Hệ thống phân phối thuốc mở rộng
Tính đến hết quý I năm 2025, tỉnh Sơn La có khoảng 1.000 cơ sở kinh doanh dược đang hoạt động, trong đó, hơn 200 nhà thuốc, trên 800 quầy thuốc, tập trung chủ yếu ở các huyện Mộc Châu, Mai Sơn và thành phố Sơn La. Các cơ sở bán lẻ thuốc cơ bản thực hiện đủ các quy định của pháp luật về kinh doanh dược, đảm bảo cung ứng đủ thuốc thiết yếu, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, giúp người dân có cơ hội sử dụng đa dạng chủng loại thuốc, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Đoàn kiểm tra Sở Y tế kiểm tra thuốc tân dược trên địa bàn thành phố Sơn La.
Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định về kinh doanh dược của một số nhà thuốc, quầy thuốc còn những tồn tại, như: Điều kiện bảo quản chưa đáp ứng yêu cầu, chưa niêm yết công khai chứng chỉ hành nghề dược hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược tại cơ sở; niêm yết giá bán lẻ thuốc không đầy đủ, không đúng quy định. Nhiều cơ sở kinh doanh dược chưa thường xuyên cập nhật dữ liệu vào phần mềm liên thông dữ liệu dược quốc gia; để lẫn sản phẩm không phải là thuốc cùng với thuốc. Một số trường hợp, bán thuốc kê đơn khi chưa có đơn của bác sỹ. Ngoài ra, còn có hành vi tự ý chia nhỏ liều thuốc từ các vỉ lớn, không nhãn mác, không có hướng dẫn sử dụng.
Các quầy thuốc, còn bày bán đủ loại sản phẩm thực phẩm chức năng với lời quảng cáo như một loại “thuốc bổ” thần kỳ, đánh vào tâm lý cả tin của người dân. Chị N.T.M., xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, kể lại: Tôi từng mua loại viên uống tăng sức đề kháng cho con, người bán nói là hàng xách tay của Mỹ, nhưng không có nhãn phụ, cũng không rõ hạn sử dụng. Uống một tuần, con tôi bị tiêu chảy, nên tôi phải ngừng ngay.
Khách hàng mua bán thuốc tại Cửa hàng thuốc Thu Trang, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn.
Hiện nay, Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm là đơn vị có chức năng tham mưu giúp Giám đốc Sở Y tế trong lĩnh vực kiểm nghiệm; thực hiện kiểm tra giám sát chất lượng các loại thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm được sản xuất, tồn trữ, lưu hành và được sử dụng tại địa phương theo quy định của pháp luật, trong khi số lượng cơ sở bán lẻ dược phẩm trải rộng khắp 12 huyện, thành phố.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra, giám sát các quầy thuốc ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực chuyên môn, lực lượng thanh tra y tế cấp huyện còn mỏng, chủ yếu kiêm nhiệm nên không kiểm tra thường xuyên. Chế tài xử phạt hiện hành chủ yếu ở mức hành chính, chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng vi phạm tái diễn. Nhiều cơ sở dù đã bị nhắc nhở, thậm chí xử phạt, nhưng vẫn tiếp tục hoạt động sai quy định.
Kiểm tra, xử lý vi phạm
Trong đợt kiểm tra việc chấp hành pháp luật về dược, an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố Sơn La, phóng viên Báo Sơn La có mặt cùng Đoàn kiểm tra Sở Y tế tỉnh ghi nhận nhiều nội dung đáng chú ý.
Cụ thể, vào 15h ngày 29/4/2025, tại Nhà thuốc Hồng Tươi (tổ 4, phường Quyết Tâm, thành phố Sơn La, Đoàn phát hiện cơ sở không cách ly hoặc biệt trữ thuốc đã bị cơ quan chức năng thông báo thu hồi. Đồng thời, có 1 lọ thuốc viên nén Clorocid TW3 (Cloramphenicol 250mg, SĐK: VD-25305-16) không rõ nguồn gốc, cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ. Đoàn đã lập biên bản, đề xuất xử phạt hành chính 10 triệu đồng.
Tại thời điểm này, khi mở rộng kiểm tra tại cơ sở, Đoàn phát hiện thêm một lọ Clorocid TW3 đang được ông Lương Trọng Giang, trú tại tổ 3, phường Chiềng Cơi giao cho chủ nhà thuốc là bà Vì Thị Tươi. Ông Giang không xuất trình được giấy tờ liên quan đến nguồn gốc thuốc, khai nhận đã mua qua trang Facebook có nickname “Minh Khang”. Đoàn tiếp tục lập biên bản, đề xuất xử phạt hành chính 6 triệu đồng.
Đoàn kiểm tra Sở Y tế kiểm tra các hộ kinh doanh thuốc tại xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn.
Ông Trần Trọng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La, cho biết: Để nâng cao hiệu quả quản lý, cần tăng cường phối hợp liên ngành kiểm tra. Đồng thời, bổ sung nhân lực, hoàn thiện khung pháp lý xử lý vi phạm trong lĩnh vực thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm. Từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có 12 cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 49 triệu đồng.
Cũng theo ông Hải: Công tác kiểm tra không nhằm gây khó khăn cho cơ sở, mà hướng tới “chuẩn hóa” hệ thống bán lẻ dược phẩm. Trong các đợt kiểm tra, lực lượng chức năng kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở và yêu cầu cơ sở khắc phục ngay sai phạm. Các trường hợp cố tình tái phạm bị xử lý nghiêm khắc, như: Đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc. Đồng thời, tạo điều kiện để các cơ sở kinh doanh thuốc phát triển ổn định, bảo đảm an toàn sức khỏe người dân.
(Còn nữa)
Phong Lưu, Nguyễn Thư