Quản lý thuế trong giao dịch thương mại điện tử

Quản lý thuế trong giao dịch thương mại điện tử
7 giờ trướcBài gốc
Mua hàng online là hình thức giao dịch thương mại điện tử phổ biến hiện nay cần được kiểm soát, thu thuế theo quy định.
Theo thống kê từ Bộ Tài chính, kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT trong nước năm 2024 đạt 116 ngàn tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2023. Ngành thuế đã triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân hoạt động kinh doanh TMĐT, nhằm hỗ trợ cho hộ, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số trong nước thực hiện các thủ tục về thuế, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại, minh bạch.
Định danh cá nhân, tổ chức kinh doanh thương mại điện tử
Trong năm 2024, qua rà soát, kiểm soát hoạt động TMĐT, cả nước có thêm 48 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký kê khai nộp thuế, nâng tổng số nhà cung cấp nước ngoài khai, nộp trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài tại Việt Nam là 123. Trong đó có những sàn TMĐT lớn như: Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netflix, Apple... Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều mô hình kinh doanh trên không gian số phát triển mạnh mẽ, cung cấp đa dạng loại hình dịch vụ, từ mua bán các nhu yếu phẩm, sản phẩm thời trang đến các dịch vụ vận tải (Uber, Grab, Be...) cho đến các giao dịch lĩnh vực dịch vụ du lịch như: đặt phòng lưu trú, đăng ký tour, vé máy bay… trực tuyến trên các trang TMĐT: Agoda, Traveloka, Booking...
Năm 2024, ngành thuế Đồng Nai thu trên 62 tỷ đồng thuế từ hoạt động TMĐT. Trong đó, thu từ doanh nghiệp gần 53 tỷ đồng, thu từ cá nhân trên 9 tỷ đồng.
Khoảng 5 năm trở lại đây, để không thất thu cho ngân sách nhà nước, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu ngành tài chính, thuế và công an để quản lý các hoạt động TMĐT. Điều này đã giúp ngành thuế dễ dàng hơn khi định danh các cá nhân, tổ chức có hoạt động kinh doanh TMĐT, cũng như có thêm cơ sở số liệu về doanh thu của các hoạt động TMĐT để quản lý và thu thuế.
Theo Bộ Tài chính, đến nay ngành tài chính đã có dữ liệu của trên 900 sàn giao dịch TMĐT; 284 ứng dụng bán hàng trên mạng; trên 140 triệu tài khoản thanh toán của tổ chức, cá nhân và trên 130 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, quảng cáo, phát thanh, truyền hình. Đây sẽ là cơ sở để ngành thuế rà soát, đưa ra các giải pháp quản lý thuế trong hoạt động TMĐT.
Trên địa bàn Đồng Nai, trong năm 2024, ngành thuế đã có những giải pháp, phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường quản lý hoạt động TMĐT. Tuy nhiên, theo Cục Thuế Đồng Nai, việc kiểm soát giao dịch kinh doanh TMĐT còn khó khăn, khi nhiều người trả tiền mặt lúc nhận hàng. Do đó, việc kiểm soát doanh thu tính thuế cũng không dễ dàng.
Quy định về xuất hóa đơn trong giao dịch thương mại điện tử
Thời gian qua, ngành thuế tập trung kiểm soát việc thực hiện xuất hóa đơn trong các giao dịch mua bán. Trong đó, xuất hóa đơn trong giao dịch TMĐT là vấn đề nhiều người kinh doanh TMĐT chưa nắm rõ.
Bà Nguyễn Kiều Oanh, chủ một kênh bán hàng online trên các nền tảng Facebook, Tiktok, Shopee, cho biết khách hàng mua hàng thường có giá trị dưới 500 ngàn đồng/đơn hàng. Trên các kênh Shopee thì có đăng ký với sàn nhưng trên kênh Facebook cá nhân thì không cần đăng ký từ nhiều năm nay. Khách mua hàng thường thanh toán bằng chuyển khoản và không yêu cầu xuất hóa đơn. Gần đây, thông tin về việc kiểm tra, rà soát các kênh bán hàng trực tuyến để kiểm soát thu thuế và xử phạt những hành vi sai phạm, trong đó có thông tin về việc xuất hóa đơn điện tử khiến bà Oanh thắc mắc và chưa rõ về những quy định trong việc đăng ký thuế cũng như xuất hóa đơn cho khách hàng.
Theo ông Trần Quảng Ninh, Trưởng phòng Tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế Đồng Nai), việc xuất hóa đơn trong các giao dịch TMĐT còn phụ thuộc vào loại hình kinh doanh, đối tượng khách hàng và các quy định pháp luật hiện hành tại Việt Nam. Có một số trường hợp trong giao dịch TMĐT, người kinh doanh cần xác định rõ và tuân thủ quy định về hóa đơn để tránh các vấn đề pháp lý.
Cụ thể, trường hợp là doanh nghiệp kinh doanh TMĐT thì bắt buộc xuất hóa đơn. Nếu doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh cá thể đã đăng ký mã số thuế thì bắt buộc phải xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ. Với giao dịch trực tuyến, hóa đơn điện tử là loại hóa đơn phổ biến nhất. Hóa đơn này có thể gửi qua email hoặc các nền tảng trực tuyến. Trường hợp cá nhân kinh doanh không đăng ký kinh doanh trên các nền tảng TMĐT như: Shopee, Lazada, Facebook, Zalo… thông thường không cần xuất hóa đơn. Tuy nhiên, từ năm 2022, các sàn TMĐT có trách nhiệm kê khai và khấu trừ thuế thay cho cá nhân kinh doanh nếu doanh thu đạt mức chịu thuế từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Mức thuế suất áp dụng đối với hộ, cá nhân kinh doanh là 0,5% đối với thuế thu nhập cá nhân, 1% với thuế giá trị gia tăng…
Ngọc Liên
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202501/quan-ly-thue-trong-giao-dich-thuong-mai-dien-tu-90a52d5/