thanh