Nhiều DNNN quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai chưa hiệu quả. Ảnh: ST
Đủ chiêu trò gây thất thoát, lãng phí đất công…
Khu đất “vàng” có diện tích 6.300m² tại số 33 Nguyễn Du và các số 34, 36, 42 Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé, Quận 1 cũ, TP. Hồ Chí Minh) được Nhà nước giao cho Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II) - doanh nghiệp 100% vốn nhà nước quản lý. Tuy nhiên, Vinafood II đã thực hiện chuyển nhượng khu đất trái quy định (thông qua hình thức góp vốn - thoái vốn) gây thất thoát tài sản nhà nước trị giá 970 tỷ đồng.
Đây là một trong những nội dung được Công an TP. Hồ Chí Minh nêu trong kết luận điều tra vụ án Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà thâu tóm hơn 6.300m² đất “vàng” của Vinafood II. Hiện vụ án đã được chuyển sang Viện Kiểm sát cùng cấp để đề nghị truy tố theo tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” (Điều 219 Bộ luật Hình sự). Trước đó, liên quan đến doanh nghiệp này, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã tuyên án vụ sai phạm trong chuyển nhượng khu đất số 132 Bến Vân Đồn (Quận 4 cũ) của Vinafood II cho Công ty Vĩnh Hội trái quy định, gây thiệt hại hơn 113 tỷ đồng cho Nhà nước.
Từ đất công, các khu đất “vàng” tại Vinafood II và nhiều DNNN khác hoàn toàn có thể đã rơi vào tay doanh nghiệp tư nhân, nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Theo các chuyên gia, đây là vấn đề cần được đặc biệt lưu ý, bởi các DNNN hiện vẫn nắm giữ diện tích đất công rất lớn. “Nguồn lực này có thể là đòn bẩy cho phát triển kinh tế, nhưng cũng có thể triệt tiêu động lực, kìm hãm tăng trưởng nếu không được sử dụng hiệu quả, hoặc bị thất thoát” - chuyên gia Nguyễn Minh Phong cảnh báo.
Đồng hành cùng Chính phủ trong việc thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai tại DNNN, KTNN cũng đang thực hiện kiểm toán chuyên đề về công tác quản lý, sử dụng, sắp xếp và xử lý nhà, đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 tại các Bộ, cơ quan, doanh nghiệp. Trong đó, KTNN sẽ tập trung làm rõ, kiến nghị xử lý vi phạm; cũng như kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật để đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn lực này trong phát triển DNNN, từ đó thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước.
Hàng loạt vi phạm trong quản lý đất đai, đặc biệt là tình trạng lãng phí tại các DNNN cũng từng được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ ra. Đơn cử, kết quả kiểm toán DNNN năm 2024 cho thấy: nhiều diện tích đất đang được các DNNN quản lý song chưa đủ hồ sơ pháp lý, chưa hoặc chậm đưa vào sử dụng.
Tại Tổng công ty Cổ phần Phát triển Khu Công nghiệp (Sonadezi), Công ty mẹ còn 14,35ha chậm đưa vào sử dụng; Công ty CP Phát triển đô thị công nghiệp số 2 là 6,5ha; Công ty CP Sonadezi Giang Điền cho thuê lại đất khu công nghiệp nhưng chưa sử dụng 12,2ha. Tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Công ty TNHH Xăng dầu Kiên Giang được cấp quyền sử dụng 4,69ha đất (giá trị 13,35 tỷ đồng, thời hạn 40 năm) nhưng hơn 10 năm chưa đưa vào khai thác, dù dự án Kho cảng xăng dầu Kiên Lương đã hoàn tất.
Ngoài ra, còn tình trạng đơn vị thành viên sử dụng đất không đúng mục đích. Như tại Công ty Xăng dầu Khu vực III (Petrolimex) - thuê đất làm kho xăng dầu nhưng không sử dụng hết, cho một số đơn vị thuê lại 0,42ha để sản xuất ngành nhựa và dịch vụ giặt ủi.
Bình luận về thực trạng này, các chuyên gia cho rằng: Đất đai là nguồn lực “vàng” mà Chính phủ đang đặc biệt quan tâm nhằm tạo lực đẩy cho phát triển kinh tế. Việc chậm sử dụng, để lãng phí tài sản - nói như Tổng Bí thư Tô Lâm - là “có tội với Đảng, Nhà nước và Nhân dân.”
Tại Hội nghị triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2025 của KTNN mới đây, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cũng nhấn mạnh: Lãng phí có nhiều dạng và Chính phủ đang yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương ban hành hướng dẫn cụ thể để nhận diện đúng. Song, theo Tổng Kiểm toán nhà nước, việc chậm đưa tài sản công vào khai thác sử dụng chính là biểu hiện rõ nhất của tình trạng lãng phí - vấn đề mà KTNN đang tập trung theo dõi để đưa ra đánh giá và kiến nghị phù hợp.
Gỡ khó cho doanh nghiệp, đi đôi với phòng ngừa tiêu cực, lãng phí
Thực tế cho thấy, sự yếu kém trong công tác quản lý, cùng với những lỗ hổng trong quy định pháp luật đang là rào cản, thậm chí khiến phát sinh tiêu cực, làm cho nguồn lực đất đai tại DNNN không thể phát huy hiệu quả.
Theo KTNN, việc cơ cấu lại DNNN và thoái vốn nhà nước vẫn diễn ra chậm; quá trình cổ phần hóa còn vướng nhiều vấn đề - thậm chí tiêu cực - gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước. Một số vướng mắc thể chế chưa được giải quyết kịp thời. Đặc biệt, tại thời điểm kiểm toán, còn tình trạng chậm bàn giao đất theo phương án cổ phần hóa; sử dụng đất sai mục đích; một số địa phương chậm phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá đất…
Nhìn nhận vấn đề này, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng: Quá trình cổ phần hóa DNNN đã bộc lộ nhiều sai phạm trong xử lý đất đai, gây thất thoát tài sản nhà nước. Trong nhiều trường hợp, đất đai trở thành “miếng mồi ngon” thu hút nhà đầu tư - bởi kỷ luật tài chính chưa nghiêm, quy định còn kẽ hở.
Theo ông Ánh, để chống thất thoát đất công, cần đặc biệt quan tâm tới quy định xử lý đất đai tại các doanh nghiệp đang quản lý nhiều quỹ đất, nhất là đất ở vị trí có lợi thế thương mại cao. Đồng thời, cần xử lý nghiêm DNNN gây thất thoát đất công trong quá trình sử dụng.
Thông qua công tác giám sát, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái cũ) đề nghị cần tiếp tục rà soát toàn bộ tài sản, nhà đất của các Bộ, ngành, các DNNN hiện đang sử dụng không hiệu quả - để bàn giao về địa phương quản lý, khai thác, hoặc xử lý theo pháp luật, nhằm tận dụng tối đa nguồn lực và ngăn thất thoát.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng lãng phí và đảm bảo việc quản lý, sử dụng, xử lý nhà - đất tại DNNN đúng mục đích, hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 24/12/2024 về việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nhà - đất tại DNNN. Trong đó, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm: Kiên quyết thu hồi đất đối với DNNN sử dụng sai mục đích, không hoặc chậm đưa vào sử dụng; Xử lý các trường hợp không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước; Chỉ đạo rà soát và hoàn thiện hồ sơ pháp lý đất đai (ký hợp đồng thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng) đúng thời hạn, tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Mới đây, Bộ Tài chính cũng có văn bản gửi các Bộ, ngành, địa phương và DNNN, đề nghị thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng, xử lý nhà - đất, đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí..
Có thể nói, trong bối cảnh cả nước đang huy động mọi nguồn lực phục vụ cho quá trình đổi mới, phát triển đất nước, hướng tới mục tiêu tăng trưởng cao trong kỷ nguyên mới, tình trạng thất thoát tài sản tại các DNNN - đặc biệt là thông qua quá trình cổ phần hóa - là vấn đề cấp bách, cần được đánh giá toàn diện và chấn chỉnh kịp thời.
Rộng hơn, câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để ngăn ngừa lãng phí, chấm dứt tình trạng trục lợi trên đất công, từ đó phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai trong phát triển đất nước?
Báo Kiểm toán sẽ tiếp tục đề cập nội dung này trong các số sau./.
NHÓM PV