Điều này là một hoạt động thiết thực của quận nhằm quán triệt yêu cầu của TP “Cải cách hành chính (CCHC) phải gắn với thực hiện chủ đề công tác năm, lấy sự hài lòng của người dân, DN là thước đo đánh giá hiệu quả CCHC, chất lượng hoạt động của cơ quan nhà nước TP”,
Vượt mức 19/27 chỉ tiêu Thành phố giao
Năm 2024, quận Long Biên đã sớm thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo CCHC, chuyển đổi số, Đề án 06 quận do Bí thư Quận ủy làm Trưởng ban, để thống nhất chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ CCHC, chuyển đổi số, Đề án 06 trong toàn hệ thống chính trị trên địa bàn. Hoạt động kiểm tra công tác CCHC, chuyển đổi số, Đề án 06 tại quận của Đoàn kiểm tra TP trong năm ghi nhận những kết quả tích cực trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ này của quận.
Chủ động triển khai các nhiệm vụ CCHC trọng tâm theo chỉ đạo của TP là “Cải cách TTHC, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; công khai minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước”, trong năm, UBND quận đã rà soát tổng cộng 346 TTHC cấp quận, kiến nghị rút ngắn thời gian giải quyết đối với 78 TTHC, đơn giản hóa thành phần hồ sơ với 37 TTHC, đạt 22,54%.
Cấp phường cũng đã rà soát 191 TTHC, kiến nghị rút ngắn thời gian giải quyết với 42 TTHC, đơn giản hóa thành phần hồ sơ với 175 TTHC đạt 21,19%.
Toàn quận tăng cường ứng dụng CNTT, công khai minh bạch trong mọi hoạt động liên quan tiếp nhận, giải quyết TTHC bằng nhiều phương thức và trên nhiều nền tảng ứng dụng (Cổng TTĐT, zalo, facebook, fanpage, youtube của quận…). Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu chung về TTHC để kiểm soát, thực hiện công khai thống nhất, đồng bộ, kịp thời từ quận đến phường thông qua hệ thống màn hình hiển thị tập trung.
Hoạt động kiểm tra công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 tại quận Long Biên của Đoàn kiểm tra TP Hà Nội trong năm 2024 ghi nhận những kết quả tích cực
Công tác xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số được đẩy mạnh và thực hiện toàn diện từ xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số với nhiều hoạt động được triển khai, tổ chức các đợt tuyên truyền, hướng dẫn hỗ trợ công dân.
Từ tháng 6/2024, quận đã tổ chức các đợt ra quân cao điểm hỗ trợ, hướng dẫn công dân cài đặt các ứng dụng iHanoi, Etax mobile...; thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), thanh toán trực tuyến, cấp chữ ký số cho công dân… Đặc biệt, quận kịp thời nhân rộng các giải pháp, cách làm hay từ cơ sở với những gương điển hình tiêu biểu trong thực hiện chuyển đổi số ở cộng đồng báo cáo tại hội nghị toàn quốc, TP.
Nhờ đó, 27/27 chỉ tiêu về chuyển đổi số của quận năm qua đã đạt và vượt chỉ tiêu TP đề ra, trong đó 19/27 chỉ tiêu vượt. Nhất là chỉ tiêu “tỷ lệ hồ sơ TTHC thuộc thẩm quyền được xử lý hoàn toàn trực tuyến” được cải thiện vượt bậc, đạt 95,4%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 47,59%, vượt 2,59% so với chỉ tiêu TP…
Có tới 98% hộ kinh doanh, 81% hộ gia đình, cá nhận có nghĩa vụ thuế phi nông nghiệp hoàn thành cài đặt và liên kết tài khoản eTax Mobile, đã góp phần hoàn thành vượt trên 140% chỉ tiêu thu ngân sách TP giao cho quận năm 2024, đạt 20.400 tỷ đồng.
Tích cực triển khai chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo điều hành, đáng chú ý, UBND quận đã chú trọng xây dựng những kho dữ liệu số tập trung của quận thuộc các lĩnh vực cấp giấy phép xây dựng, hồ sơ dự án, GPMB; bước đầu triển khai lưu trữ hồ sơ công việc điện tử. Đến nay, 100% hồ sơ cấp giấy phép xây dựng hồ sơ dự án, GPMB của quận từ năm 2020 đến 2024 được lưu trữ điện tử, phục vụ khai thác sử dụng hàng ngày, không phải sử dụng bản giấy.
Quận Long Biên chú trọng xây dựng, triển khai những mô hình mới gia tăng tiện ích phục vụ người dân, nâng cao hiệu quả hoạt động điều hành thông qua đẩy mạnh chuyển đổi số
Quận cũng triển khai hướng dẫn các phòng, ban, đơn vị, UBND phường tạo lập hồ sơ công việc điện tử trên phần mềm quản lý văn bản của TP từ tháng 9/2024 đạt 100% văn bản của quận, phường được ký số điện tử, trao đổi trên môi trường mạng (trừ văn bản mật).
Đồng thời, triển khai phương án ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động nội bộ của quận: ứng dụng điểm danh nhận diện khuôn mặt trong các cuộc họp, hội nghị; ứng dụng AI để ghi thông báo kết luận tại các cuộc họp; 48 trường học thực hiện điểm danh học sinh qua ứng dụng nhận diện khuôn mặt trên phần mềm cơ sở dữ liệu ngành GD&ĐT, được phụ huynh đánh giá cao.
Nhiều mô hình, sáng kiến từ quận tới cơ sở
Thông qua triển khai đề án “Ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành hướng tới chuyển đổi số giai đoạn 2022-2026 quận Long Biên”, đến nay có thể thấy khá nhiều mô hình, sáng kiến, giải pháp về chuyển đổi số đã được triển khai thực hiện từ quận tới cơ sở: đăng ký DVCTT, đăng ký lịch hẹn làm việc với bộ phận “Một cửa”; khảo sát đánh giá sự hài lòng thông qua mã QR tại quận và 14 phường giúp người dân có thể đặt lịch hẹn làm việc online; giải pháp thay thế máy lấy số xếp hàng tự động bàng thẻ từ hỗ trợ người dân khi đến giao dịch TTHC theo dõi được lượt xếp hàng từ xa, chủ động thời gian giao dịch…
Phường Thạch Bàn (quận Long Biên) mở đợt cao điểm tại các nhà văn hóa tổ dân phố hướng dẫn công dân đăng ký, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến thông qua đẩy mạnh chuyển đổi số
Đối với cấp phường cũng đã triển khai 11 mô hình về chuyển đổi số, đã được TP lựa chọn triển khai trên phạm vi toàn TP.
Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương chia sẻ, trong điều kiện T.Ư, TP đang tiếp tục đẩy mạnh công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy, quận xác định việc thay đổi cách nghĩ cách làm trên cơ sở triển khai hiệu quả công tác chuyển đổi số là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
“Việc áp dụng công nghệ số vào hoạt động của quận không chỉ nâng cao chất lượng công việc mà còn giúp xây dựng một chính quyền minh bạch, phục vụ người dân tốt hơn. Do đó, công tác chuyển đổi số sẽ tiếp tục là giải pháp hữu hiệu góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương”- bà Đinh Thị Thu Hương khẳng định.
Phường Giang Biên (quận Long Biên) mở đợt cao điểm hỗ trợ công dân kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử mức 2
Để thực hiện tốt hơn công tác chuyển đổi số đối với các đơn vị cấp quận, huyện, lãnh đạo UBND quận Long Biên đề xuất TP quan tâm tập trung phát triển hạ tầng số, xây dựng hình thành kho dữ liệu số, bảo đảm kết nối liên thông cùng với xây dựng quy trình chia sẻ dữ liệu từ TP đến quận huyện bảo đảm trao đổi chia sẻ thông tin.
Bên cạnh đó, nên tiếp tục triển khai, phát triển ứng dụng số trên cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó ưu tiên phát triển các ứng dụng số hóa đồng bộ trong hoạt động của khối Đảng và khối chính quyền từ T.Ư đến TP, quận huyện, xã phường; chủ động xây dựng và khai thác sử dụng các dữ liệu quan trọng (quản lý đất đai, dự án, TTHC, duy tu duy trì hệ thống HTKT…) và các ứng dụng phục vụ Nhân dân, tạo thuận lợi để người dân thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, khắc phục hạn chế trong thực hiện DVCTT.
Cùng với thúc đẩy thi đua đổi mới, sáng tạo về CCHC, chuyển đổi số tại các đơn vị, địa phương, TP cũng nên thử nghiệm một số ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý điều hành và ban hành hệ thống chỉ tiêu chuyển đổi số của cấp quận phục vụ đánh giá chất lượng CCHC.
Linh Chi