Vụ tai nạn hy hữu vừa xảy ra tại Kiên Giang khi thiết bị bay không người lái (drone hay UAV) va chạm với người đi xe máy, dẫn đến tử vong. Vụ việc đã gây chấn động dư luận và đặt ra nhiều câu hỏi về an toàn khi sử dụng drone.
Nhiều lợi ích
Những năm gần đây, drone đã trở thành trợ thủ đắc lực của nông dân ĐBSCL trong sản xuất lúa. Từ Long An, Đồng Tháp đến Cà Mau, Bạc Liêu, hình ảnh những cánh đồng lúa được chăm sóc bởi drone không còn quá xa lạ. Ưu điểm vượt trội về hiệu quả, tiết kiệm và độ chính xác đã khiến drone trở thành công cụ không thể thiếu trong nông nghiệp hiện đại.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ này cũng đặt ra nhiều thách thức. Việc quản lý, đăng ký và truy xuất nguồn gốc các thiết bị bay này còn khá lỏng lẻo. Theo thống kê, hàng trăm drone đang được sử dụng tại các tỉnh ĐBSCL, chủ yếu tập trung vào các hoạt động như sạ lúa, bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật. Điều đáng lo ngại là phần lớn các thiết bị này không được quản lý chặt chẽ, tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn và chất lượng sản phẩm.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP Cần Thơ, cho biết: "Drone mang lại nhiều lợi ích cho sản xuất lúa, đặc biệt là giảm lượng giống, tăng năng suất và giảm thiểu tác động môi trường. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ này, chúng ta cần có một hệ thống quản lý chặt chẽ, bảo đảm các thiết bị được sử dụng đúng mục đích và tuân thủ quy định".
Có thể thấy, drone nông nghiệp đang mở ra một tương lai đầy hứa hẹn cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi ích của công nghệ này, các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường công tác quản lý và hướng dẫn người dân sử dụng drone một cách an toàn, hiệu quả.
Phát triển ồ ạt
Kiên Giang là một trong những địa phương đi đầu trong việc ứng dụng drone vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ này lại đi kèm với nhiều bất cập trong công tác quản lý.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, số lượng drone được sử dụng trong nông nghiệp ngày càng tăng nhưng việc nắm bắt thông tin về các thiết bị bay còn rất hạn chế. Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết: "Chúng tôi chưa có số liệu cụ thể về số lượng drone đang được sử dụng trong nông nghiệp trên địa bàn, vì vậy gặp nhiều khó khăn cho công tác quản lý và kiểm soát".
Nguyên nhân của tình trạng này là do chưa có quy định cụ thể về việc đăng ký, cấp phép và quản lý các thiết bị bay không người lái trong lĩnh vực nông nghiệp. Cả Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đều cho biết chưa có thẩm quyền cấp phép đối với loại thiết bị này.
Nông dân Cần Thơ sử dụng drone để sạ lúa. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ
Ông Trần Thái Nghiêm cho biết thêm: "Drone thường được cấp phép bay bởi Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam. Do vậy, ngành nông nghiệp địa phương không nắm được thông tin về các thiết bị đó".
Vụ tai nạn thương tâm vừa xảy ra tại Kiên Giang đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những nguy hiểm tiềm ẩn khi sử dụng drone trong nông nghiệp. Để tránh những sự cố đáng tiếc tương tự, các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng một khung pháp lý hoàn chỉnh, quy định rõ ràng về việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng và quản lý drone.
Đối với người dân, khi quyết định đầu tư vào drone, cần lựa chọn các sản phẩm chính hãng, có nguồn gốc rõ ràng và tuân thủ các quy định về an toàn.
Việc sử dụng drone không đúng cách có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người sử dụng mà còn gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Cần phải quản lý chặt chẽ
Một chuyên gia về drone trong nông nghiệp cho hay về lý thuyết, drone rất an toàn khi được trang bị đầy đủ tính năng và người lái có kỹ năng. Tuy nhiên, thực tế, nhiều drone giá rẻ chất lượng kém, lại thiếu sự quản lý chặt chẽ về người điều khiển.
Việc tắt radar để điều khiển thủ công và thiếu người hỗ trợ khi hạ cánh là những sai sót thường gặp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Hiện nay, việc đào tạo "phi công" drone còn mang tính tự phát, chưa có một hệ thống đào tạo chính quy và cấp chứng chỉ thống nhất.
Thị trường drone tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Phạm Thanh Toàn, chuyên gia về UAV, việc buôn bán drone chủ yếu diễn ra qua đường tiểu ngạch, khiến chất lượng sản phẩm không bảo đảm và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hàng trôi nổi thường có giá rẻ hơn hàng chính ngạch từ 20%-40% nhưng người dùng sẽ phải đối mặt với nguy cơ mua phải hàng lỗi, không được bảo hành và khó tìm kiếm hỗ trợ kỹ thuật khi gặp sự cố.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, các chuyên gia đề xuất cần có một hệ thống quản lý chặt chẽ đối với drone, bao gồm drone cần sớm được gắn biển số, mã định danh để xác định chủ thiết bị và truy xuất đường bay hiệu quả hơn. Đồng thời, người điều khiển drone phải được đào tạo bài bản và tuân thủ các quy định về không phận.
Hiện, TP HCM đã đi đầu trong việc xây dựng chính sách thử nghiệm drone, tạo ra một môi trường an toàn để phát triển công nghệ này. Trong khi đó, việc triển khai quy định trên phạm vi cả nước vẫn còn nhiều khó khăn.
Việc quản lý drone hiệu quả không chỉ giúp bảo đảm an toàn cho người dân mà còn góp phần phát triển ngành công nghiệp drone tại Việt Nam một cách bền vững. Các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ để xây dựng một khung pháp lý hoàn chỉnh, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng drone an toàn.
Tai nạn bất ngờ
Khoảng 7 giờ ngày 20-11, ông B.V.T (SN 1975; ngụ xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) đang điều khiển xe máy trên đoạn đường Kênh 15, ấp Hiệp Trung, xã Mỹ Hiệp Sơn thì bất ngờ va chạm với drone do ông M.V.L (SN 1995, ngụ cùng xã) đang điều khiển phun xịt thuốc ruộng lúa. Tai nạn hy hữu khiến ông T. bị cánh quạt drone gây thương tích nặng phần đầu và cổ. Mặc dù được người dân nhanh chóng đưa đi cấp cứu nhưng ông T. đã tử vong vào ngày 21-11 tại bệnh viện.
Cần xác định rõ nguyên nhân
Luật sư Đào Thị Bích Liên, Văn phòng Luật sư Hà Hải và Cộng sự, cho biết điều đầu tiên cần làm là xác định rõ nguyên nhân vụ việc xảy ra hôm 20-11. Cơ quan chức năng phải điều tra xem drone có giấy phép hoạt động hợp pháp không, có vi phạm quy định về độ cao, khu vực bay hay không và nguyên nhân sự cố là do lỗi kỹ thuật, lỗi người điều khiển hay yếu tố khách quan khác.
Tiếp theo, cần xác định trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan. Tùy thuộc vào mức độ vi phạm, người điều khiển drone có thể bị xử phạt hành chính từ 10 triệu đến 15 triệu đồng hoặc chịu trách nhiệm hình sự về tội "Vô ý làm chết người" (điều 128 Bộ Luật Hình sự) hoặc phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. Ngoài ra, nhà sản xuất hoặc đơn vị bảo trì cũng có thể chịu trách nhiệm nếu sự cố xảy ra do lỗi kỹ thuật của drone.
Để ngăn chặn các vụ việc tương tự, luật sư Đào Thị Bích Liên đề xuất tăng cường quản lý và cấp phép hoạt động của drone, siết chặt quy định về độ cao và khu vực bay, bắt buộc kiểm tra định kỳ thiết bị và nâng cao ý thức cho người điều khiển. Sự kết hợp giữa trách nhiệm cá nhân, tổ chức và sự giám sát của cơ quan chức năng là yếu tố quan trọng để bảo đảm an toàn khi sử dụng drone.
Phải xin phép
Theo quy định hiện hành, mọi tổ chức, cá nhân muốn sử dụng drone đều phải xin phép bay từ các cơ quan có thẩm quyền, chủ yếu là Bộ Quốc phòng.
Các khu vực cấm bay drone đã được quy định rõ ràng để bảo đảm an ninh quốc phòng và an ninh trật tự công cộng.
Để quản lý hiệu quả hoạt động của drone, dự thảo Luật Phòng không nhân dân đã đề xuất nhiều quy định mới, bao gồm việc đăng ký, cấp phép và quản lý chặt chẽ các thiết bị này. Bộ Quốc phòng có thẩm quyền cấp phép bay cho các loại drone khác nhau, trong khi Bộ Công an sẽ cấp phép cho drone phục vụ công tác an ninh.
Ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, cho biết khu vực cấm bay và khu vực hạn chế bay đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ được quy định tại Quyết định số 18 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định 36 về quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.
Nhóm Phóng Viên