Quản lý chặt, giám sát kỹ thị trường thương mại điện tử

Quản lý chặt, giám sát kỹ thị trường thương mại điện tử
8 giờ trướcBài gốc
Bên cạnh những mặt tích cực, thực tế này đang tạo nhiều thách thức buộc các doanh nghiệp trong nước phải triệt để thay đổi cách tiếp cận, các cơ quan chức năng phải có giải pháp quản lý chặt, giám sát kỹ thị trường đầy tiềm năng này.
Hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận hệ thống thương mại điện tử giúp việc bán hàng nhanh chóng và thuận tiện.
“Cơn sốt” sàn mới, giá hàng hóa rẻ
Gần đây, Temu - một sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, được thành lập bởi PDD Holdings (Trung Quốc), đang tạo nên một cơn sốt tại Việt Nam khi thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Nhiều người dùng mạng xã hội đã chia sẻ các đường link liên kết, kêu gọi người thân, bạn bè cùng tải ứng dụng về để nhận hoa hồng.
Hình thức tiếp thị liên kết với hoa hồng cao (150.000 đồng/1 lượt giới thiệu thành công), đang khiến cho Temu trở thành nền tảng mua sắm trực tuyến có sức nóng chưa từng có trong lịch sử "chào sân" của các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam. Sự gia nhập của Temu cũng đã nối dài danh sách các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới “đổ bộ” vào Việt Nam thời gian qua, như Taobao, Shein, 1688…
Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử thuộc tốp đầu khu vực Đông Nam Á, trung bình đạt 25%/năm. Thị trường bán lẻ thương mại điện tử Việt Nam ước đạt 20,5 tỷ USD năm 2023 và tiếp tục tăng trong những năm tới. Lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến đã vượt 61 triệu người, cùng giá trị mua sắm khoảng 336 USD/người. Đây là lý do khiến Việt Nam trở thành điểm đến mới của nhiều nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Chuyên gia thương mại điện tử, Giám đốc điều hành Công ty Accesstrade Việt Nam Đỗ Hữu Hưng cho rằng, sự xuất hiện của các sàn thương mại điện tử quốc tế không là chuyện mới. Từ 10 năm trước, hàng hóa giá rẻ Trung Quốc đã tràn vào Việt Nam thông qua các sàn thương mại điện tử lớn, như Lazada, Shopee… Điểm tích cực là người tiêu dùng được hưởng sản phẩm giá thấp, đồng thời buộc các nhà sản xuất trong nước nâng cao chất lượng hàng hóa, thúc đẩy đầu tư vào logistics, tạo việc làm và thu nhập cho lao động. Tuy vậy, sự “đổ bộ” của các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới cũng đang gây ra những áp lực không nhỏ tới thị trường trong nước, đặt ra thách thức với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước. Bên cạnh đó, vấn đề thất thu thuế cũng là bài toán cần được tháo gỡ để tránh gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Các nhà bán hàng học hỏi kinh nghiệm tại một hội nghị thương mại điện tử xuyên biên giới tổ chức tháng 10-2024 tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Vĩnh
Tăng cường chế tài quản lý
Theo các chuyên gia, giá thấp chỉ là một phần trong chiến lược cạnh tranh trên thị trường. Thực tế đã có giai đoạn thị trường ngập tràn xe máy Trung Quốc giá rẻ song hầu như không được người tiêu dùng trong nước đón nhận. Cùng với đó, từ nhiều năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã ít nhiều có kinh nghiệm và chuẩn bị đối mặt với làn sóng hàng Trung Quốc giá rẻ.
Giám đốc Công ty TNHH Thời trang K’s Closet Nguyễn Hải Yến cho biết: "Thời trang nhập từ Trung Quốc qua thương mại điện tử có lợi thế giá rẻ, do đó chúng tôi không lấy giá để cạnh tranh. Chúng tôi chú trọng xây dựng thương hiệu thời trang trẻ em “Made in Việt Nam” có nguồn gốc rõ ràng và ngày càng thân quen với các gia đình Việt". Ngoài nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới công nghệ, tiết giảm tối đa chi phí để có giá hợp lý, K’s Closet còn tìm hiểu sâu tính cách, đặc điểm và sự phát triển của trẻ em ở từng lứa tuổi để tung ra sản phẩm phù hợp. K’s Closet cũng đẩy nhanh tốc độ sáng tạo, liên tục ra mẫu mới để đa dạng hóa sản phẩm.
Trước sự cạnh tranh với hàng giá rẻ trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, chuyên gia thương mại điện tử Đỗ Hữu Hưng khẳng định, doanh nghiệp cần xác định rõ đối tượng khách hàng là ai, mua hàng vì giá trị gì. Theo vị chuyên gia này, doanh nghiệp cần tập trung vào nâng cao giá trị cho người tiêu dùng bằng thương hiệu và chính sách hậu mãi đi cùng với sự tiện dụng và am hiểu người tiêu dùng. Nếu chọn chiến lược giá rẻ, doanh nghiệp phải thay đổi “cách chơi”, tìm ra cách thức sản xuất để tối ưu chi phí, ưu tiên nguồn nguyên phụ liệu tại chỗ. “Về cơ bản, doanh nghiệp cần tìm lối đi riêng, sản xuất sản phẩm mang tính đặc trưng, bản địa, với lợi thế riêng để thành công lâu dài”, ông Đỗ Hữu Hưng nhấn mạnh.
Trước việc thời gian gần đây, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, như: Temu, Shein, 1688… đã tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương, mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung và các nền tảng như Temu, Shein, 1688… nói riêng. Vụ Pháp chế phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát các yếu tố pháp lý, đề xuất phương án xử lý các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới hoạt động trái phép.
Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa (nếu có) của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa được cấp đăng ký. Ủy ban Cạnh tranh quốc gia tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng. Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Tổng cục Hải quan đề xuất phương án kiểm soát hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam thông qua kênh thương mại điện tử.
Bộ Công Thương cũng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất ban hành luật chuyên ngành về thương mại điện tử. Mục tiêu là tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại xuyên biên giới và sửa đổi quy định về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế...
Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Bình Minh:
Chặn hàng trốn thuế, bảo vệ người tiêu dùng
Hiện nay, ngày càng nhiều người tiêu dùng ưa dùng sản phẩm có thương hiệu, chất lượng tốt và ưu tiên dùng hàng Việt Nam có nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam dần thích nghi, gia tăng cạnh tranh thông qua điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu, chất lượng sản phẩm có độ an toàn và tin cậy cao…, từ đó phát huy lợi thế “sân nhà” của hàng Việt. Nếu làm tốt những điều này, các doanh nghiệp trong nước không quá lo ngại trước làn sóng hàng ngoại giá rẻ xâm nhập qua các sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, chúng ta cần học hỏi họ trong việc nâng tốc độ giao hàng, tính cạnh tranh và thu hút người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo hành lang pháp lý quản lý chặt chẽ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới; tăng cường kiểm tra, giám sát ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng trốn thuế qua thương mại điện tử, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm công bằng cho doanh nghiệp trong nước.
Giám đốc Công ty TNHH Real Bean Coffee Văn Thị Loan:
Nâng tầm lợi thế cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm
Sàn thương mại điện tử xuyên biên giới thu hút không ít khách hàng trong nước do giá rẻ dù nhiều người còn băn khoăn về chất lượng. Thực tế này khiến việc giữ chân khách hàng của doanh nghiệp Việt Nam thêm phần khó khăn.
Với kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh trên sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước, chúng tôi đã nhanh chóng thích ứng với thực tế, phân tích chiến lược của các sàn thương mại điện tử giá rẻ để có phương hướng đầu tư, kinh doanh phù hợp. Chúng tôi cũng nắm bắt các chủ trương mới của Nhà nước và các cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển thị trường trực tuyến, đồng thời chủ động truyền thông tới khách hàng về chất lượng, thương hiệu sản phẩm của mình. Hiểu hơn về đối thủ, chúng tôi tập trung nâng tầm lợi thế cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm với tính bản địa đặc sắc, nguồn gốc rõ ràng, giá cả hợp lý. Tôi cho rằng, đó vẫn luôn là tiêu chí hàng đầu để người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn hàng hóa, nhất là với các loại thực phẩm, đồ uống.
Bà Nguyễn Hà My (phường Gia Thụy, quận Long Biên):
Dễ mua nhầm hàng kém chất lượng
Qua mua thử trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới giá rẻ, tôi nhận thấy hàng hóa ở đây có ưu điểm là phong phú, đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu; đặc biệt do được ưu đãi tới 90% nên nhiều mặt hàng có giá chỉ bằng 1/2 đến 2/3 giá sản phẩm cùng loại trên thị trường. Mức giá này rõ ràng mang đến nhiều lựa chọn và lợi ích cho người mua. Hơn thế, hàng còn được chuyển phát nhanh tương đương hoặc nhanh hơn so với mua hàng ở trong nước.
Tuy nhiên, nhược điểm khi mua sắm trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới là dễ mua nhầm hàng kém chất lượng nếu không có kinh nghiệm mua hàng trực tuyến. Nhiều sản phẩm được bán trên các sàn thương mại điện tử giá rẻ không có thương hiệu nên khó bảo đảm chất lượng. Do đó, tôi chỉ mua những món hàng không ảnh hưởng tới sức khỏe và cần thêm thời gian để kiểm chứng.
Theo tôi, giá rẻ và dịch vụ hậu mãi tốt là chưa đủ bởi vấn đề cốt lõi vẫn ở chất lượng sản phẩm và phù hợp với thói quen tiêu dùng.
Hà Thư ghi
Lam Giang
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/quan-ly-chat-giam-sat-ky-thi-truong-thuong-mai-dien-tu-682679.html