Những năm gần đây, vấn đề giáo dục kỹ năng sống cho trẻ được toàn xã hội, ngành giáo dục và các gia đình quan tâm định hướng. Qua đó, giúp cho trẻ trưởng thành, tự tin, thích nghi được với hoàn cảnh và sống có trách nhiệm, có kiến thức, kỹ năng để phục vụ học tập, sinh hoạt.
Nhận được tin từ cô giáo chủ nhiệm thông báo trong cặp sách của con trai có 3 điếu thuốc lá điện tử, chị Nguyễn Hảo ở phố Hàng Cau (thành phố Nam Định) bàng hoàng, bỏ hết công việc để đến trường gặp cô giáo. Nhìn con đang ngồi cúi gằm, nước mắt giàn dụa vì lo lắng, chị và cô giáo cũng chỉ biết động viên để con bình tĩnh khai rõ nguyên nhân của sự việc. Chị không thể ngờ đứa trẻ lớp 6 nhút nhát, khi ở nhà mẹ còn nhắc nhở việc ăn, ngủ lại chứa nhiều thuốc ở trong cặp. Con đã lấy tiền ở đâu để mua và biết hút thuốc từ khi nào là câu hỏi mà chị không thể trả lời, bởi từ trước đến nay chị chưa cho con tiêu tiền. Sau khi bình tĩnh nghe con kể được anh lớp trên nhờ cầm giúp, chị mới thấy sự “buông lỏng” và thiếu kinh nghiệm trong việc trang bị kỹ năng sống cho con. Nếu không được cô giáo kiểm tra, phát hiện sớm thì hậu quả sẽ khôn lường.
Học sinh Trường Mầm non Giao Thịnh (Giao Thủy) được trải nghiệm với việc chăm sóc rau xanh tại vườn trường.
Con gái chị Thoa ở đường Phan Đình Phùng (thành phố Nam Định) năm nay học lớp 11. Do gia đình có người giúp việc theo giờ nên ngoài việc học, cháu không phải làm bất cứ việc gì. Chị nghĩ, mục tiêu của con là đỗ vào đại học, những việc khác, sau này học cũng không muộn. Hôm đó, đã 12 giờ trưa mà không thấy bác giúp việc dắt xe về như mọi khi, chị mở lại camera xem thì mới biết bác đang nằm vật trên ban công tầng 2, bên cạnh là chậu nước tưới cây. Trước đó, khi con gái đi học về có nhìn thấy bác đang ôm đầu và có dừng lại trao đổi gì đó rồi lại vào phòng riêng xem điện thoại. Chị tức tốc đi thật nhanh về và kịp thời đưa bác gái đi cấp cứu. Đang vội vã, lo lắng cho sức khỏe của người giúp việc, chị nghe tiếng con gái phàn nàn chưa có cơm ăn, lúc đó chị mới chợt tỉnh… Cũng may bác giúp việc bị tụt huyết áp và đến viện kịp thời. Chị Thoa tâm sự: “Ngoài việc động viên các con trong học tập, chúng tôi bỏ bẵng đi việc dạy dỗ các con phải quan tâm đến người khác. Giờ tôi mới nhận ra sai lầm của mình, nhưng bắt đầu dạy con về kỹ năng sống thấy rất gian nan, vì đây là giai đoạn tâm sinh lý của các con rất nhạy cảm, không ổn định”.
Không chỉ riêng chị Hảo, chị Thoa mà rất nhiều phụ huynh khác cũng có con em rơi vào hoàn cảnh tương tự. Nhiều em chỉ biết sống khép kín trong phòng riêng của mình, hay sống với thế giới ảo như game, facebook, tiktok… mà không quan tâm tới người thân; nhiều em tự đánh mất những “cơ hội” kết bạn cùng bạn bè, thể hiện những khả năng tiềm ẩn của bản thân; nhiều em khác lại như “những chú gà công nghiệp” khi tiếp xúc với cộng đồng, xã hội. Có những em đến độ tuổi đi học, mà ngay những hoạt động thường nhật như tự mặc quần áo, buộc dây giày, chuẩn bị đồ dùng học tập, nấu đồ ăn sáng… vẫn chưa tự làm được. Bên cạnh đó, nhiều em cũng thiếu các kỹ năng liên quan đến sinh tồn, giao tiếp, ứng xử, đạo đức. Lo lắng con thiếu kỹ năng sống sẽ không có khả năng tự vệ, ứng phó trước những tình huống nguy cấp, nhưng phần lớn cha mẹ không từng nghĩ trẻ thiếu kỹ năng như hiện nay phần lớn là do gia đình quá bao bọc?. Có những việc cha mẹ cứ nghĩ là đúng, tuy nhiên khi “áp” vào con sẽ không phù hợp, khiến trẻ dần thui chột vô vàn kỹ năng trong cuộc sống, thậm chí sẽ khiến con khó xây dựng cuộc sống độc lập, hạnh phúc về sau. Và đặc biệt, nhiều gia đình đã nhồi nhét con bằng lịch học kín cả ngày. Trẻ cần được yêu thương, được lớn lên thông qua những trò chơi, cũng như giao tiếp bạn bè, xã hội. Thông qua những trò chơi, sự giao tiếp này trẻ sẽ học được vô vàn kỹ năng cần thiết mà kiến thức trong sách vở, khoa học có khi lại không giúp được trẻ.
Với sự phát triển của xã hội hiện đại cùng sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội, bên cạnh những hiệu quả tích cực internet mang lại thì môi trường mạng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro khó lường, mối đe dọa bị tổn hại, nhất là đối với trẻ em. Một trong những rủi ro mà trẻ em có thể gặp khi sử dụng mạng xã hội không an toàn là: Nguy cơ tiếp xúc với thông tin xấu, độc hại, không phù hợp với độ tuổi; lộ thông tin cá nhân; bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ, đe dọa, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, tinh thần… Internet, mạng xã hội tồn tại nhiều mặt trái có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển và tâm lý của trẻ như: xao nhãng không tập trung học tập; tham gia một số trò chơi bạo lực làm thay đổi tâm lý, có thể trở nên hung hăng hay có cách cư xử không chuẩn mực; bị lợi dụng xâm hại về hình ảnh… Thậm chí, thời gian qua, xảy ra những sự việc đau lòng như nhiều học sinh đã không tự làm chủ được bản thân trước áp lực cuộc sống, áp lực tình cảm, áp lực học hành... nên đã có những hành động dại dột (tự tử, tự làm đau bản thân). Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng trên, nhưng theo các chuyên gia, nguyên nhân sâu xa là do các em thiếu kỹ năng sống. Các em chưa bao giờ được dạy cách đương đầu với những khó khăn của cuộc sống như: mâu thuẫn với bạn bè, kết quả học tập kém...
Những năm qua, các cấp, các ngành đã thường xuyên quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Nhiều hoạt động ngoại khóa về giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân được các cấp, ngành, địa phương triển khai thường xuyên, đặc biệt là những nội dung quy định về an toàn giao thông, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng tránh tai nạn thương tích… Các nhà trường tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, giáo dục kỹ năng sống, bản sắc văn hóa dân tộc cho học sinh với hình thức đa dạng, phong phú như: Thi vẽ tranh, thi nghi thức đội, thi tìm hiểu Luật Trẻ em, các quyền cơ bản của trẻ em, thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ cho trẻ em, rèn luyện kỹ năng sống, phòng, chống tai nạn giao thông, đuối nước, tai nạn thương tích… Tuy nhiên, với thời lượng chưa nhiều, chưa có hệ thống, khiến các em ít được thực hành dẫn đến tình trạng nhiều trẻ học giỏi nhưng lại thiếu đi kỹ năng giao tiếp, sinh tồn cần thiết.
Hiện nay, cũng có nhiều các bậc phụ huynh quan tâm đến giải pháp cũng như có sự đầu tư cho con đi học những lớp dạy về kỹ năng sống, tổ chức cho con những chuyến đi trải nghiệm người thật, việc thật và làm “dày” vốn sống… Đó đều là những lựa chọn thông minh và mang lại hiệu quả tích cực trong việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ. Cô giáo Hồ Thị Kim Thanh, giáo viên dạy kỹ năng sống tại Nhà Văn hóa thiếu nhi thành phố Nam Định cho biết: Việc giáo dục kỹ năng sống cho các em là rất cần thiết. Bởi ở các lớp này, các em được dạy những điều cơ bản nhất như giới thiệu về bản thân, kỹ năng giao tiếp ứng xử, làm việc theo nhóm, kỹ năng khám phá, thay đổi bản thân, các kỹ năng về phòng tránh tai nạn thương tích… Mục đích của các lớp học này là giúp các em tự tin, tự lập hơn trong cuộc sống. Đặc biệt, với lứa tuổi thiếu niên, các em rất cần được rèn luyện về kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng thuyết trình, diễn thuyết trước đám đông hay giáo dục về giới tính và các kỹ năng cần thiết khác, giúp trẻ hình thành và phát huy các kỹ năng, phản xạ tốt trong cuộc sống.
Để trẻ em có những kỹ năng sống cần thiết thì gia đình có vai trò đầu tiên, quan trọng trong việc định hướng, trang bị kỹ năng sống. Bên cạnh đó là sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương, nhà trường trong việc giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống, giúp trẻ tự tin vào chính bản thân mình, ứng xử phù hợp, học tập hiệu quả, phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức, trở thành công dân có ích.
Bài và ảnh: Hồng Minh