Mỏ đất của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng xuất nhập khẩu thương mại Việt Lào tại xã Hợp Thắng (Triệu Sơn).
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Triệu Sơn nguồn TNKS như quặng cromit, đá, đất sét... chiếm trữ lượng lớn hơn cả, phân bố chủ yếu ở các xã, thị trấn vùng bán sơn địa. Trong đó, quặng cromit có trữ lượng từ 8 - 20 triệu tấn, phân bố ở thị trấn Nưa và 2 xã Thái Hòa, Vân Sơn. Đây là mỏ cromit duy nhất ở Việt Nam và lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, trữ lượng đá trên địa bàn khoảng 8 triệu m3; đất sét có trữ lượng lên đến 5 triệu m3; macxalit có trữ lượng 516 nghìn tấn; than bùn khoảng 150 nghìn tấn...
Đến nay, trên địa bàn huyện có 10 mỏ TNKS đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác. Trong đó, có 3 mỏ khai thác đá với diện tích 7,95ha; 7 mỏ khai thác đất làm vật liệu san lấp, nguyên liệu sản xuất gạch tuynel, với diện tích 32,54ha. Đồng thời, có 17 mỏ TNKS được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương lập hồ sơ cấp phép khai thác, quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản, phê duyệt kế hoạch đấu giá, phương án đấu giá, công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Thực hiện Chỉ thị số 38/CT-TTg, ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản”, huyện Triệu Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Khoáng sản và các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác quản lý, bảo vệ TNKS đến Nhân dân, doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản. Từ đó, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản của Nhân dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hàng năm, huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo chính quyền 34 xã, thị trấn và phòng, ban, đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý Nhà nước về TNKS; thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các ngành, địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng TNKS của các doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép và chấp thuận.
Theo thống kê, từ năm 2019-2024, huyện Triệu Sơn đã thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác TNKS. Thông qua kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động khai thác TNKS trái phép và có hình thức xử lý nghiêm minh đối với các đối tượng vi phạm. Theo đó, Chủ tịch UBND huyện đã ban hành các quyết định xử phạt 6 trường hợp vi phạm về khoáng sản, với số tiền phạt là 99 triệu đồng. Trong đó, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng xuất nhập khẩu thương mại Việt Lào có điểm mỏ tại xã Hợp Thắng, từ năm 2019-2023 bị xử phạt 3 lần, vì chưa cắm mốc đầy đủ các điểm khép góc khu vực khai thác và khai thác khoáng sản có tổng diện tích đã khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép...
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và ngành chức năng, công tác quản lý, bảo vệ TNKS trên địa bàn huyện Triệu Sơn đã có những chuyển biến tích cực, dần đi vào nền nếp. Điều đó được thể hiện trong quá trình hoạt động thăm dò, khai thác, hầu hết các doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép khai thác TNKS đã tích cực hoàn thiện thủ tục pháp lý, tuân thủ nghiêm túc nội dung trong giấy phép và quy định của pháp luật. Cùng với việc thực hiện thông báo đầy đủ ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, kế hoạch khai thác, các doanh nghiệp khai thác TNKS còn chủ động nộp thiết kế mỏ, lập và cắm mốc khu vực khai thác, báo cáo định kỳ hoạt động khai thác TNKS về huyện. Đối với công tác bảo vệ môi trường, huyện giao các xã, thị trấn giám sát, kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp khai thác TNKS thực hiện nghiêm biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, khói bụi, xử lý bùn lắng, khai thác đúng thời gian quy định, sử dụng các phương tiện phù hợp với điều kiện hạ tầng trong hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản trên địa bàn. Nếu quá trình khai thác, chế biến, vận chuyển có ảnh hưởng đến người dân, các doanh nghiệp phải có biện pháp giải quyết kịp thời. Nhờ vậy, TNKS của huyện Triệu Sơn được quản lý, sử dụng ngày càng hiệu quả, tiết kiệm và phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của tỉnh. Ví như hoạt động khai thác TNKS làm vật liệu xây dựng của các doanh nghiệp được cấp phép đã đóng góp tích cực trong việc giải quyết những khó khăn về nguồn vật liệu san lấp cho các dự án, công trình giao thông động lực, trọng điểm trên địa bàn tỉnh và huyện. Từ đó, nhiều dự án, công trình đã được hoàn thành đúng tiến độ, giải quyết triệt để hạ tầng giao thông thấp kém ở nhiều khu vực, tăng tính kết nối, liên thông giữa đô thị với vùng nông thôn vùng cao, giữa vùng phát triển với vùng kém phát triển của tỉnh, của huyện. Hoạt động khai thác TNKS làm vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện còn tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương và đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước.
Bài và ảnh: Trần Thanh