Nhân “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2025, Báo Nhân Dân triển khai nội dung ghi nhận thực trạng, tìm ra nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp nhằm phòng ngừa, giảm thiểu ngộ độc tập thể do sử dụng thực phẩm không an toàn; Chỉ rõ những hệ lụy đối với sức khỏe; những lỗ hổng trong quản lý của các cơ quan chức năng… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm.
Tiếp nối Bài 1 ghi nhận về thực trạng ngộ độc thực phẩm và Bài 2 những hệ lụy sức khỏe do ngộ độc thực phẩm, phóng viên Báo Nhân Dân đã tổng hợp những mô hình quản lý an toàn thực phẩm từ những quốc gia tiên tiến trên thế giới.
Nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới như Mỹ, các nước châu Âu hay Nhật Bản đã xây dựng được hệ thống quản lý thực phẩm rõ ràng, hiệu quả và minh bạch.
Các hệ thống này phân công cụ thể nhiệm vụ đánh giá rủi ro, kiểm tra, xử lý và quan trọng nhất là phối hợp chặt chẽ để bảo đảm từng loại thực phẩm, từ sữa công thức cho trẻ em đến rau củ, thực phẩm bày bán, đều an toàn trước khi đến tay người tiêu dùng.
Nhìn vào cách làm của các quốc gia này, Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi để xây dựng một mô hình quản lý phù hợp với thực tiễn, hiện đại hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Mô hình quản lý tại các quốc gia tiên tiến: Bài học từ sự minh bạch và chuyên nghiệp
Hoa Kỳ là thị trường "khó tính nhất" khi quản lý những sản phẩm liên quan đến sức khỏe, đặc biệt là sữa công thức và thực phẩm.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA - Food and Drug Administration) thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, là cơ quan liên bang, chịu trách nhiệm giám sát và đảm bảo an toàn, đáp ứng yêu cầu dinh dưỡng cho các sản phẩm sữa công thức nói riêng hay thực phẩm nói chung trên thị trường.
Đơn vị này cũng có tuyên bố chính thức về sức khỏe trẻ em, khi nhiều trẻ sơ sinh ở Mỹ phụ thuộc vào sữa công thức để cung cấp dinh dưỡng. Vì vậy, cơ quan này giám sát việc sản xuất sữa để bảo đảm sản phẩm an toàn và hỗ trợ sự phát triển của trẻ.
Mặc dù FDA không phê duyệt từng loại sữa trước khi đưa ra thị trường, tuy nhiên, các nhà sản xuất phải thông báo cho cơ quan này trước khi tiếp thị sản phẩm mới.
Riêng yếu tố "Nước" sử dụng trong sản xuất cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn do Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) đặt ra.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA
Đơn vị này cũng quy định 30 chất dinh dưỡng bắt buộc phải có trong sữa công thức, với mức tối thiểu cho tất cả và mức tối đa cho 10 chất dinh dưỡng. Các nhà sản xuất phải kiểm soát để bảo đảm sản phẩm không bị ô nhiễm do vi sinh vật, vi khuẩn Salmonella và Cronobacter...
Chính vì sự khó tính của thị trường này, FDA thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên và kiểm soát chất lượng sản phẩm một cách rất nghiêm ngặt, đặc biệt là cho trẻ em. FDA thực hiện giám sát thông qua nhiều hình thức như thanh tra định kỳ tại các cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói và bảo quản thực phẩm,…nhằm bảo đảm các đơn vị này tuân thủ nghiêm ngặt quy chuẩn vệ sinh và an toàn.
FDA kiểm tra, đánh giá và kiểm soát chất lượng sản phẩm một cách rất nghiêm ngặt, đặc biệt là cho trẻ em. (Ảnh: FDA)
Không chỉ quản lý sản phẩm trong nước, đối với thực phẩm nhập khẩu, FDA cũng kiểm soát chặt, yêu cầu các sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn tương đương với hàng nội địa, và có thể ra lệnh tạm giữ hoặc cấm nhập khẩu nếu phát hiện vi phạm.
Còn tại châu Âu, EFSA – Cơ quan An toàn thực phẩm đóng vai trò trung tâm trong việc đánh giá và bảo đảm an toàn thực phẩm trên toàn Liên minh châu Âu.
Cơ quan này chịu trách nhiệm phân tích, đánh giá các mối nguy tiềm ẩn trong thực phẩm, đặc biệt với các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng như sữa và sản phẩm từ sữa, thực phẩm chế biến, đóng gói, sữa công thức và thực phẩm chức năng.
EFSA đánh giá dư lượng thuốc thú y, vi sinh vật gây bệnh, chất bảo quản, phụ gia thực phẩm và các yếu tố có thể gây dị ứng, đồng thời xác minh độ an toàn và tính xác thực của các tuyên bố về sức khỏe của nhà sản xuất.
"Trách nhiệm của chúng tôi bao trùm từ đồng ruộng tới bàn ăn", đây là tuyên bố của EFSA. (Ảnh: EFSA)
Mặc dù không trực tiếp thực hiện kiểm tra thực địa, EFSA thiết lập các tiêu chuẩn khoa học, hướng dẫn kỹ thuật và công cụ đánh giá rủi ro để các quốc gia thành viên triển khai thanh tra thực phẩm nội địa và nhập khẩu. Khi phát hiện rủi ro, cơ quan này cung cấp cơ sở khoa học để các tổ chức quản lý EU có thể ban hành quyết định thu hồi sản phẩm, cấm lưu hành, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) thiết lập các tiêu chuẩn vệ sinh, quy định về phụ gia, dư lượng thuốc trừ sâu, vi sinh vật và chịu trách nhiệm cấp phép nhập khẩu thực phẩm, kiểm tra chất lượng, đồng thời có quyền xử phạt, thu hồi hoặc đình chỉ sản phẩm không đạt yêu cầu.
Với hoạt động quản lý tại Nhật Bản, hệ thống an toàn thực phẩm được phân chia rõ ràng giữa ba cơ quan chính là Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, Ủy ban An toàn thực phẩm và Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản bảo đảm giám sát chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu dùng.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) - cơ quan chủ chốt phụ trách kiểm soát an toàn thực phẩm, thực phẩm chức năng và sữa công thức.
Đơn vị này thiết lập các tiêu chuẩn vệ sinh, quy định về phụ gia, dư lượng thuốc trừ sâu, vi sinh vật và chịu trách nhiệm cấp phép nhập khẩu thực phẩm, kiểm tra chất lượng, đồng thời có quyền xử phạt, thu hồi hoặc đình chỉ sản phẩm không đạt yêu cầu.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản thiết lập tiêu chuẩn vệ sinh, quy định về phụ gia, dư lượng thuốc trừ sâu, vi sinh vật và chịu trách nhiệm cấp phép nhập khẩu thực phẩm, kiểm tra chất lượng, đồng thời có quyền xử phạt, thu hồi hoặc đình chỉ sản phẩm không đạt yêu cầu. (Ảnh: MHLW)
Tiếp đến, Ủy ban An toàn thực phẩm Nhật Bản - một tổ chức khoa học độc lập, đánh giá rủi ro an toàn thực phẩm, tương tự như EFSA của châu Âu. Ủy ban này phân tích nguy cơ từ các yếu tố hóa học, sinh học và hỗ trợ các bộ, ngành đưa ra quyết định quản lý thực phẩm, đặc biệt với các sản phẩm như thực phẩm biến đổi gene hay sữa cho trẻ sơ sinh.
Cuối cùng, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản chịu trách nhiệm giám sát an toàn trong sản xuất và chế biến nông sản, thực phẩm tươi sống, kiểm soát chất lượng từ trang trại đến nhà máy, thiết lập quy trình sản xuất an toàn và phối hợp Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi để kiểm tra thực phẩm trong chuỗi cung ứng nội địa và xuất khẩu.
Sự phối hợp giữa ba cơ quan này giúp Nhật Bản duy trì hệ thống kiểm soát thực phẩm nghiêm ngặt và hiệu quả.
Cần cơ chế quản lý thống nhất và chủ động cho quản lý an toàn thực phẩm tại Việt Nam
Tại Việt Nam, công tác quản lý an toàn thực phẩm hiện đang được phân chia cho nhiều bộ, ngành cùng thực hiện.
Pháp luật hiện hành quy định, phân công rõ trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm cho 3 bộ, ngành quản lý trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm: Bộ Y tế quản lý 6 nhóm ngành hàng, Bộ Công thương quản lý 8 nhóm ngành hàng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) quản lý 19 nhóm ngành hàng.
Bộ Y tế đề xuất quy định mới nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm thực phẩm. (Ảnh: Báo Chính phủ)
Bộ Y tế xây dựng, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; phối hợp liên ngành nhất là phối hợp Bộ Công an và Ban chỉ đạo 389 của Bộ Công thương trong việc xử lý thực phẩm giả, thực phẩm có chứa chất cấm…
Trong đó, chính sách cho phép tự công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm của Nghị định 15/2018/NĐ-CP tiệm cận với phương thức quản lý thực phẩm của các nước phát triển trên thế giới.
Nhìn chung, các văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm đã có những quy định tương đối đầy đủ, tạo hành lang pháp lý khá vững chắc cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, việc vận dụng những quy định chung vào thực tiễn cuộc sống vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập, dẫn đến hiệu quả bảo đảm an toàn thực phẩm chưa cao, tình trạng “thực phẩm bẩn” vẫn diễn ra hằng ngày và ngày càng khó kiểm soát hơn.
Các văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm đã tương đối đầy đủ, tuy nhiên, việc vận dụng vào thực tiễn cuộc sống vẫn còn tồn tại khó khăn, bất cập dẫn đến hiệu quả bảo đảm an toàn thực phẩm chưa cao, tình trạng “thực phẩm bẩn” vẫn diễn ra hằng ngày
Trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình băn khoăn liệu việc quản lý của ngành công thương có hiệu quả khi mỗi ngày có nhiều loại hình kinh doanh thức ăn, đồ uống lưu động cho học sinh, hay tại các bếp ăn tập thể ngày càng phổ biến.
Ngoài việc đình chỉ hoạt động các cơ sở vi phạm, thì sau khi tiếp tục được kinh doanh liệu các cơ sở này có đưa ra quy trình bảo đảm vệ sinh hay không. Hay thậm chí họ sẵn sàng từ bỏ thương hiệu rồi lập ra cơ sở mới. Từ những nhận định nêu ra, đại biểu Tâm đề nghị cần nâng mức xử phạt đối với các sai phạm trong hoạt động kinh doanh về an toàn thực phẩm, nhằm bảo đảm chế tài đủ mạnh, tránh buông lỏng quản lý, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân...
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri giữa đại biểu với cử tri là cán bộ hội, hội viên, phụ nữ do Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Đoàn đại biểu Quốc hội-Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức ngày 17/4, nhiều cử tri bày tỏ sự lo ngại trước tình trạng mất an toàn thực phẩm, nhất là vụ sản xuất gần 600 loại sữa bột giả, kẹo Kera...
Cơ quan chức năng phát hiện hai doanh nghiệp sản xuất sữa giả quy mô lớn. (Ảnh: nhandan.vn)
Nhiều cử tri đề nghị cần tăng cường ứng dụng công nghệ để kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, từ đó minh bạch thông tin và giúp người tiêu dùng chủ động lựa chọn.
Bên cạnh đó, nên thiết lập đường dây nóng tại từng địa phương để tiếp nhận và xử lý kịp thời các phản ánh vi phạm. Cử tri cũng nhấn mạnh vai trò chủ động của người tiêu dùng trong việc nâng cao hiểu biết, chỉ chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đồng thời mạnh dạn tố giác những hành vi vi phạm.
Do chưa có một cơ quan đầu mối thống nhất và thiếu sự phối hợp hiệu quả giữa các bên, nên công tác kiểm tra, xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn. Thậm chí có những vụ việc nghiêm trọng nhưng không cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm cuối cùng.
Do chưa có một cơ quan đầu mối thống nhất và thiếu sự phối hợp hiệu quả giữa các bên, nên công tác kiểm tra, xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao và thị trường ngày càng mở rộng, Việt Nam cần một mô hình quản lý thực phẩm hiện đại hơn, nơi mà vai trò được phân định rõ ràng, phối hợp linh hoạt, và người tiêu dùng có thể tin tưởng vào sự an toàn của những gì mình đang ăn mỗi ngày.
Tính hiệu quả trong phối hợp giữa các cơ quan quản lý là yếu tố then chốt giúp các quốc gia tiên tiến bảo đảm an toàn thực phẩm. Ở Mỹ, các cơ quan như FDA, USDA và CDC không chỉ hoạt động độc lập mà còn chia sẻ thông tin và phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát và xử lý nguy cơ.
Tương tự, tại Liên minh châu Âu, EFSA đánh giá rủi ro, còn các cơ quan quốc gia thực hiện kiểm tra và phản ứng nhanh qua hệ thống cảnh báo RASFF. Nhật Bản cũng có sự phối hợp mạnh mẽ giữa các bộ để quản lý thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ.
Sự hợp tác này giúp kiểm soát rủi ro hiệu quả và nâng cao độ tin cậy của người dân, cho thấy Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi để cải thiện hệ thống quản lý và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Đã đến lúc cần một tư duy mới trong quản lý, không dừng lại ở việc kiểm tra, xử phạt đơn lẻ, mà phải tạo ra một mô hình phối hợp hiệu quả, minh bạch, lấy khoa học làm nền tảng và đặt người tiêu dùng ở trung tâm.
NHÓM PV