Quản lý chặt phương án phục hồi môi trường sau khai thác

Quản lý chặt phương án phục hồi môi trường sau khai thác
2 ngày trướcBài gốc
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 70 giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Các mỏ được cấp phép khai thác đều có quy mô nhỏ và vừa, loại khoáng sản chính là đá làm vật liệu xây dựng thông thường, cát làm vật liệu xây dựng thông thường, sét sản xuất gạch, đá ốp lát và đất san lấp mặt bằng công trình. Sản phẩm từ khai thác mỏ chủ yếu phục vụ cho nhu cầu xây dựng, công trình phát triển kinh tế - xã hội, công trình trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh, không có sản phẩm xuất khẩu.
Chưa có nhiều chuyển biến sau thanh tra, kiểm tra
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, qua giám sát và khảo sát thực tế tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị cho thấy việc cấp phép, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động khoáng sản; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong khai thác khoáng sản có nội dung đôi khi còn chậm, chưa kịp thời. Công tác quản lý khai thác khoáng sản, phối hợp giữa các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong quản lý hoạt động khoáng sản chưa chặt chẽ, còn nhiều thiếu sót dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản, vận chuyển, tập kết khoáng sản trái phép; khai thác vượt công suất, ngoài ranh giới khu vực cấp phép còn diễn ra ở nhiều địa phương nhưng chưa được phát hiện kịp thời làm thất thoát tài nguyên. Hoạt động thanh tra, kiểm tra tuy được tăng cường, nhưng chất lượng, kết quả xử lý còn nhiều hạn chế; vì vậy, chưa có nhiều chuyển biến sau thanh tra, kiểm tra, vi phạm vẫn tiếp tục tái diễn.
Đoàn khảo sát tại mỏ khai thác đá trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột. Ảnh: N. Sơn
Đối với việc quản lý sản lượng hiện chủ yếu dựa trên báo cáo các doanh nghiệp khai thác để tính thuế trên bản báo cáo tự nguyện của doanh nghiệp; chưa phản ánh đúng khối lượng khai thác, đánh giá trữ lượng thực tế, tạo kẽ hở cho doanh nghiệp gian lận sản lượng để trốn thuế, làm thất thoát tài nguyên khoáng sản. Công tác quản lý môi trường chủ yếu qua các thủ tục hành chính như thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; cam kết môi trường, chưa chú trọng đến việc kiểm tra bảo đảm môi trường trong thực tế hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản; việc khắc phục môi trường, hoàn thổ sau khai thác chưa có phương án rõ để bảo đảm về môi trường và cảnh quan khu vực. Công tác tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh triển khai chậm; kế hoạch triển khai tổ chức đấu giá 48 khu vực đấu giá từ năm 2022, tuy nhiên, đến năm 2025 vẫn chưa thực hiện tổ chức đấu giá, dẫn đến nguồn cung vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp trên địa bàn các huyện gặp nhiều khó khăn.
Làm rõ, xử lý trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ
Đối với việc chấp hành của các đơn vị khai thác khoáng sản, Đoàn giám sát HĐND tỉnh chỉ ra: có đơn vị khai thác vượt công suất cho phép, khai thác vượt ngoài ranh giới khu vực cấp phép; khai thác, sử dụng khoáng sản đi kèm (đất san lấp) khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước cho phép. Quá trình hoạt động, có những đơn vị làm ảnh hưởng đến môi trường; nhất là hoạt động khai thác cát đã làm sạt lở hai bên bờ sông gây bức xúc trong Nhân dân, xâm hại đến dòng chảy, tác động xấu đến môi trường. Đóng góp của các doanh nghiệp có khai thác, chế biến khoáng sản trong đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng công trình phúc lợi của địa phương còn hết sức hạn chế như: huyện Krông Ana có 11 doanh nghiệp chỉ có 4 doanh nghiệp đóng góp; trong khi đó, tình trạng xe chở vật liệu, khoáng sản lưu thông trên đường với mật độ lớn, gây hư hỏng tuyến đường nhưng không huy động được doanh nghiệp tham gia sửa chữa, khắc phục.
Tìm giải pháp khắc phục những bất cập trên, Đoàn giám sát số 51 của HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với các tổ chức hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản trên địa bàn tỉnh nhằm tránh thất thoát tài nguyên, tránh thất thu thuế; thực hiện nghiêm, áp dụng đầy đủ các biện pháp thanh tra để kịp thời phát hiện vi phạm và xử lý theo quy định pháp luật; làm rõ và xử lý trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành trong thực thi nhiệm vụ được giao. Có biện pháp kiểm tra, bảo đảm môi trường theo cam kết; quản lý chặt phương án phục hồi môi trường sau khai thác theo đúng quy định.
UBND tỉnh chỉ đạo các ngành tăng cường phối hợp trong quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản, nhất là quy chế phối hợp, cung cấp thông tin giữa các ngành Tài nguyên và môi trường - Thuế - Công an - địa phương. Yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm quy định về việc lắp đặt, sử dụng trạm cân, camera giám sát, thống kê, kiểm kê sản lượng khai thác thực tế, cập nhật thông tin số liệu, lưu trữ đầy đủ thông tin số liệu tại mỏ khoáng sản…
Thực tế trên cho thấy, khi tài nguyên bị thất thoát, môi trường bị tàn phá, và những cam kết bị lãng quên, đó không chỉ là sự mất mát của thiên nhiên mà còn là bài toán của cả một thế hệ. Cần một chiến lược khai thác bền vững hơn, để những vết sẹo trên lòng đất không trở thành vết thương mãi mãi của vùng Tây Nguyên giàu đẹp.
KIỀU BẢO
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/quan-ly-chat-phuong-an-phuc-hoi-moi-truong-sau-khai-thac-post408826.html