Quản lý chất thải nhựa vẫn rất khó khăn

Quản lý chất thải nhựa vẫn rất khó khăn
2 giờ trướcBài gốc
Hệ thống pháp luật không ngừng hoàn thiện
Tại Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình và sáng kiến thành công tại các địa phương trong quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa, do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên tổ chức tại Tuy Hòa ngày 4.10, ông Lại Đức Ngân, Phó Trưởng phòng Kiểm soát tài nguyên và Bảo vệ môi trường biển, hải đảo, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.260km (không tính bờ các đảo) với 114 cửa sông đổ ra biển, hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ ven bờ và hai quần đảo ngoài khơi là Hoàng Sa, Trường Sa, vùng biển rộng lớn đứng thứ 27 trong 157 quốc gia ven biển và các quốc đảo.
Ông Lại Đức Ngân phát biểu tại hội thảo
Biển Việt Nam có tài nguyên vị thế đa dạng, phong phú và sự khác biệt giữa các vùng biển, bao gồm tài nguyên địa tự nhiên, tài nguyên địa kinh tế, tài nguyên địa chính trị. Sự kết hợp giữa các dạng tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên vị thế của các vùng biển, hải đảo đã góp phần to lớn cho phát triển các ngành kinh tế biển của Việt Nam.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thể chế hóa các hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của Việt Nam. Theo đó, năm 2015, Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Ngày 22.10.2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đến năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW…
Cùng với đó, hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý chất thải nhựa cũng đã không ngừng hoàn thiện, với hàng loạt cơ chế, chính sách được ban hành, như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2010; Luật Biển Việt Nam năm 2012; Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo năm 2015 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành. Các văn bản đã quy định chi tiết từ khâu sản xuất, nhập khẩu phế liệu nhựa đến quản lý chất thải rắn (bao gồm chất thải nhựa), qua đó góp phần trực tiếp trong nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các nhà sản xuất, người dân trong công tác quản lý chất thải rắn nói chung.
Hội thảo thu hút đông đảo đại biểu đến từ các địa phương tham dự
Dù vậy, ông Ngân xác nhận, công tác quản lý chất thải nhựa vẫn gặp nhiều khó khăn. Hầu hết chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, gây khó khăn cho công tác giảm thiểu ô nhiễm chất thải nhựa. Hiện nay vẫn chưa có cơ chế tài chính rõ ràng trong công tác quản lý chất thải nhựa. Bộ Tài chính hiện vẫn đang rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính trong công tác quản lý chất thải nhựa.
Các quy định về giảm dần sử dụng sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy đã được ban hành, nhưng chưa được quy định rõ trong các chế định về hạn chế thu hút đầu tư các dự án về sản xuất sản phẩm nhựa dùng một lần. Các làng nghề tái chế sản xuất túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần giá thành rẻ chưa được quản lý chặt chẽ, sử dụng công nghệ lạc hậu, gây phát thải chất thải nhựa thứ cấp lớn ra môi trường…
Chia sẻ kinh nghiệm để nhân rộng mô hình hiệu quả
Trong bối cảnh đó, nhằm tăng cường nỗ lực chung trong việc giảm rác thải nhựa từ các bên liên quan tại các thành phố cũng như thúc đẩy những thay đổi quan trọng và lâu dài, có tính hệ thống góp phần giảm thiểu thất thoát rác thải nhựa, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp WWF triển khai Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam giai đoạn 2020 – 2025, với Chương trình Đô thị giảm nhựa.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên Nguyễn An Phú phát biểu
Là một trong những địa phương tham gia chương trình, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên Nguyễn An Phú cho biết, qua triển khai đã đạt được một số kết quả nhất định.
Cụ thể, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử về các sản phẩm nhựa, chất thải nhựa ở các địa phương ven biển, nhất là đầm vịnh; hình thành mô hình “trường học không rác”; thí điểm phân loại rác và xử lý rác trong cộng đồng bằng thùng ủ; mô hình vận động tàu thuyền mang rác vào bờ, hộ nuôi trồng thủy sản vịnh Vũng Rô tham gia hưởng ứng thu gom chất thải từ nuôi trồng thủy sản; xóa các điểm nóng và cải thiện môi trường tại khu vực Hòn Yến, điểm trung chuyển rác ở xã An Mỹ, huyện Tuy An…
“Với xu hướng bảo vệ môi trường ngày càng được du khách quan tâm, các hành động cụ thể như giảm rác nhựa của các khu du lịch sẽ là một điểm tích cực để thu hút du khách quay trở lại. Đây cũng chính là một giải pháp góp phần giữ gìn môi trường sống cho người dân địa phương khi dân số và lượng khách du lịch đến Phú yên ngày càng tăng”, ông Nguyễn An Phú nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng chia sẻ kinh nghiệm về những mô hình, cách làm hay, hiệu quả tại các địa phương triển khai dự án tại Phú Yên, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình…; thảo luận làm rõ những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp để việc quản lý chất thải nhựa hiệu quả hơn trong thời gian tới. Trong đó, các đại biểu lưu ý, cùng với việc tiếp tục bổ sung, hoàn thiện quy định có liên quan, công tác tuyên truyền có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc Chương trình giảm nhựa WWF Việt Nam phát biểu
Theo kế hoạch, dự án sẽ kết thúc vào tháng 6.2025. Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc Chương trình giảm nhựa WWF Việt Nam mong muốn, thông qua hội thảo, các địa phương triển khai muộn sẽ rút ra được những bài học kinh nghiệm từ các địa phương triển khai trước, đặc biệt là những mô hình rẻ, dễ làm, để tạo ra những hiệu quả thực, qua đó đóng góp chung vào công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo
Chương trình Đô thị giảm nhựa toàn cầu được WWF khởi xướng từ năm 2018, nhằm thu hút các đô thị cùng hành động giảm thiểu rác thải nhựa. Mục tiêu của chương trình là đến năm 2025 sẽ giảm thiểu 30% lượng rác thải nhựa thất thoát so với thời điểm các đô thị tham gia cam kết.
Riêng tại khu vực Đông Nam Á, WWF đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ thu hút 25 đô thị tham gia chương trình. Đến nay, tại khu vực Đông Nam Á và châu Á đã có 34 thành phố tham gia, trong đó có 10 đô thị ở Việt Nam, bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc Chương trình giảm nhựa WWF Việt Nam thông tin.
Minh Châu
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/quan-ly-chat-thai-nhua-van-rat-kho-khan-post392256.html