Quản lý, rèn luyện chiến sĩ: Tích cực phối hợp giữa đơn vị với gia đình, địa phương

Quản lý, rèn luyện chiến sĩ: Tích cực phối hợp giữa đơn vị với gia đình, địa phương
9 giờ trướcBài gốc
Sau hơn một tuần về đơn vị, chiến sĩ mới (CSM) Nguyễn Duy Hướng thuộc Tiểu đội 9, Trung đội 11, Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2 (Sư đoàn 395, Quân khu 3) vẫn tỏ ra buồn chán. Có kinh nghiệm hai năm huấn luyện CSM, Thượng úy Đỗ Văn Hoàng, Chính trị viên Đại đội 3 chủ động gặp gỡ, trò chuyện và biết do lần đầu xa gia đình nên Hướng cảm thấy rất nhớ nhà.
Sau đó, Thượng úy Đỗ Văn Hoàng liên lạc, trao đổi với gia đình và sắp xếp thời gian buổi tối để bố mẹ Hướng gọi điện lên đơn vị động viên. Từ đó, Hướng dần vui vẻ, hòa đồng hơn, tích cực tham gia các hoạt động chung của đơn vị.
Chỉ huy Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2 (Sư đoàn 395, Quân khu 3) thăm hỏi, động viên chiến sĩ mới.
Theo chia sẻ của Thượng úy Đỗ Văn Hoàng, gia đình là điểm tựa rất quan trọng trong giai đoạn đầu quân ngũ của chiến sĩ. Do đó, ngay ngày đầu tiếp nhận CSM, một trong những việc làm đầu tiên là đơn vị tiến hành rà soát hồ sơ, lý lịch trích ngang quân nhân, bổ sung số điện thoại người thân của từng chiến sĩ.
“Những đồng chí khó hòa nhập, chúng tôi sẽ chủ động liên lạc với gia đình để nắm thêm hoàn cảnh, các mối quan hệ xã hội, sở trường, sở thích... sau đó bố trí thời gian vào giờ nghỉ, ngày nghỉ để gia đình gọi điện động viên con em. Nhìn chung, sau khi được bố mẹ động viên, các chiến sĩ đều có chuyển biến tích cực, yên tâm công tác, tự giác thực hiện nhiệm vụ”, Thượng úy Đỗ Văn Hoàng chia sẻ.
Theo Trung tá Đồng Văn Vinh, Phó chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 43, Sư đoàn 395: “Thông thường, sau khoảng hai tuần đầu nhập ngũ, các chiến sĩ bắt đầu quen với nền nếp, chế độ, quy định trong Quân đội. Những CSM vẫn có biểu hiện dao động tư tưởng, chúng tôi sẽ phân loại riêng, sau đó liên lạc và mời người nhà lên thăm các em; đồng thời, phối hợp với chỉ huy đơn vị tìm hiểu nguyên nhân, từ đó có biện pháp phối hợp để giáo dục, động viên, quản lý phù hợp”.
Thực tiễn cho thấy, công tác phối hợp giữa gia đình với đơn vị trong quản lý, rèn luyện chiến sĩ cơ bản thuận lợi và nhận được sự ủng hộ, đồng tình của người thân chiến sĩ. Không chỉ kết nối để người thân động viên qua điện thoại, với riêng người nhà CSM, chỉ huy các đơn vị còn thành lập nhóm Facebook, Zalo... để chia sẻ một số hình ảnh hoạt động hằng ngày, trong giờ nghỉ, ngày nghỉ hay các dịp lễ, tết, sinh nhật đồng đội... trong suốt thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Ngoài ra còn thông báo, trao đổi với gia đình về kết quả rèn luyện của chiến sĩ; kịp thời nắm bắt tình hình địa phương, gia đình; chủ động báo cáo tình hình theo phân cấp và phối hợp thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội; nắm tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của người thân bộ đội; giải thích, định hướng tư tưởng để phụ huynh và chiến sĩ yên tâm công tác, xác định tốt nghĩa vụ, trách nhiệm.
Nhiều đơn vị còn tổ chức các chương trình giao lưu, diễn đàn, tọa đàm và mời người nhà chiến sĩ đến tham dự. Qua đây, không chỉ khích lệ, động viên chiến sĩ yên tâm luyện rèn mà còn gắn trách nhiệm của gia đình trong phối hợp với đơn vị giáo dục, rèn luyện, quản lý các chiến sĩ.
Cùng với phát huy tốt vai trò của gia đình để động viên chiến sĩ yên tâm công tác, thời gian qua, các đơn vị còn phối hợp chặt chẽ với địa phương giao quân làm tốt công tác phúc tra tiêu chuẩn CSM, thực hiện bù, đổi quân số không đủ điều kiện theo Thông tư số 148/2018/TT-BQP ngày 4-10-2018 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Một số cơ quan quân sự địa phương chủ động phối hợp với đơn vị nhận quân nắm chất lượng huấn luyện, rèn luyện chiến sĩ là con em của địa phương mình; chủ động tham mưu cho lãnh đạo cấp ủy, chính quyền đến đơn vị thăm hỏi, tặng quà, động viên chiến sĩ.
Tuy nhiên, việc phối hợp giữa đơn vị với cấp ủy, chính quyền địa phương trong quản lý, rèn luyện chiến sĩ vẫn chưa thường xuyên. Trung tá Phạm Đức Dương, Trợ lý Ban Quân lực, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Thái Bình, cho biết: “Quy định của Thông tư số 148/2018/TT-BQP không yêu cầu địa phương phải thực hiện các biện pháp phối hợp với đơn vị để động viên, quản lý, rèn luyện chiến sĩ. Điều này dẫn đến công tác phối hợp giữa đơn vị và địa phương chủ yếu chỉ dừng lại ở việc giải quyết các vấn đề như quân nhân đào ngũ, bỏ ngũ, chưa có nhiều biện pháp mang tính chủ động như đến thăm hỏi, gặp gỡ, động viên chiến sĩ”.
Chiến sĩ nhập ngũ về đơn vị thì trách nhiệm chính trong quản lý, rèn luyện thuộc về đội ngũ cán bộ các cấp, tuy nhiên, để chiến sĩ yên tâm tư tưởng, xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, tích cực phấn đấu trở thành công dân có ích cho gia đình, xã hội sau khi xuất ngũ thì địa phương giao quân và gia đình, người thân không thể đứng ngoài cuộc.
Bài và ảnh: TRƯỜNG SƠN
----------
Bản thân phải luôn nỗ lực
Lúc mới về tàu, tôi không quen biết ai nên rất buồn. Tôi sống khép mình, ít nói chuyện với đồng đội. Quá trình làm việc, tôi không tập trung, nhiều việc chỉ huy giao tôi không hoàn thành. Thấy tôi có biểu hiện bất thường, chỉ huy tàu trao đổi với gia đình để động viên tôi tích cực rèn luyện, công tác; đồng thời, cử đồng chí trưởng ngành hàng hải trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ tôi trong công việc, cuộc sống hằng ngày.
Hạ sĩ Lê Minh Sanh (bên trái) mượn sách để đọc vào ngày nghỉ. Ảnh: LÊ NGỌC
Nhờ sự động viên của gia đình, sự giúp đỡ, chia sẻ chân thành của đồng đội và chỉ huy, tôi tự thấy cần phải thay đổi. Tôi đã tích cực học tập, mạnh dạn trao đổi với đồng chí trong ngành về các nội dung chưa hiểu hoặc chưa nắm chắc; chủ động mượn sách về đọc vào những lúc rảnh rỗi... Nhờ thế, tôi tự tin hơn trong giao tiếp, hoàn thành tốt các nội dung huấn luyện và các nhiệm vụ chỉ huy giao.
Theo tôi, ngoài sự giúp đỡ của chỉ huy và đồng đội thì điều quan trọng nhất là tự bản thân mỗi người phải luôn nỗ lực rèn luyện, chịu khó học hỏi, tuyệt đối không được làm việc qua loa, đại khái, làm cho xong, mà phải tích cực học tập, xác định rõ chức trách, nhiệm vụ được giao... (Hạ sĩ LÊ MINH SANH, chiến sĩ hàng hải, Tàu 375, Hải đội 412, Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân)
---------------------
Quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ
Gia đình tôi thuộc diện khó khăn. Bố tôi mất sớm do bệnh nặng, một mình mẹ tần tảo làm ruộng để nuôi 3 anh chị em. Từ nhỏ, tôi đã quen với việc phụ mẹ cấy lúa, chăm sóc em và tranh thủ làm thêm đỡ đần gia đình. Dù thiếu thốn nhưng mẹ luôn động viên chúng tôi học hành tử tế và sống có trách nhiệm. Tôi nhập ngũ với mong muốn được rèn luyện bản thân, cống hiến sức trẻ cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Chỉ huy Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 82 (Sư đoàn 355, Quân khu 2) trò chuyện, động viên chiến sĩ mới. Ảnh: TRẦN HÀO
Ngày đầu nhập ngũ, tôi không khỏi bất ngờ trước sự khang trang, chính quy, xanh-sạch-đẹp của đơn vị. Mọi thứ đều được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Các anh chỉ huy và chiến sĩ cũ chào đón chúng tôi bằng sự thân thiện, cởi mở, giúp đỡ chúng tôi làm quen với môi trường mới, từ việc sắp xếp chỗ ở, nhận quân trang đến hướng dẫn các chế độ, quy định của đơn vị. Tuy nhiên, tôi cũng có đôi chút lo lắng không biết mình có thể nhanh chóng hòa nhập vào môi trường mới và đáp ứng được yêu cầu của đơn vị hay không. Tôi mong được chỉ huy các cấp và đồng đội tiếp tục hướng dẫn, chỉ bảo tận tình về mọi mặt, từ tác phong, sinh hoạt đến học tập, huấn luyện. Bản thân tôi xác định “kỷ luật là sức mạnh của Quân đội” nên luôn chấp hành nghiêm mệnh lệnh của chỉ huy, kỷ luật Quân đội, quy định của đơn vị; tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị; luôn giữ vững tinh thần lạc quan, ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn và xây dựng mối quan hệ tốt với đồng chí, đồng đội, cùng giúp đỡ nhau hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. (Chiến sĩ mới LÒ VĂN NGUYÊN, Trung đội 11, Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 82, Sư đoàn 355, Quân khu 2)
---------------------
Thường xuyên trao đổi, động viên con em
Con tôi là Binh nhất Lê Đức Vũ, chiến sĩ Tiểu đoàn 18, Phòng Tham mưu Sư đoàn 8, Quân khu 9. Trước khi nhập ngũ, Vũ chủ yếu ở nhà, tính tình hiền lành, ít nói và mọi công việc trong gia đình đều do vợ chồng tôi lo nên cháu có phần chậm chạp.
Tuy nhiên, sau một năm rèn luyện trong Quân đội, tôi thấy Vũ trưởng thành, chững chạc, mạnh dạn hơn, đồng thời biết quan tâm, lo lắng cho gia đình, tiết kiệm trong chi tiêu. Chúng tôi rất vui vì điều đó và tự hào khi có con là quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Mong rằng sau khi xuất ngũ, cháu sẽ giữ vững tác phong, phẩm chất này để giúp ích cho gia đình và xã hội.
Gia đình Binh nhất Lê Đức Vũ (thứ ba, từ phải sang) lên thăm đơn vị dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Ảnh: HUỲNH PHONG
Thời gian qua, chỉ huy đơn vị, có lúc là đồng chí trung đội trưởng, có lúc là chính trị viên hoặc đại đội trưởng thường xuyên gọi điện hỏi thăm tình hình gia đình và thông báo kết quả rèn luyện của Vũ. Mỗi khi chúng tôi lên đơn vị thăm con, các đồng chí chỉ huy rất nhiệt tình thăm hỏi, trò chuyện tạo sự gắn kết giữa đơn vị và gia đình.
Qua đây tôi thấy cha mẹ rất cần quan tâm, nêu cao trách nhiệm trong phối hợp với đơn vị để giáo dục, động viên con em mình. Vợ chồng tôi thường gọi điện thoại vào thời điểm thích hợp để trao đổi với chỉ huy đơn vị, nắm bắt tình hình và có biện pháp xử lý kịp thời; đồng thời nhắc nhở, động viên con cố gắng học tập, công tác, sống có trách nhiệm, nhiệt tình giúp đỡ đồng đội; chấp hành tốt kỷ luật, quy định của đơn vị... (DƯƠNG THỊ KIM CHI, xã Sơn Đông, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre)
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/quan-ly-ren-luyen-chien-si-tich-cuc-phoi-hop-giua-don-vi-voi-gia-dinh-dia-phuong-816922