Học viên của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hướng Hóa tham gia thực hành kỹ thuật tiêm phòng bệnh cho gà - Ảnh: N.T
Thực hiện Tiểu dự án 3, Dự án 5 về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS&MN thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hướng Hóa tích cực xây dựng kế hoạch, phối hợp với UBND các xã trên địa bàn huyện tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở các địa phương.
Riêng trong năm 2024, đơn vị tổ chức 28 lớp đào tạo nghề cho 560 học viên là đồng bào DTTS ở các xã: Tân Thành, Tân Hợp, Thuận, Lìa, Hướng Phùng và Thanh. Ngành nghề bà con được đào tạo chủ yếu gắn liền với điều kiện phát triển của từng xã như: trồng chuối, sắn, chăn nuôi gà thả vườn...
Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hướng Hóa Lê Quốc Dũng cho biết: “Qua tham gia các lớp học bà con rất phấn khởi, áp dụng được khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ vậy, tỉ lệ cây trồng, con nuôi chết do dịch bệnh giảm đi rất nhiều. Sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề chăn nuôi, họ đã biết từ khi đàn gà vừa nở cho uống gì, ăn gì và trị bệnh theo chu kỳ tuổi của gà nên tỉ lệ gà chết trong quá trình nuôi là rất thấp. Tương tự vậy, bây giờ người dân nuôi dê và bò thì tự trị những bệnh thông thường, trường hợp những bệnh nặng bà con đã ý thức báo cáo cán bộ thú ý xã để điều trị và tránh lây lan dịch bệnh”.
Trên cơ sở bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ của Tiểu dự án 3, Dự án 5, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các nhiệm vụ như: đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền với nội dung và hình thức phong phú.
Phối hợp với các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh thực hiện xây dựng chương trình đào tạo, chương trình bồi dưỡng giáo viên; xây dựng phần mềm quản lý tuyển sinh và đào tạo nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Các hoạt động gắn kết với doanh nghiệp (DN) trong đào tạo và hỗ trợ giải quyết việc làm được triển khai, nhiều doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp từ việc xây dựng chương trình, tham gia đào tạo, đánh giá người học cho đến tuyển dụng và giải quyết việc làm với nhiều hình thức khác nhau như: liên kết đào tạo, đào tạo tại doanh nghiệp, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động.
Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tập trung đổi mới công tác tư vấn tại các phiên giao dịch việc làm, thu thập, xử lý và cung cấp thông tin thị trường lao động ở các huyện miền núi. Từ năm 2021- 2024, đã tổ chức gần 20 phiên giao dịch việc làm định kỳ tại miền núi.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định như: hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng; miễn, giảm học phí cho lao động nông thôn tham gia học trung cấp, cao đẳng; chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên cao đẳng, trung cấp; đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dạy nghề dưới 3 tháng cho lao động nông thôn, người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.
Trong giai đoạn 2021-2024 (tính đến tháng 10/2024), đã đào tạo nghề cho 4.675 lao động vùng đồng bào DTTS và miền núi, góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo ước đến cuối năm 2024 đạt 75,16% (đạt 100% kế hoạch đề ra).
Thông qua việc triển khai thực hiện Tiểu dự án 3, Dự án 5 đã góp phần cải thiện các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chuẩn hóa kỹ năng lao động; cung cấp thị trường lao động và kết nối hiệu quả đào tạo, giải quyết việc làm; hỗ trợ người lao động thuộc vùng DTTS đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Số lao động được đào tạo nghề ngày càng tăng, góp phần tích cực trong việc cung cấp lao động qua đào tạo đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo tăng lên hằng năm.
Đa số lao động sau khi được đào tạo nghề đã có việc làm mới, tăng thu nhập, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh nói chung và vùng đồng bào DTTS nói riêng.
Tính đến cuối năm 2023, tỉ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh là 13,16% với 23.967 hộ nghèo, cận nghèo; giảm 5.070 hộ nghèo, cận nghèo tương ứng giảm 3,04% so với đầu giai đoạn. Trong đó, tỉ lệ nghèo đa chiều DTTS là 60,12% so với tổng số hộ DTTS (giảm 1.596 hộ tương ứng giảm 10,02%).
Để việc triển khai Tiểu dự án 3, Dự án 5 đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có báo cáo đề xuất các giải pháp như: tăng cường, đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật, chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.
Chú trọng đào tạo các ngành nghề phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp và theo nhu cầu của các doanh nghiệp (DN) đầu tư trên địa bàn. Tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc các vùng đồng bào DTTS&MN.
Khuyến khích liên kết đào tạo giữa các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh nhằm đa dạng hóa ngành nghề, cũng như nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, các DN.
Tăng cường kết nối lao động cho DN thông qua cải tiến hoạt động giao dịch việc làm; chủ động mời gọi các DN có uy tín, chất lượng và năng lực hoạt động trong các lĩnh vực để thu thập và cung cấp các thông tin về thị trường lao động cho người lao động có nhu cầu.
Tổ chức quản trị, khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh; đẩy mạnh hợp tác giữa Trung tâm Dịch vụ việc làm với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và DN trong đào tạo và giải quyết việc làm sau đào tạo.
Ngọc Trang