Rộ quán karaoke "đội lốt" cà phê
Ngày 19/12, người dân sống tại phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội không khỏi bàng hoàng trước sự ra đi của 11 người trong vụ cháy quán cà phê số 258 Phạm Văn Đồng.
Cụ thể, đêm 18, rạng sáng 19/12 trên đường Phạm Văn Đồng, đoạn gần công viên Hòa Bình (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm) xảy ra vụ cháy quán cà phê. Đáng chú ý, địa điểm cháy là ngôi nhà cao tầng, treo biển hiệu cơ sở kinh doanh "Hát cho nhau nghe". Vụ cháy khiến 11 người tử vong và 4 người khác bị thương.
Hiện trường vụ cháy tại số nhà 258 Phạm Văn Đồng. Ảnh: Ngọc Tú
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án “Giết người”, khởi tố bị can đối với Cao Văn Hùng (SN 1973, trú tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh) để điều tra, xử lý hành vi đốt quán cà phê làm nhiều người tử vong.
Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị trong buổi sáng 19/12, căn nhà xảy ra vụ cháy có 3 tầng và 1 tầng lửng nằm ngay mặt đường Phạm Văn Đồng (đối diện với Công viên Hòa Bình). “Căn nhà bị cháy chỉ có một lối thoát duy nhất và là quán cà phê gia đình có diện tích rộng khoảng 40m2, tầng 1 là quán hát, tầng 2 và 3 để thoáng, hai mặt bên cửa số được làm kín, không thể thoát nạn. Mặt trước được thiết kế chuồng cọp có mở lối thoát nạn. Quán có quy mô nhỏ, chủ quán sống hòa đồng, hài hòa” - một người dân sinh sống gần quán cà phê này chia sẻ.
Vụ cháy xảy ra gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng những quán cà phê biến tướng, "đội lốt" karaoke mọc lên như nấm trên địa bàn Hà Nội. Đáng nói, những quán này khó có thể đảm bảo về quy định về hạ tầng, an toàn phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự…
Thực tế, những quán cà phê “Hát cho nhau nghe” thường tổ chức trong nhà, tuy có cửa đóng kín nhưng vì không có hệ thống cách âm bảo đảm nên âm thanh vẫn có thể vang ra ngoài, gây tiếng ồn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân xung quanh. Những quán này còn lấn chiếm lòng, lề đường làm chỗ để xe cho khách… gây mất trật tự, mỹ quan đô thị.
Đơn cử, đầu năm 2023, Công an quận Tây Hồ đã có Quyết định xử phạt 6 cơ sở kinh doanh dịch vụ “cà phê âm nhạc” tại phường Tứ Liên, gây tiếng ồn trong khu dân cư với tổng số tiền 45 triệu đồng. Các trường hợp này đều không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định.
Theo Nghị định số 148/2024/NĐ-CP ngày 12/11/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, các điều kiện cấp giấp phép kinh doanh, bảo đảm yếu tố phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự được quy định rõ. Cùng với đó, phân rõ trách nhiệm các cấp có thẩm quyền điều chỉnh, thu hồi giấy phép, trong đó vai trò của UBND các cấp đóng vai trò chính.
Thông tin từ Sở VH&TT Hà Nội, hiện nay toàn TP có gần 80 cơ sở dịch vụ karaoke đủ điều kiện kinh doanh, bảo đảm hạ tầng, quy định phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự… nhưng thực tế còn hộ kinh doanh karaoke trá hình.
Cần nâng cao công tác hậu kiểm
Thời gian qua, TP Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, siết chặt các điều kiện kinh doanh tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật và theo thẩm quyền. Đồng thời có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa các vi phạm về an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy, nổ.
Cùng với đó, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trá hình, biến tướng, chuyển đổi hình thức kinh doanh sang nhà hàng ăn uống, quán cà phê…
Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, việc giao lưu âm nhạc để giải tỏa căng thẳng sau giờ làm là nhu cầu chính đáng của người dân. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của cộng đồng, các hoạt động này cần tuân thủ đúng quy định về giờ giấc và không gian, tránh gây ồn ào, ảnh hưởng đến cuộc sống của những người xung quanh.
Số nhà 258 Phạm Văn Đồng trước vụ cháy được căng biển quán “Hát cho nhau nghe”. Ảnh: Ngọc Tú
“Nếu có hành vi làm ồn, huyên náo, tại khu dân cư, nơi công cộng thì tùy vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm có thể bị xem xét xử lý hành chính theo điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với cá nhân hoặc tổ chức thực hiện hành vi” - luật sư Diệp Năng Bình cho biết.
Cũng theo Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính nói trên thuộc về Chủ tịch UBND các cấp hoặc Công an (Điều 69 Nghị định 144/2021/NĐ-CP). Trường hợp nếu cơ quan chức năng được biết về hành vi vi phạm mà không tiến hành xử lý theo quy định pháp luật thì tùy tính chất mức độ hành vi vi phạm có thể bị xem xét xử lý kỷ luật cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc theo Nghị định số 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
“Trường hợp nếu thiếu trách nhiệm gây ra hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017” - luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh.
Ngày 27/11/2024, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đã ký Văn bản số 5254/VBHN-BVHTTDL hợp nhất Nghị định số 148/2024/NĐ-CP ngày 12/11/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
Theo đó, điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, là doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật. Bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và Nghị định số 56/2023/NĐ-CP ngày 24/7/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện…
Phòng hát phải có diện tích sử dụng từ 20m2 trở lên, không kể công trình phụ. Không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát hoặc đặt thiết bị báo động (trừ các thiết bị báo cháy nổ).
Tại hội nghị tập huấn triển khai Nghị định số 148/2024/NĐ-CP ngày 12/11/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường diễn ra ngày 12/12 vừa qua, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh đề nghị các địa phương cần sớm công khai danh sách những cơ sở đủ điều kiện nhằm bảo đảm quyền lợi cho các cơ sở và người dân sử dụng dịch vụ, phòng ngừa các hộ kinh doanh làm sai quy định. Bên cạnh việc cấp phép hoạt động, các địa phương cần nâng cao công tác hậu kiểm, trong đó vai trò quản lý của UBND các địa phương là quan trọng nhất.
Hoàng Quân